Theo Thạc sĩ Khoa học máy tính Trần Quốc Tuấn, mentor chương trình đào tạo công nghệ thông tin tại FUNiX, trong giai đoạn Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, các phương tiện công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, thị giác máy tính, khoa học dữ liệu đã mang lại nhiều lợi ích: Góp phần xác định mầm bệnh, hỗ trợ nhà chức trách y tế khi tiếp xúc bệnh nhân, dự đoán tình trạng và khoanh vùng cá thể, nhóm đối tượng có liên quan tới dịch bệnh...
Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực, công nghệ cũng để lại nhiều ảnh hưởng khác, đặc biệt với các công dân toàn cầu đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào kỹ thuật số.
Hội chứng "nomophobia"
Thuật ngữ nomophobia được các nhà tâm lý học dùng để miêu tả nỗi sợ của những cá nhân mắc chứng lệ thuộc quá nhiều vào smartphone. Trong đó, từ nomo nghĩa là no mobile phone (không điện thoại), còn phobia là thuật ngữ tâm lý học miêu tả nỗi sợ. Đây là nghiên cứu do các nghiên cứu sinh tại Đại học Hongkong và Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc) thực hiện.
Trong thời kỳ dịch bệnh, thời gian sử dụng các thiết bị di động tăng mạnh trên nhiều nhóm đối tượng, bao gồm cả học sinh - buộc phải học online cả ngày, nhân viên các tổ chức làm việc từ xa và những người phải tạm dừng công việc và ở nhà - chỉ tiếp nhận thông tin thiết bị di động.
Việc giãn cách xã hội (social distancing) khi dịch bệnh diễn ra cũng khiến mọi người có nhu cầu giải trí nhiều hơn từ các kênh giải trí hay mạng xã hội như YouTube, Netflix, Facebook..., từ đó, tăng thời gian sử dụng thiết bị. Thông tin cá nhân từ người thân, gia đình được chia sẻ qua các thiết bị cầm tay cũng khiến người dùng dễ đắm chìm trong các thiết bị của mình.
Olga Tokarczuk - chủ nhân giải Nobel văn chương 2018 - nhận định về những nguy cơ của đại dịch Covid-19: "Những đứa trẻ sẽ ra khỏi thời kỳ cách ly trong tình trạng nghiện Internet và nhiều người trong chúng ta sẽ tự ý thức được sự vô nghĩa - vô dụng của những điều kiện mà theo quán tính, chúng ta gắn mình vào chúng một cách cơ giới". Bà cũng đặt vấn đề có thể sẽ gia tăng người mắc các chứng bệnh tinh thần sau đại dịch.
Thời gian thực hiện giãn cách, cách ly xã hội kéo dài dẫn tới nhiều người dành lượng lớn thời gian sử dụng thiết bị thông minh, ảnh hưởng tới tinh thần. |
Quyền riêng tư cá nhân
Tại nhiều nơi trên thế giới, Trí tuệ nhân tạo và Thị giác máy tính đang được sử dụng để hỗ trợ kiểm soát đại dịch. Bằng cách quét các không gian công cộng, thu thập dữ liệu cá nhân như vị trí, dữ liệu sức khỏe, giám sát trên không gian mạng. Công nghệ giúp xác định những người có khả năng bị nhiễm bệnh, hoặc thực thi các biện pháp ngăn chặn, giãn cách xã hội.
Ví dụ, nhà ga trung tâm Bắc Kinh trang bị hệ thống cảm biến để xác định các cá nhân có khả năng là nhân tố F0, bệnh viện Đa khoa Florida’s Tampa General tại Bắc Mỹ cũng triển khai một hệ thống tương tự phối hợp cùng hệ thống care.ai tại các lối đi trong bệnh viện để xác định những bệnh nhân có triệu chứng liên quan Covid-19.
Tại Mỹ, camera cũng được dùng để kiểm soát người dân và khi các khoảng cách xã hội tối thiểu bị vi phạm, thông tin nhắc nhở sẽ gửi tới người có liên quan. Còn chính phủ Israel đã phê duyệt giám sát không gian mạng bởi các dịch vụ an ninh để xác định và cách ly những người có thể nhiễm bệnh.
Sự tham gia này trong giai đoạn dịch bệnh rất cần thiết nhưng đồng thời, nó cũng gây nên lo ngại về thời kỳ hậu Covid-19, khi các dữ liệu có thể bị bên thứ ba khai thác sai mục đích hoặc lợi dụng để xâm nhập quyền riêng tư cá nhân.
Can thiệp của công nghệ có thể mang lại lợi ích nhưng cũng là mối lo ngại về quyền riêng tư sau đại dịch. |
Bảo mật và quyền sở hữu trí tuệ
Đại dịch đẩy nhiều ngành nghề, công việc chuyển sang làm việc tại nhà (work from home) và kết nối thông qua Internet. Về góc độ an ninh, đây là vấn đề tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về bảo mật cho nhiều công ty, tập đoàn và tất cả mọi người. Làm việc từ nhà dẫn đến nguy cơ bị tấn công mạng và đoạt quyền thông tin cao hơn hẳn so với làm việc tại công ty.
Ngoài ra, vấn đề bảo vệ tác quyền sở hữu trí tuệ vốn rất được coi trọng cũng bị ảnh hưởng. Thông tin nội bộ thường không được mang ra ngoài, nhưng khi người lao động làm việc tại nhà và đôi khi phải truy cập trực tiếp thiết bị từ xa, dữ liệu bị thiếu đi sự an toàn, có nguy cơ bị phát tán.
Microsoft mới triệt phá thành công mạng lưới Botnet Necurs, một trong những mạng botnet lớn nhất trên thế giới, đã hoạt động trong suốt 5 năm kể từ khi bị phát hiện. Mạng máy tính ma Necurs này có đến gần 6 triệu điểm zombie, phát tán lượng lớn mã độc dưới dạng Trojans ngân hàng, mã độc tống tiền (ransomware) qua các thư rác trong mỗi lần tấn công mạng.
Từ tháng 3 đến nay, đã có nhiều vụ tin tặc tấn công thông tin (phising) xảy ra. Tại Việt Nam, nhiều đối tượng lợi dụng việc toàn dân quan tâm thông tin về Covid-19 bằng cách tạo thông báo giả từ Thủ Tướng, lừa người dùng tải về máy để cài mã độc và ăn cắp thông tin, dữ liệu. Tin tặc còn chiếm được quyền quản lý một số tên miền .gov.vn và phát tán thông tin lừa đảo.
Các cuộc họp online trên nhiều nền tảng hội nghị cũng ẩn chứa nhiều yếu tố đáng ngại. Các tài khoản và thông tin người dùng trên thiết bị có cài đặt và đăng nhập các phần mềm này có nguy cơ bị tấn công và chiếm quyền hoạt động, khai thác thông tin cá nhân. Cụ thể, gần đây, hacker đã vào một phòng học ảo trên Zoom và gửi các thông tin, hình ảnh độc hại cho học sinh đang tham gia lớp. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã cảnh báo người dùng về vấn đề bảo mật khi sử dụng phần mềm họp trực tuyến trong giai đoạn này.
ThS Khoa học máy tính Trần Quốc Tuấn