Việc đứng tên phương tiện giao thông cơ giới hộ người khác tiềm ẩn một số rủi ro sau:
Thứ nhất, trên phương diện pháp luật, người đứng tên là chủ sở hữu phương tiện. Trường hợp người nhờ đứng tên chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe phù hợp với phương tiện mà tham gia giao thông gây tai nạn nghiêm trọng thì người được nhờ đứng tên có thể bị xem xét trách nhiệm về hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, được quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp gây thiệt hại, họ còn có thể bị liên đới trong việc bồi thường thiệt hại.
Thứ hai, người sử dụng phương tiện vào việc phạm pháp như vận chuyển hàng cấm, vi phạm pháp luật giao thông thì người được nhờ đứng tên sẽ bị cơ quan chức năng triệu tập làm việc, có thông báo phạt nguội về nơi cư trú...
Thứ ba, việc sang tên sẽ làm mất thời gian của cả hai bên. Một số trường hợp sẽ trở nên khó khăn, phức tạp hơn khi một bên không may qua đời, ra nước ngoài định cư...
Thứ tư, trường hợp người nhờ đứng tên chuyển nhượng (hợp đồng mua bán viết tay, hợp đồng miệng) cho người khác thì rất khó kiểm soát việc phương tiện do ai dùng, dùng vào việc gì, có phạm pháp hay không; gây tâm lý bất an trong thời gian dài cho người được nhờ đứng tên. Trong không ít trường hợp, chứng minh được nhờ đứng tên cũng gặp không ít khó khăn.
Trường hợp bạn không muốn đứng tên hộ bạn nữa thì hai bên lập hợp đồng mua bán xe máy tại văn phòng công chứng và thực hiện thủ tục trước bạ sang tên theo quy định. Xe máy thuộc sở hữu của người được sang tên kể từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký mô tô, xe máy.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội