Ra đời năm 2006 bởi ba nhà sáng lập: Nguyễn Đinh Nguyên, Phạm Thị Ngân, Nguyễn Thị Thanh Tú, Tòhe mang tới cho trẻ em thiệt thòi sân chơi hoạt động nghệ thuật và ứng dụng tranh vẽ trẻ em để phát triển các sản phẩm sáng tạo. Những sản phẩm như túi, ví, phụ kiện du lịch, phụ kiện công nghệ, đồ trang trí gia đình, đồ chơi trẻ em... mang thương hiệu Tòhe, được phân phối tại thị trường Việt Nam và quốc tế. Một phần lợi nhuận sử dụng để tiếp tục mở rộng chương trình lớp học sáng tạo và chương trình học bổng cho các em có năng khiếu.

Những sản phẩm của Tòhe. Ảnh: tohe.vn.
Doanh nghiệp này vận hành theo mô hình doanh nghiệp xã hội, một sáng kiến sử dụng kinh doanh như công cụ đem lại giải pháp xã hội bền vững cho cộng đồng.
Theo Luật doanh nghiệp 2014, những doanh nghiệp xã hội đăng ký theo luật phải đáp ứng các tiêu chí là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp; mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
Tuy nhiên, mô hình chưa thực sự tạo ra sức hút với các nhà đầu tư. Đến cuối tháng 4 năm nay, gần 6 năm Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, lượng doanh nghiệp xã hội đăng ký hoạt động với cơ quan đăng ký kinh doanh mới dừng lại ở con số 140.
Theo nghiên cứu "Thúc đẩy phát triểm khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam" năm 2018, nhiều doanh nghiệp tuyên bố không đăng ký hoặc không thừa nhận là doanh nghiệp xã hội theo Luật, do tính cứng nhắc của việc phải cam kết tái đầu tư 51% lợi nhuận. Mặc dù họ đã được cộng đồng công nhận rộng rãi là doanh nghiệp phục vụ mục tiêu xã hội hoặc môi trường.
Ngoài ra, đa số nhóm khởi nghiệp xã hội không muốn được gọi là doanh nghiệp xã hội vì hình ảnh công chúng của khu vực này thường mang tính yếu thế, thiếu năng động.
Trong bối cảnh đó, khái niệm doanh nghiệp tạo tác động xã hội (Social Impact Business-SIB) được đề xuất, kỳ vọng thu hút sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp có đặc điểm tương đồng, nhưng không tự nhận là doanh nghiệp xã hội. SIB là các loại hình tổ chức, doanh nghiệp thông qua hoạt động thương mại, giải pháp kinh doanh để tạo tác động tích cực lên xã hội và môi trường.
Theo các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp tạo tác động xã hội có thể bao gồm cả doanh nghiệp xã hội, kinh doanh xã hội, khởi nghiệp tạo tác động xã hội và kinh doanh với người có thu nhập thấp. Do các nhóm này đều sử dụng mô hình kinh doanh để tạo tác động tích cực về xã hội và môi trường.
Tại Việt Nam, số doanh nghiệp SIB chiếm 4% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, tương đương 22.000 doanh nghiệp. Các SIB có trụ sở chính tập trung chủ yếu các thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Những ưu tiên hàng đầu mà SIB tại Việt Nam theo đuổi bao gồm: nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tạo cơ hội việc làm cho nhóm ngoài lề; bảo vệ môi trường; thúc đẩy giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ người học và hỗ trợ phát triển nông nghiệp.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp tạo tác động xã hội vẫn là một doanh nghiệp, tuân theo những quy luật cơ bản của thị trường và phải đáp ứng nhu cầu khách hàng. Họ chỉ thu lợi nhuận nếu có sản phẩm dịch vụ thỏa mãn các nhu cầu đó. Tuy nhiên, không ít chủ doanh nghiệp, nhà sáng lập bỏ qua bước quan trọng: tìm hiểu khách hàng. Nhiều ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực này thất bại hoặc không có khả năng nhân rộng quy mô vì chưa quan tâm đến giai đoạn đầu tiên này.
Bên cạnh đó, những rào cản về nguồn vốn vay và đầu tư, thiếu kỹ năng quản trị, nguồn tài trợ, tuyển dụng nhân viên, vướng mắc thủ tục hành chính... cũng kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.

[Tạ Minh Tuấn, Chủ tịch TMT Group.
Những lời khuyên dành cho doanh nghiệp tạo tác động xã hội, đặc biệt là những startup hoạt động theo mô hình này sẽ được doanh nhân Tạ Minh Tuấn, Chủ tịch TMT Group đề cập trong talkshow Nguy - Cơ 13, phát sóng sáng 3/12. Chương trình do VnExpress và S-World Multimedia phối hợp thực hiện.
Hoài Phong
Talkshow Nguy - Cơ là không gian để các doanh nghiệp, doanh nhân chia sẻ câu chuyện của mình, phân tích trực diện các vấn đề kinh doanh về cuộc chiến khốc liệt trên thương trường cùng host là doanh nhân, diễn giả Nguyễn Phi Vân. Chương trình do VnExpressvà đối tác S-world Multimedia phối hợp thực hiện.
52 số của chương trình là câu chuyện của các vị lãnh đạo, đầu tàu doanh nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau từ công nghệ, bất động sản, tài chính đến dịch vụ giải trí, tiêu dùng, vận tải... Mời độc giả xem lại các số Nguy - Cơ từ 1 đến 12.
Những doanh nghiệp muốn chia sẻ câu chuyện của mình có thể liên hệ Ban sản xuất chương trình tại đây.