Tôi thiếu rất nhiều điểm, nên trượt đại học. Lý do không phải vì sức khỏe, tâm lý hay “học tài thi phận”, mà là do tôi học dốt. Cả năm lớp 12, tôi bỏ bê việc học, ăn chơi đàn đúm bạn bè nhưng không ai biết, vì mọi người đã quá tin tưởng vào sự tự lập của tôi. Đối với gia đình tôi, bà con hàng xóm cả một vùng thì tin này rất sốc. Bố mẹ tôi điều là nhà giáo. Tôi học ở trường chuyên của tỉnh, giải này giải kia, giấy khen các cấp không đếm xuể. Thế mà rớt đại học.
Không khí ngột ngạt bao trùm cả gia đình. Bố mẹ tôi buồn và xấu hổ. Họ không nặng lời với tôi và cho tôi hai lựa chọn: tuyển nguyện vọng 2 trường nào đấy hoặc ở nhà một năm để ôn luyện sang năm thi lại. Đối với tôi, sự đối đãi ấy làm tôi không chịu nổi. Tôi không muốn làm bất kỳ công việc nào khác ngoài việc tôi đã chọn, mà cũng không thể ở không ăn bám bố mẹ suốt một năm trời. Chỉ 2 ngày thôi, tôi đã có một quyết định liều lĩnh Nam tiến mà không xin phép gia đình.
Tôi là gái quê lên thành phố, trong chiếc túi xách cỏn con đem theo bên người chỉ có 3 bộ quần áo, còn lại là một tập dày cộp các loại giấy tờ từ CMND, giấy phép lái xe, học bạ học tập qua các thời kỳ cho tới giấy khai sinh, bản sao sổ hộ khẩu… cùng 500.000 đồng và 3 quyển đề thi đại học của các năm trước. Xuống bến xe, tôi ôm túi đi một mạch đến trạm xe bus mặc cho một dàn các bác xe ôm, các chị bán nước hùa theo dành giựt, chỉ trỏ. Không biết, không nghe, không tin ai hết... đó là những gì tôi tự dặn dò khi quyết định “chạy trốn” đến thành phố này.
Tôi qua vài trạm xe bus và đi bộ khoảng mươi cây số, cũng đến trước cổng một trường đại học. Sau nhiều lượt chặn đường hỏi han thì tôi được một chị sinh viên của ngôi trường trên dẫn về khu trọ chị đang ở và giới thiệu cho ở ghép trong một căn phòng chỉ có 16m2, hiện có 4 người ở. Mỗi người một mảnh chiếu đơn. Quạn trọng nhất là chỉ có 200.000 đồng một tháng trọ và còn khuyến mãi thêm manh chiếu người cũ để lại. Không sao hết, tôi cũng chỉ cần có chỗ để thẳng chân và an toàn thôi.
Sau đó, tôi lại mon men đi với người chị gái trên tới trường của chị, xông thẳng vào căn tin trường chị, hỏi xin một chân bưng bê, rửa chén, cả ngày. Cũng không sao, tôi chỉ cần ngày 2 bữa cơm canh thôi.
Buổi tối, tôi lò dò tới trung tâm ôn thi đại học của trường hỏi han cặn kẽ chương trình, học phí ôn thi. Tất nhiên là tôi không có đủ tiền để đóng học phí rồi. Nhưng không sao, tôi chỉ cần lịch học thôi.
Thời khóa biểu của tôi những ngày sau đó là: ban ngày làm việc ở căn tin, tối lên giảng đường. Tôi chỉ cần 3 quyền vở cho 3 môn toán, lý, hóa. Còn sách thì tôi đã có của bạn ngồi bên. Tôi chỉ hơi phiền xíu là trong tháng đầu chưa đủ tiền đóng học phí, mỗi khi có cán bộ của trung tâm đi kiểm tra thì nháo nhác chạy hoặc dày mặt năn nỉ.
Nói một chút về gia đình, khi biết tôi bỏ nhà đi thì rất lo lắng nhưng không thể khuyên nhủ gì. Tôi chủ động gọi về để bố mẹ biết tôi vẫn ổn, còn không cho biết địa chỉ và công việc tôi đang làm. Tôi cắt liên lạc với tất cả bạn bè. Tôi tự trừng phạt mình. Và lý do trẻ trâu nữa là vì tôi vẫn còn rất “quê”.
Khi đang gõ những dòng này thì tôi đã tốt nghiệp đại học và làm việc trong lĩnh vực mà tôi ước mơ được 4 năm rồi. Có thể cách giải quyết vấn đề của tôi hơi tiêu cực. Tôi không cổ súy cho việc bỏ nhà đi, không tán đồng việc học chui hay tự cấm vận các mối quan hệ xã hội. Nhưng trên hết, tôi đã tự dạy cho bản thân một bài học, tuổi trẻ có dài cũng không đủ để thỏa mãn tất cả ham muốn của con người. Nếu tôi chăm chỉ học hành thì một đứa tiểu thơ sướng từ trong trứng như tôi không phải trải qua thời gian khó khăn và buồn tủi như vậy. Nhưng cũng vì chuyện đã xảy ra, vì tự ái tuổi trẻ mà tôi có động lực và sự quyết tâm cao độ để sửa chữa sai lầm và trưởng thành như hôm nay.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Nguyễn Thị Bích Ngọc