Bỏ lại đứa con trai 4 tuổi và gia đình Hồi giáo giàu có, Adil, 29 tuổi, bán dâm suốt hai năm trên những con phố ở Johannesburgh, cuối cùng mới dám về nhà.
"Luật pháp ở Malawi rất hà khắc với người đồng tính. Tôi muốn thoát khỏi đó, tôi muốn nắm lấy cơ hội", Adil nói.
Trường hợp của Adil làm nổi bật các vấn đề ở Malawi, quốc gia châu Phi nơi các nhà vận động đang tích cực đòi quyền tự do cho người đồng tính nam. Hồi giữa tháng 6, tòa án tối cao Botswana bãi bỏ các luật chống đồng tính tồn tại hàng thập kỷ qua, biến nước này thành một trong 5 quốc gia châu Phi phi hình sự hóa đồng tính luyến ái.
"Những quyết định mang tính bước ngoặt này tạo ra khuôn khổ quan trọng đem lại hy vọng cho những nơi khác ở châu Phi", Anneke Meerkotter, chuyên gia Trung tâm Tố tụng châu Phi, cho hay.
Tuy nhiên, tại những nơi khác ở châu Phi, bức tranh về người đồng tính rất khác biệt. Đầu tháng 6, tòa án tối cao Kenya giữ nguyên luật quy định hành vi "ăn nằm với người khác trái với tự nhiên" sẽ phải chịu mức án lên tới 14 năm tù. Chad và Uganda cũng củng cố hoặc đưa ra luật chống người đồng tính.
Bộ luật hình sự Malawi, quốc gia tôn giáo bảo thủ, quy định quan hệ đồng tính là "hành vi phạm tội trái tự nhiên" với hình phạt lên tới 14 năm tù.
Tháng 10 năm ngoái, Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cho hay luật pháp Malawi đã thúc đẩy bầu không khí sợ hãi, bắt bớ tùy tiện, bạo lực và phân biệt đối xử với người đồng tính nam. Nhiều thanh niên như Adil bị đuổi khỏi gia đình vì xu hướng tính dục của mình.
Vấn đề quyền của người đồng tính gây chú ý tại Malawi từ năm 2010, sau khi một đôi đồng tính nam bị bỏ tù vì công khai tổ chức đám cưới đồng tính đầu tiên.
Tổng thống Malawi khi đó là Bingu wa Mutharika nói rằng hai người đã phạm tội chống lại văn hóa, tôn giáo và luật pháp Malawi. Sau đó, ông ân xá cho họ vì "lý do nhân đạo" sau cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Khi phó tổng thống Joyce Banda thay thế Mutharika vì ông đột ngột qua đời năm 2012, bà đã hứa sẽ cải cách luật pháp, thậm chí tuyên bố lệnh cấm bắt những người vi phạm luật chống người đồng tính. Nhưng khi bà hết nhiệm kỳ năm 2014, những cam kết của bà bị đảo ngược.
Dưới thời Peter Mutharika, em trai của cố tổng thống Mutharika, người vừa tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, "nhóm người đồng tính có xu hướng bị bỏ qua", nhà vận động vì quyền lợi người đồng tính Beatrice Mateyo nói.
Các nhà vận động ở Malawi đã chờ đợi tòa án ấn định phiên điều trần bãi bỏ luật chống đồng tính từ năm 2013.
"Chúng tôi hy vọng trường hợp ở Botswana sẽ tạo hình mẫu cho quy trình cải cách pháp lý ở Malawi", Gift Trapence, người đứng đầu tổ chức Trung tâm Phát triển Con người (CEDP) ở Malawi cho hay.
Mateyo cho rằng chủ nghĩa tôn giáo bảo thủ đóng vai trò cốt lõi trong việc duy trì khuôn mẫu và sự thù địch chống lại người đồng tính. Malawi có 18 triệu dân, đa số là người Cơ đốc giáo hoặc Hồi giáo, những tôn giáo coi đồng tính luyến ái là cấm kỵ hoặc tội lỗi.
Năm 2016, khoảng 3.000 người Cơ Đốc giáo đã diễu hành ở thủ đô Lilongwe và trung tâm tài chính thương mại Blantyre, mang theo bảng ngữ viết "Đồng tính luyến ái thật đáng ghê tởm".
"Chúng tôi được coi là quốc gia kính Chúa, vì vậy nếu bạn là người thuộc giới tính khác, bạn sẽ bị coi là kẻ tội lỗi", Mateyo nói.
Sarah, 28 tuổi, đồng tính nữ kiêm liên giới tính (người có bất thường về bộ phận sinh dục bên ngoài lẫn cơ quan sinh sản bên trong khiến cho giới tính không rõ ràng), cho hay mọi việc thường nhật của cô ở Malawi diễn ra giống như đi trên băng mỏng.
"Tôi sợ bị tấn công ngay cả ở những nơi công cộng", Sarah nói. "Đến ngân hàng, họ sẽ nhìn vào chứng minh thư, bạn phải chứng minh rằng mình là người có giới tính đặc biệt ngay từ lúc chào đời".
Sarah đang yêu đương với một cô gái ba tháng nay, nhưng "tôi không dám đưa cô ấy đi chợ mua rau vì thể nào cũng nảy sinh vấn đề khác".
Năm 2016, CEDP đã thành lập 4 trung tâm ở các thành phố lớn thuộc Malawi là Lilongwe, Blantyre, Mzuzu và Mangochi. Các trung tâm trang bị phòng giải trí, phòng gym, phòng bếp lớp, phòng y tế và an ninh 24/24 giờ, hỗ trợ khoảng 2.000 người.
"Chúng tôi quen nhau khi tới đây", một nam thợ mộc 27 tuổi giấu tên, ngồi cạnh bạn trai ở trung tâm, nói. Mỗi tuần một lần, anh đi bộ 30 km tới Lilongwe để mua bao cao su để tránh bị người dân ở khu phố lên án.
Adil quay lại Malawi sau khi nhiễm HIV ở Nam Phi. Anh không thể tiếp tục ở lại vì không có quyền tiếp cận dịch vụ y tế. Trung tâm của CEDP mang tới hy vọng cho những người đồng tính ở Malawi.
"Tại đây, ta muốn mặc gì cũng được, cảm nhận mọi thứ theo cách ta muốn bởi đây là nơi an toàn duy nhất", Adil nói. "Nhưng ngoài kia thì mọi thứ đều khó khăn".
Hồng Hạnh (Theo AFP)