Khi Ukraine phát động chiến dịch phản công được mong đợi từ lâu, cuộc chiến sẽ được dẫn dắt bởi các lữ đoàn trang bị vũ khí hiện đại và thuần thục chiến thuật NATO.
Họ là những mũi chủ lực mà Ukraine đã xây dựng, tổ chức, huấn luyện suốt nhiều tháng qua với sự hỗ trợ của phương Tây, nhằm biến đây thành những "nắm đấm thép" hiện đại, thiện chiến, cả khả năng phối hợp tác chiến tốt. Một trong số đó là Lữ đoàn Cơ giới Độc lập số 47.
Trong lúc các đơn vị khác đang kháng cự lực lượng Nga ở miền đông và miền nam đất nước, Lữ đoàn 47 chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột từ một thao trường tại căn cứ NATO ở Đức.
Ban chỉ huy lữ đoàn được huấn luyện bằng máy tính mô phỏng các tình huống mà họ có thể gặp trong thực tế. Phó lữ đoàn trưởng Ivan Shalamaha và các thành viên trong ban chỉ huy sẽ lên kế hoạch tấn công và sau đó để máy tính tính toán kết quả, dự báo đối phương sẽ phản ứng thế nào, nơi nào họ có thể đột phá và nơi họ sẽ chịu tổn thất nhiều nhất.
"Bạn sẽ hiểu bức tranh tổng thể, cách mọi thứ diễn ra", Shalamaha nói. "Bạn sẽ nắm được những thiếu sót nằm ở đâu. Và chúng tôi luôn chú ý đến những gì mình không thể đạt được trong quá trình mô phỏng này".
Sau quá trình huấn luyện như vậy, Lữ đoàn 47 và các đơn vị tấn công khác được cấp vũ khí phương Tây và chuyển đến địa điểm bí mật gần tiền tuyến hơn. Trong một chuyến thăm gần đây của phóng viên Washington Post, những người lính đang chờ lệnh tấn công để chiếm lại một vùng lãnh thổ từ tay lực lượng Nga và đưa cuộc chiến trở lại thế có lợi cho Kiev.
Chiến dịch phản công sẽ là phép thử lớn nhất đối với chiến lược do Mỹ lãnh đạo nhằm cung cấp vũ khí và huấn luyện quân đội Ukraine.
Một mục tiêu của khóa huấn luyện là dạy binh sĩ Ukraine cách tấn công. Suốt nhiều năm qua, quân đội Ukraine chủ yếu tập trung vào chiến thuật phòng thủ để bảo vệ lãnh thổ. Ngay cả những người lính đã chiến đấu với lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine trong 8 năm qua cũng có rất ít kinh nghiệm về tấn công theo kế hoạch.
Chiến dịch phản công chớp nhoáng hồi mùa thu năm ngoái giúp giải phóng gần như toàn bộ khu vực đông bắc Kharkov trong vòng chưa đầy một tuần là cuộc tấn công quy mô lớn được lên kế hoạch đầu tiên của quân đội Ukraine trong hơn 30 năm qua.
Thắng lợi ở Kharkov, và việc bảo vệ thành công thủ đô Kiev hồi đầu cuộc xung đột, một phần là nhờ khóa huấn luyện trước đó của NATO dành cho quân đội Ukraine, bắt đầu sau khi Nga sáp nhập Crimea và giao tranh nổ ra ở vùng Donbass, miền đông đất nước, từ năm 2014. Nhiều chỉ huy Ukraine, hiện là lãnh đạo cấp cao, đã tham gia vào các khóa huấn luyện như vậy.
Theo một chỉ huy đại đội 29 tuổi có mật danh Tovarish, tại khóa huấn luyện ở Đức hồi đầu năm, các bài học chính chỉ là tấn công.
"Chúng tôi thường xuyên liên lạc với các trung sĩ, sĩ quan, binh lính của họ khi họ huấn luyện chúng tôi", anh cho hay. "Chúng tôi có người phiên dịch đi cùng nên có thể hỏi bất cứ câu gì. Chưa bao giờ chúng tôi đặt câu hỏi mà họ không trả lời. Chúng tôi đã thấy sự chuyên nghiệp ở cấp độ khác và chúng tôi cần đạt được điều đó".
Shalamaha cho biết nhiệm vụ đầu tiên của anh khi làm việc với KORA, phần mềm mô phỏng chiến tranh được thiết kế cho lực lượng NATO, là lên kế hoạch cho các hoạt chống lại kẻ thù bên ngoài lãnh thổ. Cuối cùng, anh phối hợp với chỉ huy những lữ đoàn khác dự kiến chiến đấu trong cuộc phản công mùa xuân của Ukraine nhằm đánh giá mức độ hiệp đồng giữa họ trên chiến trường thực sự.
Những người khác trong Lữ đoàn 47 được huấn luyện chuyên sâu về vũ khí hoặc phương tiện mà họ sẽ nhận, đầu tiên là học những kiến thức cơ bản về cách vận hành chúng, sau đó là cách kết hợp chúng thành một đơn vị chiến đấu và cuối cùng là cách phối hợp với những đơn vị liên quan.
Một binh nhì 32 tuổi có mật danh Luke cho hay anh vẫn giữ liên lạc với một số huấn luyện viên người Mỹ mà anh gặp trong khóa huấn luyện. Đôi khi Luke xin lời khuyên hoặc xem lại một số điều họ đã dạy.
"Ở Đức, họ thực sự đã cho chúng tôi cơ hội tốt để cảm nhận cuộc xung đột sẽ diễn ra như thế nào tiếp theo", Luke nói. "Là trưởng nhóm, tôi có thể chỉ huy khoảng 5 đến 7 người. Nhưng khi số lượng quân nhiều hơn thế, bạn thực sự cần luyện tập nhiều hơn. Và sau đó, bạn phải cố gắng tổ chức cả một tiểu đoàn để di chuyển cùng lúc và mọi người phải biết họ đang làm gì. Nó thực sự, thực sự khó".
Lữ đoàn 47 bắt đầu từ một tiểu đoàn do Shalamaha và Valerii Markus, một cựu binh, được giao phó thành lập. Nó sau đó phát triển thành một lữ đoàn chính thức với nhiệm vụ đột phá phòng tuyến đối phương.
"Khi tôi nhập ngũ 12 năm trước, tôi đã gặp rất nhiều điều khiến tôi vô cùng thất vọng, khiến tôi ghét quân đội", Markus nói. "Nhưng khi tôi nhận được lời đề nghị này, tôi coi đó là cơ hội để xây dựng một đơn vị mà tôi đã muốn phục vụ 12 năm trước".
Mặc dù vẫn chưa được chứng minh năng lực trên chiến trường, Lữ đoàn 47 được trang bị gần như hoàn toàn vũ khí phương Tây và lần đầu tiên, gần như mọi binh sĩ của đơn vị đều đã trải qua một khóa huấn luyện kéo dài hàng tuần với các huấn luyện viên nước ngoài. Lãnh đạo của họ cũng đặc biệt trẻ, tất cả đều sinh sau năm 1990.
"Chúng tôi là thế hệ trẻ", Shalamaha nói. "Chúng tôi vẫn còn cả cuộc đời phía trước và chúng tôi đang chiến đấu vì những gì chúng tôi muốn thấy về sau, cho con mình, cháu mình và hơn thế nữa".
Điểm thay đổi lớn nhất của Lữ đoàn 47 là họ tuyển quân có chọn lọc. Chỉ huy sẽ phỏng vấn về động lực cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu của từng người muốn gia nhập. Mỗi ứng viên đều phải trải qua một bài kiểm tra thể chất.
Alyona, 27 tuổi, đã nhiều lần đăng ký tham gia các lữ đoàn "quả đấm thép" của Ukraine nhưng đều bị từ chối với lý do cô là phụ nữ.
Nhưng vào đầu năm nay, Alyona đã liên hệ với một chỉ huy của Lữ đoàn 47. Anh hỏi mẹ cô có biết cô muốn ra trận không. Alyona nói dối rằng bà biết.
"Tôi đã giải thích với anh ấy lý do tôi muốn tham gia, rằng tôi nhập ngũ không phải để chụp vài bức ảnh đăng lên Instagram", cô nói. "Đây không phải một trò đùa".
Cuối cùng, Alyona được nhận. Trong lúc cô và những người khác trong lữ đoàn chờ lệnh phản công, họ đang cố gắng ôn lại các bài học đã được huấn luyện. Thỉnh thoảng, chỉ huy sẽ hô lên rằng ai đó trong đơn vị của họ bị thương, nhằm tạo ra tình huống diễn tập để những người lính nhanh chóng lấy đồ sơ cứu ra và thực hành trên đồng đội.
Phần lớn hoạt động của họ diễn ra vào ban đêm, khi họ luyện tập với kính nhìn trong bóng tối. Màn đêm bao phủ giúp đảm bảo rằng mọi di biến động của họ sẽ không bị lực lượng Nga phát hiện.
"Chúng tôi đã sẵn sàng", Shalamaha nói. "Chúng tôi có động lực. Chúng tôi có trang bị và điều quý giá nhất là chúng tôi có tinh thần chiến thắng".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)