Trong 2 tiếng diễn ra phỏng vấn trực tuyến, hàng trăm câu hỏi về bệnh ung thư đã được độc giả gửi về chương trình Tư vấn "Những phương pháp điều trị ung thư mới nhất trên thế giới" để 3 chuyên gia gồm Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Mai Trọng Khoa, nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử; Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai, Trưởng khoa Nội Ung bướu, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Yi Hyeon Gyu, Trưởng đơn nguyên Huyết học và Trị liệu tế bào, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City giải đáp. Độc giả quan tâm đến nguyên nhân gây bệnh ung thư, cách điều trị theo phương pháp tiên tiến nhất và cách sống chung với bệnh sau quá trình điều trị. Theo đó, hiện y học đã có thể điều trị được ung thư máu hay chưa, bị ung thư có nên ra nước ngoài chữa trị hay không, ở Việt Nam đã áp dụng các phương pháp điều trị tiên tiến nào mà thế giới đã công bố.
Các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều phương pháp chữa bệnh ung thư tiên tiến như: điều trị ung bướu đa mô thức với phác đồ cá thể hóa. Tùy từng trường hợp bệnh nhân, bác sĩ sẽ kết hợp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích, thuốc miễn dịch, liệu pháp miễn dịch tự thân, nhiệt trị, ghép tế bào gốc, chăm sóc giảm nhẹ ... để đạt hiệu quả tối ưu. Trong phẫu thuật, hiện nay ở Việt Nam có phẫu thuật sử dụng robot để điều trị bệnh ung thư tiêu hóa, phụ khoa, tiết niệu.
Dưới đây là nội dung buổi tư vấn trực tuyến:
- Thưa bác sĩ, tôi được biết hiện y học đã có thể điều trị được ung thư máu. Điều này có đúng không?
(Dương Văn Anh, 39 tuổi, Phường Quỳnh Mai)
- Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Yi Hyeon Gyu - Trưởng đơn nguyên Huyết học và Trị liệu tế bào, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City:
Hiện nay, cơ hội chữa khỏi bệnh ung thư máu khá cao. Đặc biệt chúng ta có thể phát hiện sớm bệnh ung thư máu qua kiểm tra sức khỏe định kỳ và quan trọng là gặp Bác sĩ để khám. Bởi các bệnh lý ung thư máu thường rất nhậy cảm với hóa trị liệu so với các bệnh lý khối u rắn khác.
Hóa trị liệu đã đạt được kết quả điều trị tốt ở rất nhiều người bệnh. Nếu bạn được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời, bạn có thể yên tâm sống mà không lo bệnh tái phát. Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư máu cơ bản, xạ trị và phẫu thuật trong một số trường hợp có thểđiều trị đối với U lympho giai đoạn sớm.
Ghép tế bào gốc hệ tạo máu tự thân hoặc đồng gen có thể được áp dụng trong những tình huống đặc biệt như nguy cơ cao hoặc thuận lợi. Có nhiều loại thuốc và phương thức hóa trị liệu, và phải rất cẩn trọng khi đưa ra quyết định điều trị vì có nhiều tác dụng khác nhau cũng như tác dụng phụ. Do đó, chuyên gia huyết học cùng với nhóm hỗ trợ đa năng cần đảm bảo kết quả lâm sàng tốt hơn trong điều trị người bệnh ung thư.
Ghép tế bào gốc chữa ung thư máu là một trong những tiến bộ vượt bậc của nhân loại ngày nay. Nhờ ghép tế bào gốc, nhiều trường hợp bệnh nan y đã có khả năng chữa khỏi.
Vinmec là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam đã đầu tư nghiên cứu bài bản và chuyên sâu trong lĩnh vực ứng dụng tế bào gốc, cũng như đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã bắt đầu tiếp nhận và triển khai công nghệ điều trị ung thư bằng ghép tế bào gốc từ năm 2015, với đầy đủ trang thiết bị cao cấp, hiện đại như máy thu hoạch tế bào gốc, máy dòng chảy tế bào học, máy giải trình tự thế hệ gen tiếp theo, các phương tiện chẩn đoán khác như MRI, CT, PET/CT and SPECT/CT... Nhờ đó, Vinmec có thể cung cấp liệu pháp ghép tế bào gốc điều trị ung thư cho những bệnh nhân trong nước mong muốn được tiếp cận phương pháp này mà không cần phải ra nước ngoài bất tiện và tốn kém.
- Mẹ cháu đang bị ung thư vú giai đoạn 3, có thể sử dụng các phương pháp mới trong điều trị không ạ? (Tố Nga, 439 tuổi, Lâm Đồng)
- Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai, Trưởng khoa Nội Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City:
Điều trị ung thư vú ngoài việc dựa vào giai đoạn bệnh, các bác sĩ còn dựa vào một số yếu tố khác như: Thụ thể nội tiết ER, PR và Her-2 để quyết định phác đồ điều trị. Việc điều trị bằng các phương pháp mới như: miễn dịch tự thân, áp nhiệt... hoàn toàn có thể phối hợp với các phương pháp điều trị kinh điển như: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích, nội tiết...
Cháu có thể đưa mẹ đến Phòng khám Ung Bướu của Bệnh viện Vinmec Times City để được bác sĩ tư vấn cụ thể.
- Ngoài điều trị ung thư máu, ghép tế bào gốc có thể áp dụng điều trị cho các loại ung thư nào, thưa bác sĩ? (Lan Anh, 25 tuổi, Hà Nội)
- Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Yi Hyeon Gyu:
Một số loại ung thư có thể chữa bằng phương pháp ghép tế bào gốc, đây là tiến bộ vượt bậc của nền y học thế giới. Tại Việt Nam, việc điều trị một số loại ung thư bằng liệu pháp tế bào gốc hiện đã được tiến hành tại nhiều nơi. Chữa ung thư bằng tế bào gốc thường được sử dụng cho những người mắc bệnh bạch cầu, ung thư hạch,u nguyên bào thần kinh và đa u tủy.
Trong ghép tế bào gốc, bệnh nhân nhận được các tế bào gốc tạo máu qua đường truyền tĩnh mạch. Khi đã vào cơ thể, các tế bào gốc này di chuyển đến tủy xương và thay thế các tế bào hư hỏng trong quá trình điều trị ung thư. Các tế bào gốc tạo máu được sử dụng trong cấy ghép có thể lấy từ tủy xương, trong máu hoặc dây rốn. Các loại cấy ghép tế bào gốc bao gồm:
Ghép tự thân ("Tự ghép"): Lấy nguồn tế bào gốc từ người bệnh truyền trở lại cho chính họ.
Ghép đồng loại ("Dị ghép"): Các tế bào gốc lấy từ người khác. Người hiến tặng có thể là người có quan hệ huyết thống nhưng cũng có thể là người không có quan hệ máu mủ ruột thịt, nhưng bắt buộc phải phù hợp về gen.
Ghép cùng huyết thống: Nguồn tế bào gốc đến từ anh chị em sinh đôi của bệnh nhân.
Ghép tế bào gốc thường không có tác dụng trực tiếp trong quá trình điều trị ung thư. Thay vào đó, việc ghép này giúp bệnh nhân phục hồi khả năng sản xuất tế bào gốc sau những đợt hóa trị, xạ trị hoặc cả hai. Chẳng hạn trong điều trị các ung thư hệ tạo máu, sau đợt điều trị hóa chất liều cao, tiêu diệt các tế bào ung thư, nhưng đồng thời cũng tiêu diệt các tế bào gốc tạo máu của bản thân người bệnh. Nhờ việc ghép (truyền) các tế bào gốc vào, mà tế bào tạo máu phục hồi, sản xuất lại như cũ các tế bào máu, tế bào miễn dịch, từ đó giúp người bệnh khỏi bệnh.
- Thưa giáo sư, tôi có người thân trong gia đình, có nếp sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ nhưng cách đây 6 tháng đã phát hiện ung thư và ở giai đoạn cuối. Như vậy có nghĩa là, ai cũng có thể mắc ung thư, điều đó có đúng không thưa giáo sư? (Lưu Văn Tuấn, 35 tuổi, Văn Miếu)
- Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Mai Trọng Khoa, nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực ung bướu và y học hạt nhân:
Ung thư là sự xuất hiện các tế bào bất thường trong cơ thể con người, phát triển thành khối u, khối u lớn dần lên và di căn toàn cơ thể. Các yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư: tuổi cao (tuổi càng cao tỉ lệ mắc ung thư càng nhiều), tính chất gia đình (có đột biến gen, trong gia đình có người mắc bệnh ung thư thì nguy cơ các thành viên khác có nguy cơ cao mắc bệnh), hút thuốc lá (thụ động và bị động), tia bức xạ, tiếp xúc hoá chất, rượu bia, nội tiết tố, thiếu dinh dưỡng và thiếu vận động, một số thực phẩm có thể gây ung thư (dưa muối, đồ hun khói, thực phẩm được bảo quản bởi các chất bảo quản độc hại, nhiễm virus và vi khuẩn (viêm gan B, viêm gan C, nhiễm virus sinh u nhú HPV, EBV...).
Hiện nay tỷ lệ ung thư ở Việt Nam đang tăng nhanh. Các bệnh phổ biến ở nam giới: ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư vòm.... Các bệnh phổ biến ở nữ giới: ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến giáp... Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,5 triệu dân, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca. Ung thư đang ngày càng trở thành gánh nặng lớn đối với sức khỏe cộng đồng.
Tại Việt Nam, bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, bệnh viện ung bướu thành phố Hồ chí Minh, bệnh viện Chợ Rẫy... đã có trang bị hệ thống máy móc hiện đại, áp dụng các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị hiện đại. Bên cạnh đó, trong thời gian qua đã có nhiều bệnh viện tư nhân đã có nhiều thiết bị mới hiện đại, công nghệ tiên tiến phục vụ cho chẩn đoán và điều trị bệnh nhân, đặc biệt các bệnh nhân ung thư, như bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec.
Những công nghệ giúp chẩn đoán sớm, chính xác, điều trị hiệu quả trong điều kiện tốt nhất, với chi phí hợp lý mà không phải ra nước ngoài. Nhiều bệnh nhận ung thư trước kia không chữa được, tử vong nhanh... nhưng với các kỹ thuật hiện đại, nhiều thuốc mới, nhiều phương pháp mới được sử dụng nên có một số lượng lớn bệnh nhân đã được cứu sống, nhiều bệnh nhân trở về cuộc sống bình thường, đã sinh con, làm bố làm mẹ...
Về nguyên tắc, ung thư có thể gặp ở mọi giới, cả nam và nữ, ở mọi lứa tuổi, từ trẻ, trung niên đến người già. Tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng lớn, một số loại ung thư khi trong gia đình có người mắc thì những thành viên khác cũng có thể mắc bệnh. Môi trường sống, làm việc, thói quen sinh hoạt... cũng là những yếu tố liên quan đến sinh bệnh ung thư. Như vậy, để phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống, mỗi người cần thăm khám sức khoẻ định kỳ, khám tầm soát ung thư. Việc điều trị cần phải thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa ung bướu, y học hạt nhân.
- Thưa bác sĩ, tôi có nghệ nói đến xu hướng điều trị ung bướu đa mô thức, đây là gì, và mô hình này sẽ đem lại lợi ích gì cho người bệnh? (Hoàng Mai, 32 tuổi, Hà Nội)
- Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai:
Hiện tại có các phương pháp điều trị ung thư: Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, miễn dịch và chăm sóc giảm nhẹ... Chưa có phương pháp nào được gọi là đặc hiệu đối với ung thư, nghĩa là tiêu diệt được hoàn toàn các tế bào ác tính mà không ảnh hưởng đến mô lành. Điều trị đa mô thức là phương pháp điều trị có sử dụng nhiều hơn một loại thuốc hoặc phương thức kết hợp để huy động những mặt mạnh của các phương pháp nói trên, tạo hiệu quả điều trị cao cho người bệnh.
Đây là xu hướng điều trị ung thư hiện nay. Tuy nhiên, sự khác biệt trong chất lượng điều trị đa mô thức phải đi đôi với cá thể hóa. Nghĩa là đối với mỗi ca bệnh ung thư cụ thể, tất cả các nhà trị liệu ung thư này phải thống nhất được với nhau kết hợp các phương pháp nào, liều lượng ra sao, thứ tự áp dụng. Lý tưởng là tất cả các phương pháp này đều được thực hiện tại 1 cơ sở y tế, do hội đồng hội chẩn chuyên môn xem xét cân nhắc đưa ra phác đồ. Đồng thời trong quá trình điều trị, người bệnh được chăm sóc toàn diện để nâng cao thể trạng, giảm thiểu tác dụng phụ thì mới có thể đạt hiệu quả cao nhất.
Ở Việt Nam, Vinmec hiện tại là một trong những bệnh viện áp dụng triệt để mô hình điều trị đa mô thức và phác đồ cá thể hóa.
Trung tâm Ung bướu Vinmec là một trong những trung tâm tại Việt Nam được trang bị đầy đủ các phương tiện chẩn đoán hiện đại như: PET/CT, SPECT/CT, MRI... xét nghiệm huyết tủy đồ, mô bệnh học, xét nghiệm hóa mô miễn dịch, xét nghiệm gen, xét nghiệm sinh học phân tử. cũng như có đầy đủ các loại thuốc điều trị đích, thuốc điều trị miễn dịch tiên tiến nhất trong điều trị ung thư.
Điều trị ung thư đa mô thức bằng phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch, các điều trị mới như liệu pháp miễn dịch tự thân, nhiệt trị... Sau khi có chẩn đoán chính xác bệnh, giai đoạn, người bệnh sẽ được tư vấn lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.
Quá trình điều trị luôn được phối hợp chặt chẽ cùng nhiều chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm sinh hóa, miễn dịch, chuyên khoa tim mạch, Tế bào gốc và công nghệ gen; khoa Sản phụ, khoa nội tiết, khoa Phục hồi chức năng, khoa tâm lý, khoa Dinh dưỡng...để đem lại hiệu quả cũng như sự thoải mái cao nhất cho người bệnh.
- Thời gian thực hiện ghép tế bào gốc thường kéo dài bao lâu? (Minh Ánh, 40 tuổi)
- Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Yi Hyeon Gyu:
Việc chữa trị ung thư bằng ghép tế bào gốc có thể mất đến vài tháng để hoàn thành với những trường hợp có bệnh ung thư máu có sẵn. Quá trình điều trị ung thư thường bắt đầu bằng việc lập kế hoạch như: bệnh nhân có thể ghép được không, nguồn tế bào gốc để ghép (chuẩn bị tự thân hay đi tìm người cho phù hợp kiểu gen...), thu thập tế bào gốc đảm bảo cho cuộc ghép, sau đó tiến hành những đợt hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp cả hai. Giai đoạn này diễn ra trong 1-2 tuần, sau đó là thời gian nghỉ ngơi trong vòng khoảng 4 tuần.
Bệnh nhân sẽ nhận được các tế bào gốc tạo máu truyền qua theo đường tĩnh mạch chỉ trong vòng 30 phút, tương tự như truyền máu. Quá trình này kéo dài 1 – 5 tiếng.
Sau khi nhận được các tế bào gốc, người bệnh bắt đầu giai đoạn phục hồi thường trong vòng 4 tuần. Trong thời gian này, các tế bào gốc máu sẽ tạo ra các tế bào máu mới. Giai đoạn đầu tiên, người bệnh phải ở phòng cách ly, với điều kiện vô trùng và an toàn cao nhất, vì nguy cơ nhiễm trùng, xuất huyết nặng. Ngay cả khi số lượng máu của bệnh nhân đã trở lại bình thường, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân cũng phải mất vài tháng để hồi phục hoàn toàn đối với cấy ghép tự thân hoặc từ 1 - 2 năm đối với dị ghép.
- Những phương pháp mới như liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân, nhiệt trị, cấy ghép tế bào gốc... có gây đau đớn, rụng tóc cho bệnh nhân không, thưa bác sĩ? (Trúc Nhân, 40 tuổi, Sài Gòn)
- Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai:
Liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân, nhiệt trị không gây đau đớn và rụng tóc. Với liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân còn giúp người bệnh giảm tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị.
- Liệu có thể hóa trị ung thư mà không bị thuốc "hành"? (Ánh Khoa, 45 tuổi, Ninh Thuận)
- Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Yi Hyeon Gyu:
Phương pháp sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư và có thể xem là một trong những giai đoạn khó khăn nhất đối với bệnh nhân ung thư. Hóa trị có thể xảy ra nhiều tác dụng phụ khiến người bệnh phải mệt mỏi. Những tác dụng phụ điển hình của hóa trị là: Cảm giác buồn nôn; Giảm khẩu vị do hóa trị; Đau do loét miệng; Tiêu chảy; Bong tróc da; Mệt mỏi và đau nhức cơ thể...
Ngoài ra có thể còn xuất hiện các tác dụng phụ của hóa trị ít gặp nhưng nguy hiểm đến tính mạng như: Sốc thuốc; Nhiễm trùng huyết do giảm bạch cầu nặng; Suy thận do thuốc độc thận; Rối loạn điện giải do nôn ói hoặc tiêu chảy mất kiểm soát
Tuy nhiên, việc trao đổi về tác dụng phụ của hoá trị giữa bệnh nhân và bác sĩ ung bướu ở một số bệnh viện còn nhiều khó khăn vì tâm lý người bệnh còn e ngại. Nhằm giúp người bệnh bớt phải chịu đựng các tác dụng phụ đó, Trung tâm ung bướu Vinmec Times City đã thiết lập đội ngũ và chương trình hỗ trợ bệnh nhân hóa trị. Trên hết, bệnh nhân có được thời gian trao đổi với bác sĩ nhiều hơn và giảm đi các tác dụng phụ gặp phụ gặp phải.
- Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư ở Việt Nam hiện nay là gì? (Phạm Minh Tùng, 30 tuổi, Nghĩa Tân - Cầu Giấy)
- Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Mai Trọng Khoa:
Việc chẩn đoán và điều trị ung thư ở Việt Nam ngày càng tiến bộ.
Nhiều bệnh viện lớn như Bạch Mai, Bệnh viện K, bệnh viện ung bướu TP HCM, bệnh viện Chợ Rẫy... cũng như nhiều bệnh viện tư nhân như hệ thống các bệnh viện Vinmec đã cập nhật và trang bị nhiều hệ thống thiết bị chẩn đoán ung thư hiện đại. Đó là các máy siêu âm đàn hồi, máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy, máy cộng hưởng từ 1,5 và 3,0 Tesla, máy chụp xạ hình SPECT, SPECT/CT, máy chụp PET/CT chẩn đoán ung thư toàn thân, máy nội soi siêu âm, hệ thống máy xét nghiệm đột biến gen ung thư... Những hệ thống thiết bị này giúp việc chẩn đoán sớm ung thư, chẩn đoán giai đoạn ung thư trở nên chính xác hơn, từ đó lựa chọn phương pháp điều trị hợp lý và hiệu quả.
Về điều trị, nước ta đã có nhiều phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hoá chất, thuốc nhắm trúng đích và thuốc miễn dịch.... Chúng ta có các hệ thống trang thiết bị phẫu thuật định vị, phẫu thuật bằng robot và đội ngũ bác sĩ phẫu thuật tay nghề cao được đào tạo về phẫu thuật ung thư. Bệnh viện Vinmec là hệ thống y tế tư nhân đầu tiên tại Việt Nam sở hữu hệ thống Robot Da Vinci; trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các bác sĩ, thực hiện các kỹ thuật mổ chính xác, giảm thiểu mất máu, nhiễm khuẩn và đau đớn cho người bệnh
Các kỹ thuật xạ trị tiên tiến như xạ trị điều biến liều (IMRT), xạ trị định vị thân (SBRT), xạ phẫu bằng dao gamma quay... đều có ở các bệnh viện lớn tại và một số bệnh viện tư nhân. Các kỹ thuật xạ trị tiên tiến giúp tăng liều xạ trị vào khối u, đồng thời giảm liều bức xạ lên các cơ quan lành xung quanh, giúp tăng hiệu quả điều trị và giảm tác dụng phụ cho bệnh nhân.
Các thuốc hoá chất mới, thuốc nhắm trúng đích và mới nhất là thuốc miễn dịch trong điều trị ung thư đều được đưa về Việt Nam và có mặt tại các bệnh viện có khoa điều trị ung thư, giúp tăng hiệu quả điều trị.
Nhìn chung, người dân có thể tiếp cận với hầu hết các tiến bộ của y tế thế giới trong chẩn đoán và điều trị ung thư ngay tại Việt Nam hiện nay.
- Tôi muốn hỏi là nam giới có mắc bệnh ung thư vú? Và bệnh ung thư vú muốn chữa trị sẽ thế nào? Bệnh liệu có khỏi và có thể duy trì sự sống bao lâu? (Đặng Trọng Minh Châu, 45 tuổi, Nghệ An)
- Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai:
Nam giới cũng có thể mắc bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, ít gặp hơn so với nữ giới. Việc điều trị cũng tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và một số các yếu tố như: thụ thể nội tiết, ER, PR và Her-2. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị tốt thì tỷ lệ khỏi bệnh cao và có thể duy trì sự sống lâu dài.
- Tôi bị ung thư dạ dày giai đoạn 2, hiện đang xạ trị, tình hình tạm ổn, có phương pháp nào tốt để chữa lành bệnh? (Đặng Tiệp, 50 tuổi, Hải Dương)
- Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai:
Hiện nay, có rất nhiều các phương pháp mới, thuốc mới để điều trị bệnh ung thư dạ dày. Bác có thể đến Phòng khám Ung Bướu của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Time City để được bác sĩ tư vấn cụ thể.
- Vì sao tỷ lệ chữa khỏi ung thư ở phụ nữ thấp? (Nguyễn Thùy Diệu, 35 tuổi, Hà Tĩnh)
- Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Mai Trọng Khoa:
Không chỉ phụ nữ, mà ở cả nam giới, tỷ lệ chữa khỏi ung thư tại Việt Nam còn thấp vì người bệnh đến khám khi đã có triệu chứng rõ rệt, bệnh ở giai đoạn muộn. Việc khám sức khoẻ định kỳ và tầm soát ung thư đặc biệt ở những người có yếu tố nguy cơ cao còn chưa được coi trọng.
Ở phụ nữ, các bệnh ung thư hay gặp là ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến giáp... Những bệnh như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến giáp hoàn toàn có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm bằng cách tự khám vú, đi khám định kỳ tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trên 40 tuổi, siêu âm tuyến giáp. Khoa ung thư của các bệnh viện (bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện K, bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh viện Vinmec...) đều có phòng khám định kỳ, tầm soát ung thư với hệ thống chẩn đoán hiện đại. Bệnh viện Vinmec là một trong các cơ sở y tế tư nhân có khả năng triển khai Tầm soát ung thư vú bằng việc kết hợp 4 công nghệ: xét nghiệm gen, nội soi, siêu âm và xét nghiệm miễn dịch. Sàng lọc phát hiện sớm ung thư được coi là chìa khóa vàng để phát hiện và đưa ra các phương pháp ngăn chặn, giảm nguy cơ tử vong và chi phí cho người bệnh.
- Tế bào gồm 4 chất: đường, protein, lipit, oxy, tại sao chúng ta phải kiêng đường và protein mà trong khi đó tế bào cần 2 chất đó? (Nguyễn văn hiếu, 26 tuổi, 306 phan văn trị)
- Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Yi Hyeon Gyu:
Sự tiến triển của ung thư không liên quan đến chế độ ăn nhiều đường hay đạm. Việc ăn uống đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng giúp cân bằng hệ miễn dịch của cơ thể. Ung thư có liên quan tới ăn đường và đạm là một hiểu lầm khá phổ biến ở Việt Nam. Việc kiêng ăn quá ít hay quá nhiều một thực phẩm nào đó, gây mất cân bằng dinh dưỡng, làm ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của cơ thể. Chúng tôi khuyên các bệnh nhân nên có một chế độ ăn cân bằng, lượng vừa phải, đa dạng các loại thực phẩm, sẽ giúp ích trong quá trình điều trị ung thư và ngăn ngừa ung thư tiến triển.
- Bệnh ung thư có yếu tố di truyền không, thưa bác sĩ? (Quách Văn Quý, 25 tuổi, Nghệ An)
- Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Mai Trọng Khoa:
Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra có một số gen đột biến liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư trong cơ thể. Các gen này có thể di truyền từ bố mẹ sang con cái và tăng nguy cơ bị ung thư trong gia đình.
Với nhóm bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như trong gia đình có người thân hoặc nhiều người thân bị mắc bệnh ung thư, hoàn toàn có thể tiến hành làm xét nghiệm phát hiện các gen đột biến làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ví dụ, trong gia đình có mẹ bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, có thể làm xét nghiệm nhằm phát hiện các gen đột biến tăng nguy cơ bị ung thư này là gen BRCA 1, BRCA 2.
Việc xét nghiệm phát hiện các gen đột biến có thể làm tại các cơ sở y tế lớn tại Việt Nam như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh viện Vinmec.
- Thưa bác sĩ, ung thư vú có di truyền từ mẹ sang con không? Có di truyền sang cháu ngoại không? Giai đoạn 1 có tái phát không? (Nguyen Thi Thuy Hien, 55 tuổi, 176 Le Lai Quan 1)
- Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai:
Nếu bạn có gen BRCA1 và BRCA2 đột biến thì sẽ có khả năng con gái bạn cũng có thể bị ung thư vú, ung thư buồng trứng và đường tiêu hóa. Nguy cơ di truyền sang cháu ngoại của bạn có nhưng sẽ không cao như đối với con gái bạn.
Ngoài giai đoạn bệnh thì các yếu tố như: thụ thể nội tiết ER, PR và Her-2, sẽ góp phần tiên lượng khả năng tái phát. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và được điều trị tốt thì khả năng tái phát là rất thấp. Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải được theo dõi sát sau điều trị, nhất là trong hai năm đầu tiên.
- Những trường hợp bệnh nhân nào không được điều trị cấy ghép tế bào gốc? (Gia Hoàng, Bắc Giang)
- Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Yi Hyeon Gyu:
Một vài nhóm bệnh nhân không nên điều trị bằng phương pháp này như: các bệnh nhân bị ung thư tạng đặc; ung thư trung mô; những ung thư đang ở giai đoạn tiến triển nặng hay những bệnh nhân quá nhiều tuổi và thể trạng suy kiệt.
- Nhiều bệnh nhân ung thư bị ám ảnh với tác dụng phụ và sự độc hại của xạ trị, ngoài tác dụng tích cực; như xạ trị tiêu diệt tế bào lành, vùng lân cận, gây tổn thương da, xạm dạ, tróc da, loét biều mô như bị bỏng, đau nhức, rát trong thời gian 3 - 4 tuần, buồn nôn, chán ăn, ngủ ít, suy nhược cơ thể, mệt mỏi... Có phương pháp nào giải quyết được nỗi ám ảnh này không, thưa bác sĩ? (Chung Thu Minh, 40 tuổi, Sài Gòn)
- Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Mai Trọng Khoa:
Xạ trị là phương pháp điều trị chính trong một số loại bệnh ung thư như u não, ung thư vòm, ung thư phổi, ung thư thực quản... Các tác dụng phụ của xạ trị là do tia bức xạ khi chiếu vào khối u thì đi qua các mô lành xung quanh u gây nên. Nhằm hạn chế tác dụng phụ này, các kỹ thuật xạ trị tiên tiến đã được phát triển để tập trung tia bức xạ vào khối u, hạn chế tối đa tác động lên các cơ quan lành xung quanh như: xạ phẫu điều trị các u não bằng dao gamma quay, kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT), kỹ thuật xạ trị định vị thân (SBRT), kỹ thuật xạ trị bằng hạt proton...
Các kỹ thuật xạ trị hiện đại như xạ phẫu bằng dao gamma quay, IMRT, SBRT... đã được áp dụng tại Việt Nam.
Kỹ thuật xạ phẫu u não bằng dao gamma quay giúp điều trị thành công các tổn thương u não tại các vị trí nguy hiểm như thân não mà tác dụng phụ lại rất ít do tia bức xạ chỉ tập trung tại khối u, hầu như không ảnh hưởng đến nhu mô não lành xung quanh.
SBRT được biết đến là công nghệ xạ trị kỹ thuật cao chính xác đến từng milimet. Sự đặc biệt của SBRT nằm ở chỗ tích hợp công nghệ điều chỉnh liều, kỹ thuật phát tia tốc độ cao, cố định bệnh nhân chắc chắn bằng các thiết bị chuyên dụng cho xạ trị chính xác. Nhờ đó, SBRT có thể phát liều xạ cao 5 - 10 lần khi đến khối u, đồng thời giảm liều nhanh chóng khi tiếp xúc mô lành. Ngoài ra, SBRT có thể xạ trị theo chuyển động của khối u và bộ phận cơ thể. Xạ trị SBRT đem lại khả năng vượt trội trong tiêu diệt khối u nhưng không gây đau cho người bệnh và thời gian xạ chỉ từ 7 - 10 ngày chứ không kéo dài vài tuần như xạ thường và giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn, giảm tác dụng phụ.
- Xin bác sĩ cho biết phương pháp cấy tế bào gốc có hiệu quả trong điều trị ung thư không? Việc lưu giữ tế bào gốc từ mô cuống rốn có cần thiết khi gia đình có nhiều người mắc ung thư? (Nha Trang, 29 tuổi, Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội)
- Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Yi Hyeon Gyu:
Phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu có thể chữa thành công, khỏi hoàn toàn cho một số các bệnh nhân đúng loại ung thư và giai đoạn. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có ngân hàng tế bào gốc tạo máu nên số lượng bệnh nhân được tiến hành điều trị chưa nhiều.
Các gia đình có tiền sử bệnh ung thư, có thể lưu giữ tế bào gốc máu cuống rốn. Nhưng tỷ lệ ung thư máu không quá cao so với các loại ung thư khác nên thực tế, khả năng sử dụng để điều trị cho người bệnh là chưa được cao.
- Xin bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai cho biết, tôi có nghe nói đến liệu pháp nhiệt trị điều trị ung thư. Bác sĩ cho biết thông tin cụ thể về liệu pháp này và nó chữa được ung thư gì? (NgocMon, 34 tuổi, Hà Nam)
- Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai:
Trên thế giới, nhiệt trị đã được nhiều trung tâm ung thư ở Mỹ, Nhật Bản, Đức áp dụng trong điều trị ung thư vú tái phát, ung thư cổ tử cung, ung thư đầu cổ, ung thư xương và mô mềm... Kết quả cho thấy khi kết hợp thêm liệu pháp nhiệt trị với xạ hay hóa trị, tỷ lệ đáp ứng điều trị chung tăng trung bình 50- 67% (so với không kết hợp là 40%).
Tại Việt Nam, Trung tâm Ung bướu - Xạ trị, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City lần đầu tiên áp dụng liệu pháp nhiệt trị từ tháng 10/2018. Liệu pháp được kết hợp đồng thời với điều trị xạ trị, hóa trị và liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân đem lại nhiều kết quả khả quan, đặc biệt không có tác dụng phụ được ghi nhận.
- Cho cháu hỏi về bệnh Thực bào máu HLH của con gái cháu 2 tuổi 3 tháng. Phương pháp thay tủy có thể chữa khỏi hoàn toàn không ạ? Hiện cháu điều trị kháng sinh ở Nhi TW 2 tuần có xét nghiệm EBV âm tính nên bác sĩ cho về. Hẹn 2 tuần khám lại. Bệnh thuyên giảm đang không bùng phát ạ! (Đức Thắng Trần, 33 tuổi, Tổ 7 Phú Lương hà đông hà nội)
- Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Yi Hyeon Gyu:
Trên lý thuyết, bệnh thực bào máu HLH có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng phương pháp ghép tủy. Tuy nhiên, để biết tình trạng con bạn có thể điều trị bằng ghép tủy hay không, các bác sĩ cần làm thêm những xét nghiệm khác. Nếu đủ điều kiện có thể ghép, bạn cũng nên cân nhắc những nguy cơ có thể xảy ra khi chọn phương pháp này. Đó là vẫn có khả năng tái phát, thậm chí có thể tử vong trong quá trình điều trị với phương pháp ghép tủy.
- Thưa bác sĩ, vì sao tế bào ung thư sợ "nóng"? (KimHien, 25 tuổi, TP HCM)
- Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai:
Tăng thân nhiệt hay nhiệt trị là một loại điều trị ung thư trong đó mô khối u được tiếp xúc với nhiệt độ cao, nhằm làm hỏng và tiêu diệt các tế bào ung thư, tăng tuần hoàn máu tại vùng khối u nhưng lại không gây tổn thương nghiêm trọng cho các mô bình thường, ít gây ra tác dụng phụ, đem lại hiệu quả giảm u tại chỗ tốt.
Điều quan trọng là làm sao tăng thân nhiệt vượt quá mức nhiệt độ bình thường để cơ thể có thể cải thiện hệ thống miễn dịch và chống lại ung thư. Phương pháp nhiệt trị dựa trên cơ chế tăng nhiệt độ tại vị trí khối u hay một vùng cơ thể đến 41 - 43 độ C. Nhiệt độ này khi phối hợp với các liệu pháp hóa trị hoặc xạ trị còn làm tăng độ nhạy cảm của tế bào ung thư với các liệu pháp trên, đồng thời thúc đẩy quá trình tự chết của các tế bào ung thư còn sót lại sau hóa trị hoặc xạ trị
-
Thưa bác sĩ, những phương pháp xạ trị ưu việt như xạ phẫu điều trị các u não bằng dao gamma quay, kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT), kỹ thuật xạ trị định vị thân (SBRT), kỹ thuật xạ trị điều biến thể tích cung tròn (VMAT)... được áp dụng ở những bệnh viện nào?
(Tuấn Nhu, 34 tuổi, Đà Nẵng)- Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Mai Trọng Khoa:
Các kỹ thuật xạ trị tiên tiến như xạ phẫu điều trị các u não bằng dao gamma quay, kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT), kỹ thuật xạ trị định vị thân (SBRT), kỹ thuật xạ trị điều biến thể tích cung tròn (VMAT) được áp dụng tại các bệnh viện lớn thuộc Nhà nước như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện K, bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh... Bệnh viện Vinmec là hệ thống bệnh viện tư nhân đầu tiên áp dụng thành công các kỹ thuật xạ trị tiên tiến này. Một số bệnh viện tư nhân khác cũng đã áp dụng các kỹ thuật xạ trị hiện đại.
Để áp dụng các kỹ thuật xạ trị tiên tiến, đòi hỏi bệnh viện phải trang bị hệ thống máy xạ trị hiện đại, hệ thống các máy chẩn đoán hình ảnh hiện đại như chụp CT 4D, PET/CT, MRI... để định vị chính xác khối u và khu vực cần điều trị, kể cả khi u di chuyển theo chu kỳ thở. Ngoài ra, các bác sĩ xạ trị ung bướu phải giỏi chuyên môn và kinh nghiệm để đánh giá và chỉ định xạ trị chính xác đúng bệnh, liều phù hợp và theo sát kế hoạch xạ trị cho người bệnh mới đạt hiệu quả.
- Ngoài điều trị ung thư máu, ghép tế bào gốc có thể áp dụng điều trị cho các loại ung thư nào, thưa bác sĩ? (Nguyễn Đức Tùng, 30 tuổi, Thái Nguyên)
- Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Yi Hyeon Gyu:
Ngoài có thể điều trị khỏi hoàn toàn một số loại ung thư máu, ghép tế bào gốc tự thân còn có thể hiệu quả cao với một số bệnh ung thư khác như: ung thư nguyên bào thần kinh, ung thư tế bào mầm, Ewing Sarcoma.
Bên cạnh phương pháp ghép tế bào gốc tự thân, Vinmec còn đang tiến hành liệu pháp miễn dịch tế bào tự thân (AIET). Phương pháp này có tác dụng hỗ trợ điều trị cho rất nhiều loại ung thư.
- Thưa bác sĩ, hiện nay có những phương pháp điều trị ung thư phổi nào hiệu quả nhất? Phát hiện tái phát bằng chỉ số nào cho người bị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 1 đã phẫu thuật và hóa trị 4 đợt cách đây 5 tháng? Cảm ơn bác sĩ. (Phùng Mạnh, 36 tuổi, Kiêu kỵ Gia lâm Hà Nội)
- Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai:
Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 1 sau phẫu thuật và hóa trị chưa cần điều trị thêm các thuốc mới như: thuốc điều trị đích, thuốc sinh học, thuốc miễn dịch... Bạn có thể thực hiện liệu pháp miễn dịch tự thân giúp cải thiện kết quả và giảm các tác dụng phụ do điều trị trước đó gây nên. Ngoài ra, bạn cần theo dõi định kỳ 3 tháng một lần trong 2 năm đầu tiên và 6 tháng một lần cho 3 năm tiếp theo. Việc này sẽ giúp phát hiện sớm khi bệnh quay trở lại. Tại mỗi lần khám lại, các bác sĩ sẽ đánh giá qua khám lâm sàng, các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Các chỉ số ung thư không có giá trị quyết định trong việc phát hiện bệnh tái phát.
- Gia đình tôi có người ung thư máu, đã 78 tuổi, không có bệnh khác kèm theo, có ghép tế bào gốc được không? Nếu ghép thời gian sống kéo dài được bao lâu? (Hoà Nguyễn, 40 tuổi, Ngõ Huy Văn, Đống Đa, Hà Nội)
- Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Yi Hyeon Gyu:
Liệu pháp ghép tế bào gốc chỉ phù hợp với những bệnh nhân dưới 65 tuổi vì có nhiều nguy cơ cao. Bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm trong quá trình điều trị. Người nhà của bạn đã 78 tuổi, chúng tôi khuyên không nên điều trị theo phương pháp này. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp hóa trị có thể phù hợp với bệnh nhân, vì vậy, bệnh nhân có thể tới phòng khám Huyết học và Trị liệu tế bào, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City để được tư vấn trực tiếp.
- Ung thư máu có di truyền không? Nếu ông nội tôi đã bị ung thư máu, chúng tôi có nên đi sàng lọc không? Nếu có, bác sĩ cho biết bao nhiêu tuổi thì đi sàng lọc? (Bình Minh, 29 tuổi, Hà Nội)
- Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Yi Hyeon Gyu:
Hầu hết bệnh đều có khả năng di truyền. Tuy nhiên, ung thư máu khả năng di truyền là không cao. Hiện tại, chưa có chương trình xây dựng sàng lọc ung thư máu đặc hiệu. Bạn nên xét nghiệm máu một đến hai lần một năm hoặc tới khám trực tiếp khi có triệu chứng.
- Nhiều bệnh nhân may mắn điều trị ung thư thành công, nhưng trở lại cuộc sống bình thường rất khó khăn, luôn trong tâm trạg lo sợ có thể tái bệnh bất cứ lúc nào. Bác sĩ có lời khuyên nào dành cho họ? (Hùng Long, 30 tuổi, Đà Nẵng)
- Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai:
Nhiều bệnh nhân cảm thấy rằng cuộc sống của họ đã thay đổi hoàn toàn sau khi nghe bác sĩ thông báo mình bị mắc ung thư và nhất là sau quá trình điều trị bệnh ung thư. Có nhiều cách để giúp bạn lấy lại tự tin của mình và tìm câu trả lời cho các câu hỏi đó chẳng hạn như: Đánh giá lại các ưu tiên và mục tiêu trong cuộc sống, làm những việc mà bạn luôn muốn làm như: đi du lịch, gặp gỡ những người mới, trải nghiệm những nền văn hóa mới và kết bạn mới.
Ngoài ra, bạn nên tìm kiếm những sở thích mới như yoga, âm nhạc, thiền và hội họa có thể mang lại sự thư giãn. Bạn nên cố gắng thư giãn, thư giãn cùng với gia đình, tìm tới các chuyên gia tư vấn về đời sống tình dục sau điều trị để tìm cách phục hồi. Quay trở lại với cuộc sống bình thường, bạn nên quay trở lại làm việc hoặc tìm những niềm vui mới.
- Có phải một chế độ ăn nhiều chất xơ có thể giúp ngăn ngừa ung thư hoặc kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư? (Nguyễn xuân Nam, Bắc giang)
- Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Yi Hyeon Gyu:
Khi bạn đã bị mắc ung thư, việc duy trì một thể lực khỏe mạnh là vô cùng quan trọng. Thế nên, bạn duy trì một chế độ ăn quá nhiều rau và chất xơ, có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, chúng tôi khuyên bạn nên ăn đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm.
- Kính gửi bác sĩ,
Chị cháu bị ung thư buồn trứng, đã mỗ 2 lần, đã vào hoá chất một lần (6 liều) từ tháng 9/2018. Đến tháng 7/2019 phát hiện bị lại và di căn qua một số bộ phận khác, đến nay đã vào hoá chất lần 2 (được 3 liều). Thưa bác sĩ, như trường hợp chị cháu có phương án xử lý khác nào ngoài việc vô hoá chất không? Trường hợp không có, vậy sau khi vào hoá chất đủ lần 2 thì liệu trình xử lý tiếp theo như thế nào? (Nguyễn Trung Hậu, 36 tuổi, 1C, đường số 5, quận 9, TP HCM)
- Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai:
Có rất nhiều phác đồ để điều trị cho bệnh nhân ung thư buồng trứng. Việc quyết định phác đồ nào phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: thể trạng bệnh nhân, tình trạng bệnh hiện tại, những thuốc đã điều trị trước đó... Cháu có thể đưa chị của cháu đến gặp bác sĩ chuyên khoa ung bướu để được tư vấn trực tiếp.
- Thuốc miễn dịch Keytruda tác động đến tế bào ung thư như thế nào? (Nguyễn Thị Mai, 32 tuổi, Cao Bằng)
- Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Mai Trọng Khoa:
Hiện nay, để điều trị ưng thư, vẫn phải sử dụng các phương pháp: phẫu thuật, xạ trị chiếu ngoài, xạ trị chiếu trong, xạ phẫu, hóa trị, điều trị đích, điều trị nội tiết. Đây là những phương pháp điều trị cơ bản, thường quy tại các cơ sở chuyên khoa ung bướu ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.
Thời gian gần đây có thêm phương pháp mới là điều trị miễn dịch. Tất cả những phương pháp điều trị ung thư nêu trên là tác động trực tiếp vào tế bào khối u. Nhưng điều trị miễn dịch là phương pháp điều trị gián tiếp, không tác động trực tiếp vào tế bào ung thư mà sử dụng các thuốc (kháng thể đơn dòng...) để giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận diện được tế bào ung thư và ức chế, tiêu diệt chúng. Đây là phát minh mới của hai nhóm các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản, đã nhận giải thưởng Nobel về Y học năm 2018.
Trên bề mặt của tế bào miễn dịch lympho T của người bình thường và các bệnh nhân ung thư có một protein được gọi là PD-1. Trên bề mặt của một số loại tế bào ung thư có protein PD-L1, PD-L2. Khi PD-L1 hoặc/và PD-L2 của tế bào ung thư gắn với PD-1 của tế bào lympho T thì tế bào lympho T sẽ bị bất hoạt và không còn khả năng nhận biết tế bào ung thư. Lúc này, tế bào ung thư sẽ vượt qua hệ thống miễn dịch (qua mặt tế bào lympho T) của cơ thể và phát triển, di căn lan tràn khắp cơ thể. Tức là làm cho tế bào lympho T không còn khả năng phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư, là chức năng vốn có của nó.
Khi sử dụng các kháng thể đơn dòng, chẳng hạn Pembrolizumab (Keytruda) sẽ làm cho tế bào ung thư không gắn được vào PD-1 có trên bề mặt của tế bào lympho T. Lúc này, tế bào lympho T sẽ được giải phóng khỏi tế bào ung thư, nhận diện và tiêu diệt chúng.
Tuy nhiên, phương pháp điều trị miễn dịch này chỉ được áp dụng với một số bệnh ung thư và ở một số giai đoạn bệnh nhất định. Chẳng hạn thuốc Pembrolizumab (Keytruda) được chỉ định trong bệnh ung thư hắc tố (melanoma); các bệnh ung thư phổi, ung thư thận, ung thư đầu cổ, ung thư đường tiết niệu, ung thư gan ở giai đoạn tiến triển và di căn.
Cần lưu ý, điều trị ung thư cần phải phối hợp nhiều phương pháp khác nhau, tùy theo loại bệnh, giai đoạn bệnh, lứa tuổi, thể trạng của người bệnh. Thuốc điều trị miễn dịch chỉ là một trong những phương pháp đó, không thể thay thế cho mọi loại ung thư cũng như mọi giai đoạn bệnh.
- Bố tôi bị ung thư thực quản đã di căn đến gan, trường hợp này tỷ lệ điều trị thành công có cao không? (ThuyLe, 40 tuổi)
- Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai:
Hiện nay, ngoài hóa trị còn có thuốc điều trị miễn dịch cũng được chỉ định cho bệnh nhân ở giai đoạn đã di căn đến gan. Bạn nên đưa bố của bạn đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kỹ hơn.
- Bác sĩ cho tôi hỏi, nếu phát hiện ung thu gan giai đoạn 2 thì có thể áp dụng phương pháp điều trị nào hiệu quả và khả năng thành công cao? (Bui Hai Son, 45 tuổi, Quang Trung, Hà Nội)
- Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Mai Trọng Khoa:
Ung thư gan giai đoạn 2 có thể lựa chọn một hoặc phối hợp các phương pháp điều trị để đưa lại hiệu quả cao nhất, thậm chí có thể khỏi hẳn: phẫu thuật, nút mạch hóa chất, xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90.
Bạn cần mang các kết quả xét nghiệm đã có đến cơ sở chuyên khoa ung thư để được bác sĩ tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất.
- Thưa bác sĩ, một tháng trước em tái khám K giáp, siêu âm cổ bình thường TSH 1,34, Tg 0.62. Bác sĩ hẹn 6 tháng tái khám và duy trì hoomon ngay 1 viên. Nhưng 2 ngày nay em phát hiện mình bị nổi hạch sau tai và dưới cằm và bẹn, khoảng 5 cái. Vậy tình trạng của em hiện nay là gì? Cảm ơn bác sĩ (Nguyễn Thị Luyến, 38 tuổi, 281 Bình Lợi, phường 13, Bình Thạnh, TP HCM)
- Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Mai Trọng Khoa:
Ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật và điều trị bằng thuốc phóng xạ Iod 131 có tỷ lệ khỏi hẳn rất cao. Với kết quả tái khám cách một tháng trước thì không có dấu hiệu tái phát ung thư. Việc xuất hiện các hạch ở cổ và bẹn có thể liên quan đến hiện tượng viêm nhiễm (như viêm họng, viêm đường tiết niệu, viêm phụ khoa) nên bạn cần đến khám tại các cơ sở chuyên khoa để kiểm tra và có thể loại trừ được tái phát ung thư.
- Xin hỏi các bác sĩ, phương pháp điều trị ghép tế bào gốc tự thân thì tỷ lệ thành công là bao nhiêu? Hoặc thời gian kéo dài cuộc sống của người bị K là bao lâu? Trân trọng cảm ơn! (Nguyễn Thanh Bình, 43 tuổi, 96A Phố Định Công Hà Nội)
- Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Yi Hyeon Gyu:
Ghép tế bào gốc tự thân có ưu điểm là ít biến chứng hơn ghép tế bào gốc đồng gen, tuy nhiên, nhược điểm là hay tái phát hơn. Ghép tế bào gốc có thể chữa khỏi hoàn toàn một số bệnh ung thư máu (hội chứng bạch cầu tủy cấp - AML hoặc ALL) và có thể kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân bị đa u tủy xương. Tùy từng mặt bệnh ung thư máu, khả năng kéo dài sự sống khi điều trị phương pháp này là khác nhau.
- Cháu năm nay 23 tuổi, bác sĩ cho cháu hỏi khi nào nên tầm soát ung thư cổ tử cung và trong thời gian bao lâu? (Chu hà Mi, 23 tuổi, Hà Giang)
- Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai:
Theo một số hướng dẫn của quốc tế, tuổi sàng lọc ung thư cổ tử cung là từ 21 đến 65 tuổi. Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Time City, chúng tôi khuyến cáo nên sàng lọc từ tuổi 40. Đối với những người có nguy cơ cao như: có triệu chứng bất thường (tiết dịch âm đạo, ra máu bất thường...), có tiền sử gia đình bị ung thư vú, phụ khoa thì tuổi sàng lọc có thể sớm hơn.
- Chào các bác sĩ! Con em mới sinh bị U tế bào mầm. Đang hóa trị. Cho em hỏi khả năng chữa khỏi U tế bào mầm là bao nhiêu % ? (Phạm Châu Thủy Tiên, 25 tuổi, Long An)
- Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Yi Hyeon Gyu:
Tùy giai đoạn phát hiện của bệnh này mà khả năng chữa khỏi hoàn toàn là cao hay thấp. Người nhà bệnh nhân nên tin tưởng theo phác đồ điều trị hiện tai.
- Thưa bác sĩ, với người nghèo bị mắc ung thư, làm sao để họ giữ được mạng sống khi chi phí điều trị cao? (Hương Hà, Hưng Yên)
- Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Mai Trọng Khoa:
Các phương pháp điều trị ung thư (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, thuốc điều trị đích...) đều được bảo hiểm y tế chi trả tại các cơ sở chuyên khoa ung bướu. Vì vậy, người dân nên mua bảo hiểu y tế càng sớm càng tốt để bảo vệ chính mình.
- Bệnh viện Vinmec đang xây dựng Trung tâm xuất sắc về Ung bướu, điều này sẽ đem lại điều gì khác biệt cho người bệnh ung thư ở Việt Nam? (Đào Như Trang, 43 tuổi, Thái Bình)
- Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai:
Trung tâm xuất sắc (Center of Excellence – COE) là tiêu chuẩn y khoa chất lượng cao toàn cầu theo mô hình điều trị toàn diện và tích hợp; đồng thời là nơi nghiên cứu các giải pháp điều trị đột phá và hiệu quả cho y học. Với mục tiêu tiệm cận và vận hành sớm theo các chuẩn mực y tế mới, Vinmec quyết định hợp tác với Đại học Pensylvania – Top 8 Đại học tinh hoa của Mỹ để xây dựng các COE, trong đó tim mạch và ung thư là hai chuyên khoa trọng điểm của bệnh viện.
Trung tâm xuất sắc về Ung bướu sẽ phát triển toàn diện về chuyên môn, nghiên cứu khoa học, nhân lực và vận hành theo các tiêu chuẩn cao nhất thế giới đang áp dụng tại Mỹ. Từ nay đến 2020, chúng tôi sẽ phát triển đơn vị xuất sắc trong lĩnh vực ung thư vú, sau đó đến ung thư phổi, gan, đại trực tràng. Với mô hình hoạt động này, Vinmec sẽ có thể tiếp cận với những phương pháp điều trị mới nhất trên thế giới hiện nay, đem lại các giải pháp tân tiến, tối ưu và toàn diện nhất cho người bệnh ung thư.
- Tôi mới phát hiện ung thưu vú giai đoạn 2, nhiều người tư vấn tôi đi Singapore điều trị. Tôi có nên đi không? Bác sĩ cho tôi một lời khuyên? (Đinh Thu Trang, 39 tuổi, Hà Nội)
- Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai:
Hiện nay, nhiều bệnh viện chuyên khoa ung bướu ở Việt Nam nói chung và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Time City nói riêng hoàn toàn có thể điều trị được bệnh ung thư vú giai đoạn 2 như của bạn theo phác đồ quốc tế thống nhất. Bạn có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn.
- Bạn gái em được chẩn đoán bị ung thư vú. Em được giới thiệu đến Vinmec kiểm tra kĩ càng hơn. Cho em hỏi, tại Vinmec có trung tâm ung bướu để tin tưởng khám chữa bệnh không? (Lê Tuấn Sáu, 35 tuổi, Thành phố Thanh Hoá)
- Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai:
Trung tâm Ung bướu - Xạ trị của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Time City có đầy đủ các trang thiết bị, thuốc men, phương tiện để chẩn đoán và điều trị cho bệnh ung thư vú. Bạn có thể tin tưởng để đến thăm khám và điều trị bệnh ung thư vú nói riêng và các bệnh ung thư nói chung.
- Tại sao bệnh nhân ung thư vẫn lựa chọn ra nước ngoài chữa bệnh trong khi nhiều bệnh viện trong nước đủ điều kiện và bác sĩ giỏi? (Toàn Thắng, 31 tuổi, Thanh Hóa)
- Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Mai Trọng Khoa:
Hiện nay, các bệnh viện trong nước như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Ung bướu TP HCM, Bệnh viện K... cũng như các bệnh viện tư (Vinmec) đều có hệ thống trang thiết bị hiện đại phục vụ chẩn đoán và điều trị ung thư. Các phương pháp điều trị ung thư tiên tiến trong phẫu thuật, các kỹ thuật xạ trị ung thư mới, các loại thuốc điều trị ung thư mới đã được áp dụng tại các bệnh viện này. Tuy nhiên, có thể những thông tin này chưa đến được với người dân nên khi mắc bệnh, một số người vẫn lựa chọn ra nước ngoài điều trị.
Vì vậy, khi phát hiện ung thư, người bệnh nên tới các cơ sở chuyên khoa ung bướu trong nước để được tư vấn cụ thể và điều trị.
- Mẹ tôi đang hoá trị, xa trị ung thư đại trực tràng, bị nhiều tác dụng phụ như rụng tóc, sụt cân, mệt mỏi. Bác sĩ cho tôi hỏi thời gian bị tác dụng phụ còn kéo dài bao lâu. Ở Vinmec có phương pháp gì giảm các tác dụng phụ khi điều trị ung thư không? (Trung Anh, 38 tuổi, Hà Đông, Hà Nội)
- Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Yi Hyeon Gyu:
Đối với những bệnh nhân bị gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi hóa trị, Vinmec chúng tôi có thể điều chỉnh giảm liều thuốc, kéo dài thời gian hóa trị, đổi loại thuốc hóa trị. Đặc biệt, Vinmec đang áp dụng hiệu quả liệu pháp miễn dịch tế bào tự thân, góp phần hỗ trợ làm giảm các tác dụng phụ không mong muốn này.
- Tôi bị ung thu tuyến giáp giai đoạn đầu. Có những lựa chọn điều trị nào trong trường hợp của tôi? Có thể kéo dài cuộc sống bao lâu? (Giang Huy, 42 tuổi, Tuyên Quang)
- Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Mai Trọng Khoa:
Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp là phẫu thuật và xem xét điều trị thuốc phóng xạ Iod 131 trong một số trường hợp cần thiết. Tỷ lệ điều trị khỏi hẳn đối với ung thư tuyến giáp thể biệt hóa rất cao. Vì thế, bạn nên đến cơ sở chuyên khoa ung bướu để khám, tư vấn và điều trị.
Mai Thương