Saeedi, 26 tuổi, chia sẻ rằng bể bơi như một nơi ẩn náu của cô giữa thủ đô Kabul của Afghanistan. Ở đó, cô chỉ tập trung vào việc thở khi di chuyển trong nước, tay lần lượt gạt nước và tiến về phía trước. Bể bơi dành cho nữ giới chỉ có nước, những bức tường và những người phụ nữ, tách biệt hẳn với bể dành cho nam ở gần đó.
Dù đã trải qua gần hai thập kỷ cầm quyền của chính phủ dân chủ thân phương Tây, Kabul vẫn mang những nét đặc trưng của một nền văn hóa Afghanistan bảo thủ, nơi vai trò của phụ nữ thường bị coi nhẹ. "Ở Kabul, phụ nữ không thể đi bất cứ nơi nào mình muốn", Saeedi nói khi vừa bơi xong. "Nhưng ở đây, tôi không phải che đậy hay giả vờ bất cứ điều gì. Tôi được là chính tôi".
Bơi lội là môn thể thao ngày càng phổ biến cho cả nam và nữ, nhưng đặc biệt thích hợp cho một đất nước không giáp biển như Afghanistan. Trong giai đoạn 1996-2001, khi Taliban trỗi dậy và thống trị phần lớn Afghanistan, nhóm Hồi giáo cực đoan dòng Sunni này đã hạn chế nghiêm ngặt nhiều hoạt động giải trí, cấm phụ nữ tham gia các môn thể thao cũng như làm việc hay đến trường.
Bể bơi đầu tiên mở tại Kabul dưới thời Taliban vào tháng 5/2001, vài tháng trước chiến dịch can thiệp quân sự do Mỹ tiến hành nhằm đáp trả vụ khủng bố 11/9, nhưng bể bơi chỉ dành cho nam giới, nằm trong khuôn viên của khách sạn Intercontinental. Kể từ đó, 23 bể bơi công cộng và tư nhân xuất hiện ở Kabul, thành phố có gần 5 triệu dân, nhưng chỉ có hai bể mở cửa cho khách nữ, theo Ihsan Taheri, chủ tịch liên đoàn bơi lội Afghanistan.
Một trong hai bể dành cho nữ giới là Amu, nằm ở phía tây Kabul, thuộc một phần sở hữu của Hội chữ thập Đỏ. Bể này được thiết kế với kích thước chuẩn Olympic, cạnh đó là một quán ăn nhanh. Phụ nữ được phép vào nhưng phải đi một lối riêng, dẫn đến một tầng hầm đặc biệt và dùng một bể bơi riêng, chỉ bằng 1/3 diện tích bể của đàn ông.
Nhưng để vào bể, phụ nữ phải khóa điện thoại di động vì chụp ảnh bị nghiêm cấm trong khu vực bơi. Bể bơi của nữ cũng không có quầy bar hay đồ ăn nhẹ, chỉ có một bộ bàn ghế đơn giản, nơi phụ nữ có thể ăn những thức ăn mà họ đặt hàng hoặc đem tới. Giá vé vào bể đối với nữ giới cũng cao hơn.
"Khi đến đây, tôi quên đi tất cả những thứ khác", Saeedi nói. Cô gái 26 tuổi học bơi từ khi còn nhỏ ở Sangi Masha, một con sông chảy ngang qua những ngọn đồi gần quê nhà của cô ở tỉnh Ghazni, miền đông nam đất nước. Khi tới Kabul để theo học đại học, Saeedi chật vật để tìm chỗ bơi. Vài tháng trở lại đây, Saeedi mới tìm được bể bơi cách nơi cô ở khoảng hai giờ lái xe và giá vé đắt đỏ. "Nhưng ở dưới nước là một thế giới khác", Saeedi nói.
Helena Saboori, chủ tịch hội phụ nữ tại liên đoàn bơi lội Afghanistan, cho hay môn thể thao này ngày càng được nhiều người quan tâm kể từ khi hai bể bơi nữ mở ra. "Xã hội đã thay đổi, và đó là lý do phụ nữ có thể đi bơi một cách cởi mở hơn một chút", Saboori nói.
Bể Amu mở cửa 4 năm trước và được đặt theo tên một cựu nữ hoàng Afghanistan, người đã thúc đẩy quyền phụ nữ ở quốc gia này vào những năm 1920. Ngoài Amu, còn có một hồ bơi dành cho phụ nữ khác, nhỏ nhưng riêng tư hơn khai trương năm ngoái ở Kabul.
Ở bể bơi Amu, giá vé tháng khoảng 75 USD đối với nữ giới, nhiều hơn khoảng 20 USD so với nam. Điều này đồng nghĩa với việc những người có mức thu nhập tốt mới có thể tới đây. Một lao động phổ thông ở Afghanistan trung bình kiếm được gần 4 USD/ngày. Phụ nữ được bơi từ 7h đến 17h, trong khi bể nam giới mở cửa cả vào ban đêm.
Khi được hỏi tại sao lại có sự khác biệt về giá vé giữa nam và nữ, Mohamed Rahim, một quản lý ở Amu, cho hay bể bơi nữ và phòng thay đồ đòi hỏi đầu tư cũng như bảo trì nhiều hơn, bởi nữ giới thường trang điểm nên có thể làm bẩn nước trong bể. Số tiền chênh lệch được dùng để chi cho việc thay nước. Song Rahim nói thêm rằng ban quản lý bể bơi đang nỗ lực để có thể giảm giá.
Rahim không thống kê được chính xác số lượng nữ giới đến bể Amu mỗi ngày. "Số lượng thường thay đổi, khoảng 15-70 người, hồ bơi không có cơ sở dữ liệu để theo dõi lượng khách đến", Rahim cho hay. "Khi lần đầu tiên chúng tôi mở cửa bể bơi phục vụ nữ giới, chúng tôi còn nhận được nhiều lời đe dọa", Rahim kể.
Arezo Hassanzada, 28 tuổi, hiện làm giám sát tại bể bơi Amu. 4 năm trước, khi hồ bơi lần đầu tiên mở cửa, cô từng làm lễ tân. "Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã muốn học bơi, nhưng không có nơi nào để học", Hassanzada nói. Khi được thấy những phụ nữ đến hồ bơi, cô nhảy bừa xuống nước và bơi cùng với họ. Bây giờ thì cô ngồi ở thành bể, giúp phụ nữ mặc áo phao và hướng dẫn nếu họ xuống nước lần đầu.
Giữa tiếng gạt nước nhịp nhàng và tiếng cười ở bể bơi dành cho nữ giới ở Amu, vẫn có những nỗi lo sợ mơ hồ rằng một ngày nào đó, Taliban có thể quay trở lại thống trị, cho dù thỏa thuận hòa bình giữa nhóm này với Mỹ có được thông qua. Nếu điều đó xảy ra, Taliban gần như chắc chắn sẽ cấm môn thể thao này.
Tháng 7 năm ngoái, khi Taliban pháo kích nhằm vào khu phố có bể bơi Amu làm ít nhất 7 người bị thương, Hassanzada đang giám sát bể bơi có nhiều phụ nữ. Nghe thấy tiếng nổ, cô liền nhanh chóng đưa họ lên bờ.
"Lúc đó tôi đã tự nhủ, khách hàng của chúng tôi có thể sẽ không bao giờ quay lại nữa. Nhưng ngay sáng hôm sau, họ lại đến", Hassanzada nói.
Mai Lâm (Theo NYTimes)