Thứ bảy, 4/1/2025
Thứ ba, 8/3/2016, 11:07 (GMT+7)

Những phụ nữ thay đổi nền y học thế giới

Marie Curie, Rosalind Elsie Franklin, Joanne Liu đã cứu giúp hàng triệu người và làm thay đổi bộ mặt nền y học nhân loại.

Y tá Florence Nightingale (1820-1910) là người phụ nữ đầu tiên được nước Anh trao tặng huân chương cao quý Order of Merit vì những đóng góp trong cuộc chiến tranh Krym. Liên tục thức trắng đêm chăm sóc các thương binh, bà được gọi trìu mến bằng cái tên “quý bà với chiếc đèn”.

Trước Elizabeth Garrett Anderson (1836-1917), chưa người phụ nữ nào được cấp bằng bác sĩ và phẫu thuật tại Anh. Năm 1872, Elizabeth mở Bệnh viện Phụ nữ tại London giúp chị em khắp thành phố chữa trị bệnh phụ khoa. Bà đồng thời là người đồng sáng lập Trường Y London dành cho phụ nữ, giảng dạy và tạo nền tảng cho giáo dục y học đến với phái yếu.

Marie Curie (1867-1934) là người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel, người phụ nữ duy nhất giành Nobel 2 lần và một trong 4 nhà khoa học nhận giải trên 2 lĩnh vực riêng biệt (vật lý, hóa học). Cùng với người chồng Pierre Curie, Marie tìm ra polonium và radium, nền tảng để phát triển tia X. Bà hỗ trợ đội ngũ cấp cứu sử dụng tia X trong Thế chiến thứ Nhất và trở thành "chỉ huy" dịch vụ phóng xạ của Tổ chức chữ thập đỏ Quốc tế. 

Alice Catherine Evans (1881-1975) là nhà khoa học nữ đầu tiên được Bộ Nông nghiệp Mỹ thuê dài hạn. Nhờ phân tích vi khuẩn trong sữa, pho mát và xác định bệnh nhiễm khuẩn gây sốt cho người có nguồn gốc từ bò của bà, luật tiệt trùng sữa mới được ban hành.

Năm 1947, Gerty Cori (1896-1957) trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử giành Nobel Y học. Bà nhận giải cùng chồng mình, Carl Cori, nhờ tìm ra cách cơ thể sử dụng chất glycogen từ đường làm năng lượng.

Gertrude B.Elion (1918-1999) là nhà hóa sinh học người Mỹ. Nghiên cứu của bà mở đường cho sự phát triển nhiều loại thuốc bao gồm thuốc chống sốt rét, herpes, viêm màng não và máu trắng. Năm 1988, Elion cùng George Hitchings và James Black được trao giải Nobel Y học nhờ công trình liên quan đến nguyên tắc chữa trị bằng thuốc. Sau này, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên được tôn vinh ở Đại sảnh Danh vọng các nhà sáng chế Mỹ.

Nhà hóa học Rosalind Elsie Franklin (1920-1958) nổi tiếng nhờ mạnh dạn tiên phong trong ứng dụng tia X đồng thời khám phá ra cấu trúc ADN. Đáng tiếc, bà không được trao giải Nobel do đột ngột qua đời vì bệnh ung thư.

Tìm ra artemisinin và dihydroartemisinin, Tu Youyou đã cứu sống hàng triệu người trên thế giới khỏi sốt rét. Năm ngoái, bà nhận giải Nobel cùng hai nhà khoa học khác là William C. Campbell và Satoshi Omura.

Francoise Barre-Sinoussi sinh năm 1947 tại Pháp được trao Nobel Y học năm 2008 nhờ phát hiện ra HIV cùng Luc Montagnier. Bà nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội AIDS Quốc tế vào năm 2012 và ngày nay vẫn giữ vai trò Giáo sư tại Viện Pasteur ở Pháp.

Không thể không kể đến Margaret Chan, sinh năm 1947, hiện là Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bà sinh tại Trung Quốc, bắt đầu sự nghiệp y tế cộng đồng ở Bộ Y tế Hong Kong. Thời gian qua, Margaret Chan đã phải đối phó với hàng loạt dịch bệnh như H5N1, SARS, MERS, Ebola và Zika.

Ở vị trí Chủ tịch Quốc tế Hiệp hội Bác sĩ không biên giới (MSF), bác sĩ người Canada Joanne Liu đã góp không ít công sức vào phát triển dự án khám bệnh từ xa, đưa các bệnh nhân của MSF từ 150 điểm kết nối với hơn 300 chuyên gia y tế toàn cầu.

Minh Nguyên