Chị muốn tìm hiểu nên điền thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và cho phép app truy cập danh bạ, ngày 22/7. Hôm sau, một người xưng nhân viên app gọi điện thông báo đã giải ngân 1,8 triệu đồng, yêu cầu sau 8 ngày phải trả 3 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Thấy lãi suất cao "cắt cổ", Ngân lập tức từ chối vay.
Nhưng vài tiếng sau, tài khoản của chị đã nhận 1,8 triệu đồng. Ngân gọi điện cho nhân viên app để chuyển lại tiền nhưng không thể liên lạc được. Thời điểm dịch bệnh, chị không biết làm thế nào, đành chờ nhân viên app liên hệ lại.
"Tự nhiên có tiền từ trên trời rơi xuống khiến tôi không biết phải làm sao. Họ tự ý chuyển tiền ép vay trong khi tôi không thỏa thuận. Tôi nghĩ mình chỉ điền thông tin vào link để tìm hiểu", chị nói với VnExpress.
Không muốn dây dưa, Ngân theo hướng dẫn đã làm thủ tục thanh toán khoản vay. Tưởng đã ổn nhưng 10 ngày sau, người bên app gọi điện đòi trả thêm gần 2 triệu tiền lãi phạt do chậm thanh toán một ngày. "Họ dọa không thanh toán sẽ gọi điện cho người thân, bạn bè và đăng hình ảnh tôi lên mạng để hủy hoại danh dự", chị Ngân cho biết.
Thấy có dấu hiệu phức tạp nằm ngoài tầm kiểm soát, Ngân liên hệ ngân hàng phong tỏa tài khoản và báo công an phường nhờ chỉ dẫn giải quyết. "Tôi quá mệt mỏi, không thể chịu đựng thêm nữa; lúc nào cũng trong trạng thái uất nghẹn khi bị họ uy hiếp".
Liên hệ với app nơi Ngân vay tiền qua số hotline, chiều 17/8, một nhân viên trả lời VnExpress rằng chị đang có khoản nợ 5,46 triệu đồng. App cho vay 3 triệu, bao gồm tiền giải ngân 1,8 triệu đồng, phí dịch vụ và lãi suất trong 8 ngày hết 1,2 triệu đồng. Ngân đã trả 3 triệu đồng song bị phạt 360.000 đồng vì thanh toán muộn một ngày. Chị không thanh toán 360.000 đồng nên sau 17 ngày tiền lãi nhân lên thành 2.460.000 đồng và vẫn đang tăng. Nhân viên này nói không biết việc khách hàng từ chối vay, cũng không biết cách tính lãi, chỉ truy thu nợ lãi theo số tiền trên hệ thống.
Trên trang web, các app cho vay tiền online thường đăng quảng cáo lãi suất cực thấp, chỉ cần người vay điền thông tin cá nhân vào link dẫn, app sẽ tự động xét duyệt và giải ngân trong vòng vài chục phút. Việc app cho đăng ký thủ tục dễ dàng và giải ngân nhanh chóng khiến nhiều người "há miệng mắc quai".
Lâm Tố Uyên (38 tuổi, quê Bình Định) thấy link quảng cáo cho vay lãi suất 0 đồng nên quyết định vay 10 triệu đồng của 5 app, mỗi app 2 triệu. Tuy nhiên, khi giải ngân, chị chỉ nhận được 5,5 triệu đồng và buộc phải trả 10 triệu trong 7 ngày. Vì lãi suất cao, Uyên chỉ trả được vài khoản, số còn lại không xoay xở kịp nên phải chịu những khoản lãi phạt phát sinh.
Uyên sau đó được nhân viên tư vấn gọi điện giới thiệu các app khác để vay tiền thanh toán. "Khoảng thời gian này, tôi và người thân bị khủng bố bởi tin nhắn, cuộc gọi đòi nợ và đe dọa. Họ nói sẽ đến tận nhà và nơi tôi làm việc, sẽ "xử lý từng người trong gia đình" nếu không trả nợ. Vì quá lo sợ, tôi phải đăng ký vay tiền ở các app được giới thiệu để thanh toán nợ cũ, giữ an toàn cho gia đình", chị Uyên cho biết.
Với mức lãi suất tăng nhanh, từ tháng 9/2020 đến 3/2021, Uyên dù đã trả song hiện còn nợ hơn 300 triệu. "Tôi không thể xoay xở được nữa vì số tiền lãi liên tục tăng. Khi ngừng trả, bên app gọi điện đe dọa và cắt ghép hình tôi gửi cho bạn bè. Tôi đến đường cùng nên phải trình báo công an", Uyên nói.
Hiện, chị Uyên đã làm đơn kiện nhiều app cùng ngân hàng trung gian, gửi đến TAND quận 1 (TP HCM) và đang chờ xử lý.
Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh cho rằng với lãi suất của các app hiện nay thì người vay rất khó trả hết nợ. Các app thường cho vay số tiền nhỏ, thời gian ngắn nhưng tính phí rất cao. Nạn nhân dính bẫy vì nghĩ có thể thanh toán dễ dàng. Nhưng khi không trả được hết, một khoản nhỏ cũng sẽ phát sinh lãi, người vay sẽ không lường được con số này tăng kinh khủng thế nào.
Nhiều khoản app gọi là phí nhưng về bản chất thì như tiền lãi. Ví dụ, Uyên vay 2 triệu, họ sẽ trừ trực tiếp 800.000 tiền phí, 100.000 tiền lãi và chỉ chuyển 1,1 triệu đồng. Sau 7 ngày, Uyên phải trả họ 2 triệu đồng.
Đến thời gian đáo hạn, nếu người vay không trả được thì nhân viên tiếp tục giới thiệu các app mới để nạn nhân tiếp tục vay trả nợ cũ. "Với mức lãi suất lên tới 80%/tuần, vòng xoáy nợ sẽ diễn ra với tốc độ rất nhanh. Nạn nhân chỉ vay vài triệu nhưng số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng. Đó là "bẫy" của các app", ông Chánh nói.
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch, pháp luật hiện chưa có hành lang pháp lý cụ thể quy định về cho vay online qua app. Vì thế, nhiều app đã lợi dụng kẽ hở này để cho vay với lãi suất cao vượt mức quy định từ hàng chục đến hàng trăm lần. Đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Người vay có thể yêu cầu cơ quan công an xử lý hình sự đối với app về tội Cho vay nặng lãi, theo điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, Người vay cũng có thể khởi kiện, yêu cầu tòa án tuyên vô hiệu đối với phần lãi suất vượt quá quy định.
Với hành vi nhắn tin, gọi điện đòi nợ mang tính chất đe dọa hay tung tin bôi nhọ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của người vay, app sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng về tội Làm nhục người khác, theo điều 155 Bộ luật Hình sự 2015.
Về việc ép vay tiền, luật sư Trần Sỹ Tiến, Công ty Luật Hà Nội VDT, cho rằng việc tự động gửi tiền, ép người vay phải trả lãi là vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong giao kết dân sự, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người vay, theo khoản 2 điều 3 Bộ luật Dân sự 2015. Nếu bên vay đã từ chối mà app vẫn gửi tiền thì người vay không có nghĩa vụ trả nợ. Khi đó, người vay cần liên hệ cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trường hợp sử dụng thủ đoạn, uy hiếp tinh thần, ép người dân vay và trả lãi cao, app sẽ bị xử phạt về tội Cưỡng đoạt tài sản, với mức phạt từ 1 đến 20 năm tù, tùy theo tính chất, mức độ.
Đại diện Bộ Công an cho biết, app vay tiền online thực chất là ứng dụng cho vay tín chấp. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua trang web hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh. Việc giao dịch qua app rất dễ dàng, người vay chỉ cần điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp, chứng minh nhân dân và đồng ý cho app truy cập danh bạ điện thoại.
Một số người trước khi quyết định vay tiền qua app không tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí và hạn mức trả nợ nên gặp nhiều rắc rối. Trường hợp bị lừa đảo hoặc đe dọa, công dân có thể làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an kèm các tài liệu, chứng cứ chứng minh.
Từ 15/4/2019 đến 15/4/2020, Bộ Công an đã tiếp nhận tin báo, phát hiện 1.152 vụ liên quan đến tín dụng đen, trong số này hơn 600 vụ đã khởi tố với trên 1.400 bị can, phạt hành chính 382 vụ với 911 người.
* Tên người vay đã thay đổi
Phương Anh