Mặt trời mọc trên sa mạc soi rọi một cảnh quen thuộc nhưng mới lạ. Một con chim ưng đơn độc, đậu trên một cái cọc, bên cạnh người phụ nữ tên Al Mansouri và con gái 8 tuổi Osha.
Mansouri bước đến chú chim đang chờ sẵn, nhấc mũ trùm đầu của nó, bắt đầu buổi huấn luyện. Cô giơ tay để con chim đậu lên cánh tay mình, sau đó nó vỗ cánh bay lên. Người phụ nữ ném miếng mồi có buộc dây ra xa. Con chim ưng nhắm vào mục tiêu lao thẳng xuống. Vào lúc nó chuẩn bị đâm mỏ sắc nhọn vào con mồi, Mansouri giật dây khiến con chim vồ hụt. Cô làm lại vài lần, càng những lần sau con chim càng nhanh. Cuối cùng, cô cho phép con chim ưng bắt mồi và thưởng thêm miếng thịt chim cút hoặc ức bồ câu.
Ở bên cạnh, bé Osha quan sát tất cả những gì mẹ làm. Họ không cần từ ngữ để dạy và học những nguyên tắc cơ bản của nghề có lịch sử hơn 4.000 năm này.
Chim ưng có thể nhìn xa gấp 8 lần con người và khả năng lao thẳng từ trên trời xuống với tốc độ hơn 300 km/h để bắt những con mồi nhỏ trên sa mạc. Ngày nay không còn được dùng đi săn nhưng chim ưng vẫn được huấn luyện và sở hữu như một con vật cưng trong gia đình, giữ vị trí đáng tôn kính trong di sản của người Ả Rập.
Có một sự hiểu nhầm lâu nay là môn thể thao danh giá này gắn liền với nam giới, song thực tế phụ nữ cũng có vai trò lớn. Al Mansouri, một người phụ nữ đang viết chương mới cho lịch sử chim ưng ở quốc gia này, chia sẻ đã bắt đầu học thuần phục chim ưng với cha từ khi lên bốn. Lúc đó anh trai cô không thể đội được mũ lên đầu chú chim ưng và bỏ cuộc. Al Mansouri làm được điều đó một cách đơn giản.
"Tôi chỉ đơn thuần đội lên thôi", cô nhớ lại. "Cha choáng váng và nhìn tôi đầy tự hào", cô nói.
Khoảnh khắc đó đánh dấu cho Mansouri bước vào thế giới của chim ưng và trở thành một nhà huấn luyện loài "chúa tể bầu trời". Cô cho biết mình không phải là người phụ nữ đầu tiên làm công việc này. "Chị họ tôi, hơn 60 tuổi, là một chuyên gia thuần phục chim ưng. Chị ấy đã học được phương pháp và bí mật từ hai người chú. Tôi thường được chị đưa đi săn cùng", Al Mansouri chia sẻ.
Nhưng cô muốn nhiều hơn thế. Năm 2016 Mansouri mở Câu lạc bộ những người nuôi chim ưng Abu Dhab để dạy phụ nữ và trẻ em gái. Đến nay, cô đã đào tạo được gần 150 phụ nữ và 70 bé gái.
"Giờ đây, mọi người đều muốn giáo dục con gái mình trước cả con trai về môn nuôi chim ưng. Xã hội ngày càng chấp nhận sự tham gia của phụ nữ vào môn thể thao cổ xưa này", cô nói.
Ngày nay, phụ nữ cũng tham gia vào các cuộc thi và lễ hội, trong đó có Lễ hội chim ưng quốc tế, có lịch sử từ năm 1976.
Điều mà Mansouri muốn giữ gìn vượt xa việc đảm bảo phụ nữ có một vị thế trong bộ môn này. Cô muốn bảo vệ loài chim ưng trước những mối đe dọa từ môi trường sống và buôn bán động vật hoang dã trái bất hợp pháp.
Ở UAE hiện nay chỉ chơi những con chim vốn được nuôi nhốt cho mục đích đua và săn bắn. Đồng thời hoạt động chim ưng săn mồi chỉ áp dụng cho những khu vực có giấy phép đặc biệt.
Năm 2002, để ngăn chặn hơn nữa việc buôn bán các loài chim bị bắt trái phép, UAE bắt đầu cấp "hộ chiếu chim ưng" ghi rõ nguồn gốc của chúng. Một số quốc gia, bao gồm cả Ả Rập Saudi, đã làm theo.
UAE củng cố vai trò then chốt bằng việc khai trương bệnh viện chim ưng lớn nhất thế giới vào năm 1999. Ông Margit Muller, giám đốc điều hành của Bệnh viện Chim ưng Abu Dhabi cho biết UAE là hình mẫu toàn cầu về nuôi chim ưng, không chỉ về mặt y học thú y mà còn bảo tồn và duy trì quần thể thông qua nhân giống.
Dù Al Mansouri tận tâm với sứ mệnh của mình, cô không bao giờ quên bài học từ cha. "Chim ưng là người anh em của ra. Nó không chỉ là con chim săn mồi, mà là sinh vật cần được tôn trọng", cô chia sẻ.
Những phụ nữ huấn luyện chim ưng:
Bảo Nhiên (Theo Nationalgeographic)