Năm nào tôi cũng bối rối, biết đưa ra con số nào "cho vừa". Nhưng nếu khuyên rằng đó là việc không nhất thiết phải làm, bạn sẽ giãy nảy lên vì sợ con bị trù úm.
Một cặp khác, vợ chồng đều làm ở công ty nước ngoài, tổng thu nhập tính chừng 4 nghìn USD mỗi tháng, cũng không bỏ qua cơ hội nào để quà cáp thầy cô giáo, từ 8/3, đến Tết Dương lịch, Âm lịch. 20/11 lại càng là một dịp đặc biệt. Họ muốn giáo viên lưu ý đến con mình hơn.
Là giáo viên, khi lắng nghe băn khoăn của bạn tôi - các bậc cha mẹ, tôi ngậm ngùi nhận ra rằng, phần lớn phụ huynh đến với chúng tôi trong ngày này chủ yếu vì một nỗi sợ mơ hồ hoặc một sự mưu cầu lợi ích nào đó cho con, chứ không hẳn vì tình cảm chân thành dành cho thầy cô. Mặc dù đa số chúng tôi trân quý và mong đợi điều đó hơn cả.
Với người bạn năm nào cũng hỏi “bao nhiêu mới vừa”, tôi luôn trấn an rằng, dù là “không có gì”, các con cũng không đến mức bị trù úm. Nhưng bạn luôn không tin tôi. Tôi hiểu, một lời của tôi không thể lấn át được điều mà cả xã hội đang đồng thanh nói.
Trong ký ức của tôi về thời còn đi học, ngày Hiến chương Nhà giáo được gọi lệch thành ngày Hiến cam Nhà giáo vì dịp này trùng mùa cam. Mỗi lớp học trò một túi cam, và chỉ thế thôi, mang đến biếu cô thầy. Tôi không chắc thầy cô tôi lúc đó thấy thế “có vừa không”, nhưng những câu chuyện qua lại giữa thầy trò đều ngọt ngào và ấm áp.
Nhưng theo thời gian, không rõ từ bao giờ, ngày Hiến chương các nhà giáo biến tướng thành ngày hiến phong bì cho thầy cô. Ngày 20/11, lẽ ra phải là ngày vui thiêng liêng của cô trò và phụ huynh thì đối với không ít người lại trở thành tiếng thở dài, nặng thêm gánh mưu sinh vốn đã đầy nhọc nhằn. Họ cân nhắc giữa việc bỏ phong bì bao nhiêu, đi cô nào, bớt thầy nào… mà không để ý rằng, các thầy cô nếu biết mình dù được thêm hay bớt, cũng sẽ tổn thương lắm.
Có hai con ở độ tuổi đến trường, với tư cách là phụ huynh, tôi cũng coi ngày 20/11 là một dịp rất quan trọng. Chỉ có điều, lý do tôi đến thăm thầy cô của con tôi không giống những người bạn trên. Tôi không bị ám ảnh bởi nỗi sợ “bị trù”, cũng không mong muốn con tôi được lưu ý nâng đỡ hơn các bạn khác; tôi chắc chắn không hy vọng quà tặng của mình, dù là phong bì, hay vật dụng, có thể giúp cô thay đổi, cải thiện cuộc sống. Con tôi, những đứa trẻ đang mỗi tuổi một khác, không ngừng biến đổi về tâm sinh lý. Và ở bên con, tiếp xúc 10 giờ mỗi ngày là các cô, chứ không phải chỉ có khoảng 5 giờ (nếu không tính thời gian ngủ) như bố mẹ. Nên tôi thấy không có lý do gì để bỏ qua một cơ hội để tri ân những người đã dạy dỗ và chăm sóc con mình. Xuất phát từ sự chân thành đó, tôi thường không băn khoăn về việc "bao nhiêu là vừa". Điều tôi muốn hơn cả trong cuộc viếng thăm là mang đến thông điệp rằng: chúng tôi biết ơn và trân trọng.
Năm đầu vào nghề, tôi từng sốc khi có một vài học sinh mang phong bì lên dúi vào tay tôi với lời chúc nhân dịp 20/11. Trải qua gần 15 năm trong nghề, năm nào tôi cũng phải đối mặt và xử lý những trường hợp hồn nhiên đến tội nghiệp đó.
Hôm nay, đến trường, tôi sẽ nhận được những tình cảm chân thành của những bậc cha mẹ muốn nói lời cảm ơn. Nhưng tôi có thể cũng phải bối rối với những chiếc phong bì được học trò dúi vội.
Đỗ Sông Hương