Các cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ lan rộng sau cái chết của George Floyd. Bị tình nghi sử dụng tiền giả, Floyd bị một cảnh sát da trắng đè đầu gối lên cổ dẫn để tử vong vì ngạt thở. Điện ảnh Mỹ có nhiều bộ phim mang thông điệp chống phân biệt chủng tộc với chất lượng nghệ thuật được ghi nhận.
To Kill a Mockingbird (1962)
Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Harper Lee, do Robert Mulligan đạo diễn. To Kill a Mockingbird giành chiến thắng tại Oscar lần thứ 35 trong ba hạng mục kịch bản chuyển thể, thiết kế mỹ thuật và nam chính. Tác phẩm xoay quanh cuộc đời của cô bé Sout (Mary Badham thủ vai) cùng với người cha là Atticus Finch (Gregory Peck).
Là một luật sư chuyên nghiệp và giàu lòng bác ái, Atticus đã cố gắng bảo vệ một "Negro" (cách gọi miệt thị người da màu lúc bấy giờ) đang bị tòa án kết tội oan. Nhiều khó khăn, trắc trở và sự phản đối bủa vây vẫn không hề làm ông nản lòng. Sức hấp dẫn của bộ phim đã giúp nhân vật Atticus (Gregory Peck) được Viện Phim Mỹ xếp thứ nhất trong danh sách người hùng màn ảnh của thế kỷ 20.
Django Unchained (2012)
Lấy bối cảnh nước Mỹ vào năm 1858 khi chế độ nô lệ vẫn tồn tại, phim xoay quanh Django (Jamie Foxx đóng) - người nô lệ da màu được bác sĩ King Schultz (Christoph Waltz) cứu giúp khỏi cảnh nô lệ. Nhờ theo chân một tay thợ săn tiền thưởng lão luyện như Schultz, Django đã có thể cứu được người vợ yêu dấu từ tay gã chủ đồn điền hách dịch Calvin Candie (Leonardo Dicaprio). Sau đó, Django phải trải qua những thử thách khốc liệt, để cuối cùng tìm thấy tự do thực sự.
Django Unchained là phim thứ tám do Quentin Tarantino làm đạo diễn, tiếp tục khai thác thế mạnh của nhà làm phim ở những cảnh hành động bạo lực cùng phần thoại sâu sắc. Phim giành được hai giải Oscar trong hạng mục nam phụ (Christoph Waltz) và kịch bản gốc (cho chính Tarantino). Thông điệp chống phân biệt chủng tộc thể hiện qua hình tượng nhân vật người da đen mạnh mẽ do Foxx đóng.
12 Years a Slave (2013)
12 Years a Slave là một trong các phim nổi tiếng nhất về nạn phân biệt chủng tộc trong thập niên 2010. Khi ra mắt, phim nhận mưa lời khen từ giới phê bình điện ảnh thế giới, với 95% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes. Tác phẩm kể câu chuyện có thật gây chấn động năm 1841 - trước Nội chiến Mỹ, khiến nhiều người rơi nước mắt.
Solomon Northup (Chiwetel Ejiofor đóng) vốn là một người Mỹ gốc Phi tự do sống tại New York. Một ngày nọ, ông bị bọn buôn người bắt cóc, bị rao bán cho các chủ đồn điền. Trải qua 12 năm tủi nhục cùng hai đời chủ da trắng, Solomon với ý chí kiên cường cuối cùng cũng thoát khỏi xiềng xích nô lệ. 12 Years a Slave đã đánh bại hai đối thủ đáng gờm khác là Gravity và The Wolf of Wall Street để trở thành "Phim xuất sắc" tại Oscar năm 2014.
Selma (2014)
Tài tử gốc Phi David Oyelowo vào vai nhà lãnh đạo nổi tiếng Martin Luther King Jr. trong phim của nữ đạo diễn Ava DuVernay. Selma khắc họa những cột mốc quan trọng trong cuộc đời của Martin Luther King Jr. - nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Mỹ với quan điểm chống phân biệt chủng tộc. Cảnh cao trào của phim là bài phát biểu "Tôi có một ước mơ" gửi đến cộng đồng người Mỹ gốc Phi.
Trên màn ảnh, diễn viên David Oyelowo chinh phục khán giả khi thể hiện nhiều giai đoạn trong cuộc đời của Luther King Jr: Từ một mục sư cho đến nhà nhân quyền, đến trở thành người tiên phong trong phong trào đấu tranh bất bạo động giai đoạn 1955 - 1968.
Fences (2016)
Diễn viên da đen Denzel Washington vừa là đạo diễn và diễn viên chính của phim. Fences lấy bối cảnh là nước Mỹ sau Thế chiến thứ hai, khi sự bất bình đẳng giàu nghèo và sự phân biệt chủng tộc nặng nề trong xã hội. Bộ phim phản ánh cuộc đời của vợ chồng nhà Maxson – một gia đình da đen nghèo khổ và nhiều tủi nhục.
Troy Maxson (Denzel Washington) là một công nhân thu gom rác, phải làm việc vất vả để mưu sinh, khiến người xem thổn thức với khát khao vượt lên nghịch cảnh để trở thành tuyển thủ bóng chày. Bốn đề cử Oscar cùng doanh thu 64 triệu USD - gấp ba lần kinh phí - khẳng định chất lượng tác phẩm.
Get Out (2017)
Phim đầu tay của đạo diễn Jordan Peele là một trong những hiện tượng của năm 2017, cả về kết quả phòng vé lẫn đánh giá của giới chuyên môn (thắng Oscar kịch bản gốc). Nhà làm phim da đen vốn xuất thân là diễn viên hài, gây bất ngờ khi chọn thể loại kinh dị ở dự án này.
Get Out xoay quanh việc tay nhiếp ảnh gốc Phi Chris Washington (Daniel Kaluuya) đến ra mắt gia đình cô bạn gái da trắng Rose Armitage (Allison Williams). Ban đầu gia đình người bạn gái vô cùng hồ hởi chào đón anh ta. Càng ở lâu, anh ta càng cảm thấy gia đình này có nhiều điều kỳ quái. Ẩn giấu sau lớp mặt nạ tốt đẹp, gia đình người da trắng có một âm mưu ghê tởm. Sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ bị đem ra châm biếm qua một nhiều tình tiết, câu thoại trong phim. Thành công của Get Out biến Jordan Peele thành một đạo diễn được săn đón tại Hollywood.
BlackKklansman (2018)
Thay vì lên án gay gắt, đạo diễn Spike Lee biến những kẻ phân biệt chủng tộc tại Mỹ thành trò hề trong BlackKklansman. Tác phẩm thuộc thể loại trào phúng xoay quanh việc viên cảnh sát Ron Stallworth (John David Washington) cố gắng thâm nhập vào Hội kín Klu Klux Klan (KKK). Đây là tổ chức của những người da trắng cực đoan có gốc rễ từ thời Nội chiến Mỹ, chuyên tổ chức tấn công các cộng đồng người Mỹ gốc Phi.
Spike Lee hiện thực hóa sự bất công người da màu phải chịu đựng thông qua nhiều chi tiết châm biếm đồng thời khắc họa những thành viên KKK chỉ là những kẻ cực đoan vô công rỗi nghề, luôn nói chuyện đao to búa lớn nhưng bất tài.
Green Book (2018)
Lấy cảm hứng từ sự kiện có thật, Green Book xoay quanh tình bạn giữa Tony Lip (Viggo Mortensen đóng) và Donald Shirley (Mahershala Ali). Tony Lip là tay tài xế da trắng luôn sống trong tầng lớp hạ lưu, còn Shirley lại là một nhạc công piano da màu tài ba thuộc tầng lớp thượng lưu.
Tony trở thành tài xế của Shirley, hộ tống ông đến nơi lưu diễn. Trên hành trình, cả hai dần tháo gỡ những định kiến liên quan đến sắc tộc. Họ là biểu tượng tình bạn không phân biệt sắc tộc, màu da, tôn giáo. Ngoài đời thực, đôi bạn thân thiết với nhau cho đến khi cả hai cùng qua đời vào năm 2013. Green Book được tôn vinh ở Oscar năm 2019 với giải "Phim xuất sắc".
Phúc Nguyễn