Môi trường phim hoạt hình khiến các đạo diễn thỏa sức sáng tạo, không bị gò bó như phim người đóng. Từ đây, nhiều ý tưởng dị biệt xuất hiện trên màn ảnh.
The Emoji Movie (2017)
Tác phẩm mang ý tưởng biến các biểu tượng cảm xúc trong điện thoại thành nhân vật điện ảnh. Phim xoay quanh anh chàng Gene - biểu tượng vì không kiểm soát được bản thân mà thường bộc lộ những cảm xúc đa dạng. Ngay ngày đầu đi làm, Gene đã gây ra rắc rối khiến toàn bộ dữ liệu trong điện thoại có nguy cơ bị xóa sổ. Được sự giúp đỡ của Hi-5 và Jailbreak, cậu chạy trốn để thoát khỏi sự truy lùng ráo riết của đội quân diệt virus.
Trong chuyến phiêu lưu, Gene và những người bạn đã vượt qua hàng loạt những ứng dụng quen thuộc như Candy Crush Saga, Let’s Dance, Facebook, Instagram hay Twitter. Kịch bản cũng không quên cài cắm những thông điệp ý nghĩa như phê phán lối sống ảo trên mạng xã hội.
Dù có ý tưởng độc đáo, câu chuyện lại chưa có sức đột phá với mô-típ nhân vật quen thuộc gợi nhớ đến những phim trước đó như Inside Out hay Wreck-it-Ralph. Tác phẩm bị nhiều nhà phê bình chê bai nhưng vẫn đạt doanh thu khả quan ở phòng vé với 56 triệu USD ở Bắc Mỹ sau một tuần.
Sausage Party (2016)
Phim hoạt hình 18+ gây sốc năm ngoái xoay quanh những thực phẩm trong siêu thị được nhân cách hóa. Hai nhân vật chính là anh chàng xúc xích Frank và cô nàng hot dog Brenda. Họ vô cùng háo hức khi được những khách hàng chọn mua, rồi nhận ra bi kịch bắt đầu khi được đưa đến “miền đất hứa”.
Phim có nhiều hình ảnh nhạy cảm và lời thoại tục tĩu. Tạo hình các nhân vật cũng dễ gây liên tưởng đến những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người. Ngoài những cảnh quan hệ tình dục của các thực phẩm, phim còn nhiều trích đoạn kinh dị khi các thực phẩm bị thảm sát lúc nấu nướng. Cảnh "tiệc sex" cuối phim trở thành trích đoạn gây tranh cãi nhất.
Ý tưởng độc đáo của bộ đôi Greg Tiernan và Conrad Vernon được giới chuyên môn đánh giá cao. Trên Rotten Tomatoes, Sausage Party nhận 83% bài đánh giá tích cực và phim thu về 140 triệu USD, trong khi kinh phí sản xuất chỉ có 19 triệu USD.
Inside Out (2015)
Hãng Pixar nổi tiếng với những ý tưởng làm phim độc đáo. Một trong số đó là phim Inside Out - tác phẩm đạt giải Oscar "Phim hoạt hình xuất sắc". Nội dung phim kể về các cảm xúc tồn tại trong đầu cô bé Riley, bao gồm Joy (Vui Vẻ), Sadness (Buồn Bã), Disgust (Chảnh Chọe), Anger (Giận Dữ) và Fear (Sợ Hãi). Năm cảm xúc thay nhau vận hành để thể hiện các trạng thái của chủ nhân.
Bộ phim gồm hai câu chuyện có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Câu chuyện thứ nhất kể về các cảm xúc được nhân cách hóa. Câu chuyện thứ hai là quá trình chuyển nhà, chuyển trường của Riley cùng những xáo trộn về tâm lý. Sự vận hành của các cảm xúc có ảnh hưởng lớn đến những ký ức của Riley, qua đó cho thấy vai trò của ký ức trong cuộc đời con người. Mỗi cảm xúc đều mang một giá trị khác nhau và góp phần giúp con người trưởng thành hơn.
The Suicide Shop (2012)
Phim hoạt hình của đạo diễn Pháp Patrice Leconte dựa trên tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Jean Teulé. Tác phẩm nói về cuộc sống trong một cửa hàng chuyên bán các thiết bị cho những người muốn tìm đến cái chết. Phim gây ám ảnh với gam màu u tối, âm thanh rùng rợn và tạo hình nhân vật đáng sợ.
The Suicide Shop cũng khai thác yếu tố hài đen tối, như trong cảnh một người phụ nữ trở dạ sinh con ngay khi vừa giúp một người đàn ông tự tử hay việc một người đàn ông tự sát nhưng không ai quan tâm ngoài tờ giấy phạt của cảnh sát cắm vào miệng vì tội chết giữa phố. Tác phẩm đơn giản nhưng thâm thúy, phê phán lối sống vô cảm của con người trong xã hội, đồng thời mở ra một tương lai tươi sáng hơn khi cuộc sống được trân trọng.
Frankenweenie (2012)
Tác phẩm được thực hiện bằng phương pháp stop motion (chụp ảnh cử động của nhân vật rồi ghép lại tạo thành chuỗi chuyển động), do quái kiệt điện ảnh Tim Burton đạo diễn. Lấy bối cảnh một thị trấn ở Mỹ thập niên 1960, Frankenweenie kể về tình bạn giữa cậu bé đam mê khoa học Victor Frankenstein và chú chó cưng Sparky.
Sau khi Sparky chết trong một tai nạn, Victor buồn bã, tìm mọi cách để giúp chú chó nhỏ sống lại. Cậu thực hiện thí nghiệm khoa học trong một đêm sấm chớp, khiến Sparky trở về, nhưng phải mang hình dạng chi chít những mảnh khâu như quái vật. Hành động của Victor bị phát hiện khiến cậu gặp nhiều phiền toái.
Frankenweenie vẫn mang phong cách đặc trưng của Tim Burton mà trong những bộ phim trước đó như Nightmare Before Christmas và Corpse Bride. Phim chỉ có hai màu đen trắng, bối cảnh u ám, tạo hình nhân vật kỳ quái. Nội dung phim gợi nhiều cảm xúc cho người xem, từ sợ hãi tới hài hước và cảm động. Phim được đề cử Oscar "Phim hoạt hình xuất sắc".
Wreck-It Ralph (2012)
Phim hoạt hình của Disney được xây dựng trên ý tưởng độc đáo: nhân cách hóa các nhân vật trong trò chơi điện tử. Ralph - kẻ phản diện trong game Fix-It Felix - bị mọi người ghẻ lạnh. Muốn có sự thừa nhận, anh sang các trò chơi khác tìm kiếm một huy chương, rồi bị cuốn vào cuộc phiêu lưu cùng cô bé Vanellope của trò Sugar Rush.
Tác phẩm nêu thông điệp nhân văn về tính thiện trong mỗi con người. Phần đồ họa được đánh giá cao khi khéo léo đan cài các màn chơi game vào cảnh hành động của nhân vật. Wreck-It Ralph thu về 471 triệu USD toàn cầu và được giới phê bình khen ngợi.
Coraline (2009)
Coraline là phim hoạt hình stop motion, do Henry Selick đạo diễn dựa trên tiểu thuyết của Neil Gaiman. Phim được đề cử Oscar "Phim hoạt hình xuất sắc". Câu chuyện kể về chuyến phiêu lưu kỳ lạ của cô bé Coraline vào một thế giới tồn tại song song với ngôi nhà của mình, thông qua một đường hầm bí mật.
Thế giới đó tưởng chừng như hoàn hảo khi có đủ những thứ mà Coraline mơ ước, thậm chí cả bố mẹ khác. Tai họa bắt đầy xảy đến khi bố mẹ ở thế giới ảo - vốn là những phù thủy - muốn giữ cô bé ở lại mãi mãi. Lúc đó, chuyến phiêu lưu kinh hoàng của Coraline mới thực sự bắt đầu.
Bộ phim khiến người xem sợ hãi với tính ma quái, rùng rợn, thể hiện từ tạo hình nhân vật đến các tình tiết, đặc biệt là cảnh ám ảnh khi những chiếc cúc áo được khâu vào mắt. Phim thể hiện thông điệp thế giới bên ngoài tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm với trẻ con, nhưng vẫn không đáng sợ bằng việc chúng bị chính cha mẹ của mình bỏ mặc.
Spirited Away (2001)
Kiệt tác do Hayao Miyazaki đạo diễn là phim hoạt hình châu Á đầu tiên giành giải Oscar "Phim hoạt hình xuất sắc". Phim kể về chuyến phiêu lưu của cô bé Chihiro vào vùng đất linh hồn, được cai trị bởi phù thủy Yubaba. Bố mẹ Chihiro bị biến thành lợn do ăn thức ăn của thần. Với sự giúp đỡ của Haku và những người bạn, Chihiro phải tự tìm cách giải thoát mình và cha mẹ để trở về thế giới loài người.
Tác phẩm mở ra một không gian kỳ ảo, nơi sinh sống của những linh hồn kỳ dị, sinh vật nửa người nửa thú và phù thủy với phép thuật cao cường. Qua đó, phim phản ánh tâm lý sợ hãi của trẻ con khi lạc vào một thế giới kỳ lạ mà không có sự bảo vệ của cha mẹ. Với câu chuyện độc đáo, Spirited Away nêu bật những vấn đề của xã hội Nhật Bản hiện đại như ô nhiễm môi trường, sự lên ngôi của chủ nghĩa tiêu dùng hay con người bị tha hóa về nhân cách.
Hằng Nga