Leon ngừng sử dụng iPhone sau khi đọc một cuốn sách về "chủ nghĩa tối giản kỹ thuật số" - thuật ngữ được giáo sư khoa học máy tính người Mỹ Cal Newport nhắc đến năm 2019.
Không như những người khác chỉ giảm thời gian sử dụng, Leon là một trong số ít người quyết tâm từ bỏ hoàn toàn smartphone. Anh vẫn dùng điện thoại, nhưng là chiếc Light Phone 2 và sau đó là Punkt MP02 - hai điện thoại tối giản chỉ cho phép nghe gọi, gửi tin nhắn hoặc đặt báo thức.
Quyết định này ban đầu cũng khiến anh gặp phiền toái. Anh phải tìm đến "công nghệ quá khứ", như dùng tiền mặt, thẻ ngân hàng thay vì thanh toán kỹ thuật số qua WeChat và Alipay. Một khảo sát năm ngoái tại Trung Quốc cho thấy 80% số người trưởng thành sử dụng ví điện tử để trả hóa đơn thay vì tiền mặt.
Trải nghiệm của Leon diễn ra không trơn tru. Đôi lúc anh cảm thấy mệt mỏi. Như để quay video, anh phải sử dụng máy ảnh, chuyển file sang laptop để chỉnh sửa và đăng lên website. Anh cũng hiếm khi xem nội dung khác sau khi đã đăng video của mình. Không bị phân tâm trực tuyến, anh cho biết đã nhận thức được nhiều hơn về môi trường xung quanh mình.
"Dùng thiết bị với chức năng cơ bản giúp tôi hành động có chủ ý hơn và nhận thức được mục đích hành vi của mình", anh nói. "Nếu muốn làm gì đó, tôi sẽ chỉ sử dụng công cụ được thiết kế cho riêng nhiệm vụ đó".
Khi Covid-19 bùng phát, hầu hết người dân ở chỗ Leon sống dùng mã định danh cài trên smartphone để kiểm tra sức khỏe, ra đường, mua đồ ăn, sử dụng phương tiện công cộng... Anh phải sử dụng thẻ căn cước, in sẵn mã QR sức khỏe ra giấy. Trong trường hợp phải đến sân bay hoặc ga tàu, anh sử dụng iPod touch cũ để kết nối với Wi-Fi ở khu vực đó và hiển thị mã sức khỏe của mình.
"Đại dịch khiến việc những người không có smartphone trở nên khó khăn hơn, nhưng một chiếc iPod là đủ mang lại cảm giác an toàn mỗi khi đi xa", anh nói.
Chủ nghĩa tối giản kỹ thuật số đang trở thành trào lưu tại Trung Quốc. Theo nghiên cứu công bố hồi tháng 4 của Science Direct, Trung Quốc đứng đầu trong số 24 quốc gia được khảo sát về tình trạng nghiện smartphone.
Trên một số nền tảng xã hội như Douban, hàng chục nghìn người đang tham gia phong trào này. Họ chia sẻ những câu chuyện "cai nghiện" smartphone, như giới hạn số giờ online, gỡ cài đặt ứng dụng, chuyển sang các thiết bị dễ sử dụng hơn.
"Tôi không còn mở smartphone lướt trong vô thức như trước. Tôi cũng không còn cảm thấy mình thiếu gì đó nếu không cầm điện thoại", một người "cai" WeChat được hai năm kể trên Douban.
Giờ đây, thay vì loay hoay trên điện thoại, Leon sử dụng thời gian vào các hoạt động mà theo anh là "nhàm chán" như cho chim ăn trên bệ cửa sổ, sửa máy ảnh phim, máy đánh chữ cũ, hoặc đơn giản nằm thư giãn.
"Đó là sự thay đổi tâm lý từ 'sợ bỏ lỡ' sang 'thích bỏ lỡ'. Tôi có thể sẽ lỡ một số tin nhắn, nhưng không quan trọng bằng sức khỏe cá nhân", anh nói.
Bảo Lâm (theo Sixth Tone)