Chùa Nhật Quang (Nhật Quang Tự) là tên gọi phổ biến của chùa nghệ sĩ, nơi an nghỉ của hàng trăm nghệ sĩ sân khấu trên địa bàn TP HCM. Năm 1958, nghệ sĩ cải lương Phùng Há vận động hội Ái hữu nghệ sĩ mua mảnh đất lớn tại quận Gò Vấp, TP HCM với mục đích làm nơi chôn cất cho các nghệ sĩ sau khi qua đời.
Trong thời gian nghệ sĩ Phùng Há chưa có đủ kinh phí để xây dựng, ông bầu Năm Công xin được dựng am trên đất để tu hành. Năm 1970, ông bầu Xuân của gánh hát Dạ Lý Hương bỏ ra 100 cây vàng mua lại am thờ của bầu Năm Công và xây dựng thành ngôi chùa. Từ đó, nơi đây trở thành nơi quy tập hài cốt của các nghệ sĩ sân khấu TP HCM. Tính đến 2008, khuôn viên nghĩa trang của chùa có gần 600 ngôi mộ, hơn 500 lọ cốt. Ngôi chùa đã chứng kiến cuộc đời thăng trầm của biết bao nghệ sĩ sân khấu, cả người chết và người còn sống.
Trong thế giới của người chết, không thiếu những ngôi mộ hương tàn khói lạnh, thiếu bàn tay người thân chăm sóc.
Những tên tuổi lớn của nghệ thuật cải lương như NSND Phùng Há, nghệ sĩ Út Trà Ôn, Minh Phụng, Tấn Tài, Thanh Nga, soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng... đều được chôn cất ở vị trí dễ thấy. Trong đó, phần mộ của nghệ sĩ Phùng Há được đặt trang trọng ngay lối vào. Nơi an nghỉ vĩnh hằng của nữ nghệ sĩ được một người trông coi nhang khói mỗi ngày.
Tiến sâu vào khu B, mộ của nghệ sĩ Minh Phụng nổi bật bởi vẻ bề thế cùng tranh ảnh, những bài báo viết về thời vang bóng của ông vua cải lương một thời. Theo lời một bảo vệ, đây là ngôi mộ duy nhất trong nghĩa trang thường xuyên có hoa tươi do người hâm mộ mang tới. Gần 50 năm gắn bó với sân khấu cải lương, nghệ sĩ Minh Phụng được khán giả ái mộ với hình ảnh một kép đẹp, sở hữu giọng ca ngọt ngào, sâu lắng trong các vở Bóng hồng sa mạc, Tâm sự loài chim biển, Kiếp nào có yêu nhau, Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn...
Giữa khuôn viên, thi thoảng khách tham quan bắt gặp một số ngôi mộ đã sụt lở. Ngoài cảnh hương tàn khói lạnh, không khí quạnh quẽ còn bao phủ nơi này bởi cỏ dại um tùm che kín bia mộ. Những nghệ sĩ bạc phận nằm đó, phần đông không có hoặc đã mất liên lạc với người thân. "Với những ngôi mộ quanh năm không có người thân thăm viếng, ngoài thắp hương ngày rằm, mồng một, cứ Tết đến, chúng tôi lại dọn cỏ, lau chùi một lần”, bảo vệ của nghĩa trang chùa cho hay.
Những người trông coi nghĩa trang đa phần là nghệ sĩ cải lương. Mỗi người một hoàn cảnh, số phận. Thời trẻ lang bạt theo các đoàn hát, cuối đời họ nương nhờ tuổi già nơi cửa Phật.
Nghệ sĩ Nhật Sinh (72 tuổi) làm bảo vệ trong chùa nghệ sĩ được 10 năm với phụ cấp 120 nghìn đồng mỗi tháng. Giọng ca Nhật Sinh nức tiếng một thời ở các đoàn hát Tấn Tài, Tây Ninh, Sông Bé với nhiều thể loại: hát bội, cải lương, tuồng Hồ Quảng… Ông kể, thời kỳ đỉnh cao, thù lao đi hát của ông từ 600 đến 700 nghìn đồng. “Trước 1975, có 400 nghìn đồng là cất được vài cái nhà lầu. Tôi có nhà lầu, xe hơi trước cả Minh Phụng”, nghệ sĩ ngậm ngùi nhớ lại.
Giàu có, Nhật Sinh tiêu tiền không tiếc tay. Ông có nhiều vợ và người tình nhưng lần lượt từng người bỏ ông ra đi. Người thì mất vì bệnh tật, người chê gia cảnh khốn khó khi ông sa cơ. Những năm 1990, Nhật Sinh từ chỗ là trưởng đoàn hát Sông Bé trở thành người vô gia cư, hàng ngày rao bán vé số cho chính những đồng nghiệp cũ. Sau đó ông lang bạt lên Sài Gòn, làm đủ công việc nặng nhọc trước khi xin vào làm công quả. Con trai qua đời do bệnh tật, nghệ sĩ chỉ còn một cô con gái đã lập gia đình tại tỉnh Bến Tre. Ông gom góp từng đồng tiền công quả, vừa để mua thuốc trị bệnh tim, vừa dành để cuối năm về thăm con gái, mừng tuổi cho cháu ngoại.
Nhật Sinh chia sẻ, đời nghệ sĩ thăng trầm là chuyện thường, nên ông không sống bằng hào quang quá khứ, chỉ thấy đôi chút tủi thân khi đồng nghiệp cũ gặp mình ngó lơ.
Nếu như nghệ sĩ Nhật Sinh còn có gian phòng 7 m2 trong chùa làm chỗ trú chân thì nghệ sĩ hài Lý Lắc (71 tuổi) đêm đêm chỉ có manh chiếu trải bên thềm chùa để ngủ. Ông là người chuyên trông coi phần mộ NSND Phùng Há với thù lao gần 400 nghìn đồng một tháng. Thời trẻ, Lý Lắc là kép hài nổi tiếng của các đoàn Minh Châu - Dạ Thảo, Út Bạch Lan, Dạ Lý Hương. Kép hề Lý Lắc được khán giả yêu cải lương miền Nam nhớ nhiều qua vai Bùi Kiệm trong tuồng Lục Vân Tiên, vai thái giám trong vở Giấc mộng phù hoa… Sau hai lần tai biến mạch máu, ba lần mổ tim và trị bệnh đau dạ dày, tiền của nghệ sĩ kiếm được từ thời vàng son tiêu tan hết.
Ở tuổi 71, không vợ con, người thân duy nhất của Lý Lắc là những người em cùng mẹ khác cha. Nghệ sĩ cho biết, ông có một chỗ ngủ trong ngôi nhà do cha dượng để lại. Do bất đồng quan điểm với các em, nhiều năm nay ông không về nhà mà coi chùa nghệ sĩ như ngôi nhà thứ hai của mình. “Khi tôi nổi tiếng, có nhiều tiền, anh em sống hòa thuận. Khi tôi bệnh tật, hết tiền, tình anh em cũng phai nhạt”, nghệ sĩ Lý Lắc tâm sự.
Ngoài Lý Lắc và Nhật Sinh là hai kép hát có tên tuổi, chùa nghệ sĩ còn là nơi nương tựa của nhiều vũ công đoàn hát Dạ Lý Hương khi xưa. Vũ công tên Nguyệt giờ là người nấu ăn trong chùa. Vũ công Thu Hồng hàng ngày lo đèn nhang cho các gian thờ Phật và thờ Mẫu. Hồi tưởng quá khứ, nghệ sĩ Thu Hồng bảo, khoảnh khắc hạnh phúc nhất của bà là được lên hát thế mỗi khi đào chính có việc đột xuất không thể đến sân khấu.
Cảnh cô đơn, nghèo khó, bệnh tật tuổi xế chiều của những nghệ sĩ còn sống khiến nhiều khách tham quan day dứt. Một diễn viên cho hay, ban đầu cô đến chùa khấn Phật và thắp hương cho các cố nghệ sĩ. Đến khi chứng kiến cảnh một số nghệ sĩ phải nương tựa tuổi già trong chùa, cô càng thêm nghẹn ngào.
Châu Mỹ