Chuyện “cõng cấp trên” ấy làm tôi nhớ lại câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, mà bố tôi, một quân nhân cùng thời với Đại tướng hay kể.
Trong chiến dịch Thu Đông 1951, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Nguyễn Chí Thanh - 37 tuổi, trực tiếp thị sát các đơn vị của Sư đoàn 312, tham gia chiến dịch mang tên Hoàng Hoa Thám. Ông Thanh là vị tướng có tác phong quần chúng, giản dị. Ông mặc bộ quần áo nâu sờn, khoác áo trấn thủ, đội mũ phủ vải xanh rêu, gài lá ngụy trang. Nhìn ông giống bất kỳ anh lính dã chiến, hoặc dân công hỏa tuyến nào đang tham gia chiến dịch, cũng không khác chú bảo vệ và mấy chiến sĩ văn công, văn nghệ cùng đi.
Một lần, trên đường đi, gặp con suối rộng chừng hơn hai chục thước, tình cờ có viên sĩ quan, hình dáng, tác phong chỉ huy, cùng vượt suối. Mũ lưỡi trai, quần kaki, áo vét chiến lợi phẩm, giày "ghệt" đóng đinh nện vào đá sỏi trên đường, kêu rất oách. Thấy con suối lổn nhổn đá tảng và rêu trơn, quay nhìn sang hai bên, hỏi bâng quơ, vừa hách, vừa thân mật: "Cậu nào cõng tớ qua suối tí nhỉ?". Ông Thanh xông lên mấy bước, nói rất gọn: "Báo cáo, để em cõng thủ trưởng".
Viên sĩ quan ung dung trèo lên lưng ông Tướng. Tay cầm gậy leo núi, chân dép cao su, quần xắn móng lợn quá đầu gối. Ông Thanh thản nhiên, vui vẻ ghé lưng cõng viên sĩ quan. Đến giữa suối, sau những câu hỏi hách dịch của viên sĩ quan về tên tuổi đơn vị, ông tướng mới xưng tên mình là Nguyễn Chí Thanh. Tay sĩ quan tá hỏa, ù tai. Vẫn trên lưng vị Tướng, mếu máo, lắp bắp không thành tiếng, chuyển cách xưng hô, van vỉ: “Em lạy Thủ trưởng! Thủ trưởng tha cho em, cho em xuống ạ”. Giọng vị tướng nhẹ nhàng nhưng kiên quyết. “Ơ kìa, cậu này lạ nhỉ. Lính với lính cả. Tớ cõng cậu có sao đâu? Ngồi yên, không ngã cả hai thằng bây giờ”.
Quay trở lại với câu chuyện của những “ông quan” được cõng trong một ngày mưa lụt Hà Nội. Dư luận bất bình, không chỉ bởi cái hình ảnh “cõng” theo nghĩa đen mà nó còn thể hiện một sự ám ảnh của cả xã hội. Tình trạng hách dịch, cửa quyền, quen thói bề trên của "một bộ phận không nhỏ" các quan cách mạng thời thị trường đã được cảnh báo, nhiều năm, nhiều lần, trong nhiều diễn đàn, hội nghị quan trọng.
Tôi đã hỏi nhiều người, trong đó có cha tôi và một số vị tướng quân đội: nếu là bố, là chú, gặp tình huống tương tự, sẽ xử lý thế nào? Đa số, cũng là ý kiến cá nhân bảo thẳng tưng, ra giữa suối, dìm cậu tiểu đoàn trưởng này xuống, cho uống no nước, lên bờ lột sao, đuổi về quê.
Sự bức xúc là dễ hiểu. Nhưng ông Thanh đã không xử trí như thế. Ông đã cõng cậu sĩ quan vào tận bờ, trấn an cậu ta, hỏi thăm tình hình đơn vị. Rồi ông cho viên sĩ quan về đơn vị, chỉ dặn một câu, đừng bao giờ cho mình là một “ông quan cách mạng”.
Tôi không biết những ông quan ngày nay nghĩ gì khi được nghe kể về câu chuyện của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh?
Bùi Huy Hội