Lê Quang (chồng Minh) được mọi người xung quanh đánh giá là người đàn ông luôn tử tế với bạn bè, có trách nhiệm trong công việc, thân thiện đồng nghiệp.
"Nhưng cứ về đến nhà là chồng tôi luôn miệng gắt gỏng, bắt lỗi", Minh nói. Sàn nhà không sạch, trái cây không tươi, tivi bật quá to, nấu ăn chậm hay vị không vừa miệng và đủ thứ lý do khác để người đàn ông này lên tiếng chê bai, bỉ bôi vợ con. Có lần đi xe máy quên không đội mũ bảo hiểm, bị công an phạt tiền, về nhà Quang cũng đổ lỗi cho vợ "không nhắc nhở".
Nhưng ở cơ quan lúc nào Quang cũng nói về vợ con bằng thái độ yêu thương, trìu mến. Mỗi lúc đi nhậu cùng đồng nghiệp, anh thường bảo "Phải về sớm để vợ con không phải chờ cơm".
Minh nói, cô sợ đối diện với chồng bởi anh là người "hai mặt", sống giả dối.
Lê Quang được tiến sĩ tâm lý học Cao Thị Huyền Nga (Đại học sư phạm Hà Nội) gọi là "con nhím" trong nghiên cứu "Xung đột tâm lý trong quan hệ vợ chồng". Tên gọi này để chỉ những người vợ/ chồng thường "xù lông, chĩa mũi nhọn" khi đối đãi với nhau. Số lượng gia đình "tổ nhím" chiếm gần 7% trong khảo sát của tiến sĩ Nga.
Gia đình Thu Phương, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội là một "tổ nhím" điển hình. Chồng cô bên ngoài là một giảng viên đáng kính, nhưng ở nhà lại thường chì chiết, quát mắng vợ con bằng giọng cay nghiệt.
Dù gia đình đủ nếp tẻ, kinh tế dư dả, Phương chưa bao giờ thấy hạnh phúc. "Con gái tập đàn, đánh sai một nốt mà anh ta giơ tay tát con", người mẹ kể chuyện xảy ra gần đây. Giảng bài nếu con không hiểu, chồng thường la mắng rồi vứt sách vở xuống đất. Con lớn không thi đỗ vào trường chuyên cấp 3, cũng bị bố kêu là đồ ăn hại, phí tiền học.
Với vợ, những lúc không vừa ý, người chồng thường dùng từ cay nghiệt chì chiết. Nhiều lần anh mắng cô với lời lẽ thô lỗ, tục tằn vì những điều nhỏ nhặt không đáng. Phương ít khi phản kháng vì sợ chồng dùng bạo lực.
Thế nhưng ở bên ngoài, người đàn ông này lại luôn vui vẻ, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, dạy điều hay ý đẹp cho sinh viên. "Có lần vừa quát tôi xong, chồng có điện thoại, ngay lập tức chuyển sang giọng dễ chịu. Tôi hỏi: Sao nhẹ nhàng với người ngoài mà hung dữ với vợ con vậy, anh quay đi không trả lời", người phụ nữ 40 tuổi kể.
"Với cách hành xử như con nhím, họ sẽ tạo ra một thế giới chìm trong mâu thuẫn, phân biệt và tấn công lẫn nhau", bà Nguyễn Thị Minh, giảng viên tâm lý Học viện hành chính quốc gia TP HCM chia sẻ.
Theo bà Minh, động lực để một người trở nên nhã nhặn với bên ngoài xuất phát từ nhu cầu xã hội của bản thân. Họ dùng hình ảnh thân thiện để đạt được những thứ mình cần, chẳng hạn sự giàu có hay tín nhiệm. Còn lý do hành xử thô lỗ, cục cằn với người thân, theo chuyên gia xuất phát từ hiện tượng tâm lý "vùng an toàn".
Nhiều đàn ông coi tổ ấm là "vùng an toàn" của mình, nơi họ không bị bắt nạt hoặc bị tấn công. Ở không gian này, họ thể hiện bản thân mà không lo lắng về những tác động tiêu cực. Trong tiềm thức, những người này có thể vẫn yêu gia đình, luôn dành niềm tin và sẵn sàng trả giá vì người thân nhưng trong thâm tâm họ muốn người nhà phải chấp nhận con người thật của mình, dù nhiều khuyết điểm.
Nguyên nhân thứ hai là nhiều đàn ông Việt có tính gia trưởng, coi vai trò của vợ con thấp hơn mình. Việc nạt nộ giống cách thể hiện uy quyền và bắt mọi người phải phục tùng. Những người này đã quen với sự tốt bụng của người nhà, coi sự tử tế mà người thân dành cho mình là hiển nhiên. Họ cho rằng những việc người thân làm cho mình đều vặt vãnh và đòi hỏi nhiều hơn khi thấy cần.
Ngoài ra, bản chất của những người đàn ông "hai mặt" là tự ti. Họ không dám kiêu ngạo với người ngoài mà chỉ thể hiện trước người nhà nhằm che đậy mặc cảm sâu bên trong.
"Sự tự ti này có thể xuất phát từ gia đình gốc, từ cách sống của cha mẹ ảnh hưởng tới con cái, khiến họ thiếu tôn trọng bản thân, không dám bộc lộ con người thật khi ra ngoài vì sợ bị đánh giá hay chê bôi", bà Minh nói.
Vũ Hòa, ở Đồng Văn, Hà Nam cũng bị vợ chỉ trích là "sống hai mặt". Công việc bận rộn khiến người đàn ông 36 tuổi làm việc 10-12 tiếng mỗi ngày, kể cả thứ 7 hoặc chủ nhật. Thi thoảng rảnh rỗi, để giải tỏa căng thẳng, anh rủ bạn bè lai rai, lúc ở quán, lúc ở nhà. Nhưng vợ không thích điều này, chỉ trích chồng tiêu xài hoang phí, có hôm còn khóa trái cửa nhốt bên ngoài với lý do về muộn. Mâu thuẫn giữa họ tích tụ dần.
Dần dà, anh tỏ ra cục cằn mỗi khi nói chuyện với vợ dù bên ngoài vẫn được đánh giá là người biết cư xử. Vợ nói câu gì Hòa cũng cảm thấy khó chịu, chỉ muốn quát to thậm chí văng tục.
Theo bà Minh, trường hợp "hai mặt" này do người vợ không thấu hiểu, cảm thông và luôn có phản ứng tiêu cực với mọi hành động của chồng, gây ra mâu thuẫn và bất đồng.
Tuy nhiên, dù nguyên nhân nào, gia đình không thể là vùng an toàn của một người. Mỗi cá nhân đều có những áp lực và trách nhiệm khác nhau nên ai cũng mong có được sự bao dung, ấm áp, được tôn trọng và thấu hiểu.
Bởi vậy, khi sống chung với những người chồng "hai mặt", bạn đời sẽ bị ám ảnh bởi sự giả tạo cũng như cảm giác bị đánh lừa. Con người đằng sau "chiếc mặt nạ" sẽ khiến họ chán chường, không còn sự tôn trọng. Cảm giác đó lâu dần tích tụ, khiến không khí gia đình trở nên ngột ngạt. Ai sống trong môi trường đó cũng căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng tới tâm lý chung.
Với những đứa trẻ, nếu xung đột gia đình không sớm khắc phục sẽ làm chất lượng cuộc sống hạn chế, nguy cơ mắc các chứng bệnh tâm thần gia tăng. Hình ảnh, tư duy tiêu cực về mối quan hệ của bố mẹ dần ăn sâu vào tiềm thức, khi trưởng thành những đứa con sẽ sợ hãi hôn nhân, không muốn tạo dựng một gia đình bởi những ám ảnh trong quá khứ. Trẻ cũng trở nên tự ti, không dám thể hiện ra bên ngoài mà lại trút giận mỗi khi về nhà-như cách người lớn vẫn làm.
Là người có nhiều năm nghiên cứu về hôn nhân gia đình, thạc sỹ tâm lý Võ Minh Thành cho rằng, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là người vợ phải góp ý trực tiếp với chồng, chỉ ra cái sai, cái bất hợp lý. Vợ cũng nên chia sẻ cảm xúc thật của bản thân khi chồng cư xử chưa đúng mực để nhắc nhở đối phương khắc phục, điều chỉnh.
"Hai vợ chồng cần thống nhất, tìm ra tiếng nói chung trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày. Ví dụ như đặt ra các nguyên tắc chào hỏi nhau khi đi làm, chia sẻ, không cãi nhau trước mặt người khác", ông Thành nói.
Riêng với đàn ông cần phải học cách cân bằng giữa các mối quan hệ. Nên coi gia đình và giáo dục con cái là sự nghiệp quan trọng nhất mới có cách sắp xếp cuộc sống hợp lý. Cần tích cực chia sẻ với vợ con suy nghĩ của mình để người thân thấu hiểu, đồng cảm hơn.
Hải Hiền