Nhắc đến Anh hẳn là ai cũng nghĩ đến những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, những mảnh đất gắn liền với câu chuyện và nhân vật vĩ đại của nhân loại; hay đơn giản chỉ là những câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn của các du học sinh. Và quả đúng là như thế, những chủ đề đó đều được tôi khám phá, trân trọng và cất lại ở một góc cho riêng mình. Để rồi, có một hôm nào đó, cái góc nho nhỏ đó sẽ được tôi lôi ra mà hoài niệm hay thao thao bất tuyệt kể với người thân và bạn bè, khi tôi không còn được học tập ở nơi này nữa.
Nhưng điều mà đưa tôi đến đây và muốn chia sẻ với các bạn lúc này không phải là những điều đó, mà đơn giản nó chỉ là câu chuyện của những cặp vợ chồng ở tuổi xế chiều. Họ nắm tay nhau thật chặt, dìu nhau đi trên những đoạn đường khó đi, hay thậm chí một người sẽ đẩy xe lăn cho người còn lại khi chồng/vợ của họ không còn đủ sức đứng vững trên đôi chân của mình. Không cần phô trương, không cần mang đồ sành điệu, không cần nói quá nhiều, nhưng những ánh mắt họ trao nhau và những hành động quan tâm nho nhỏ cũng đủ xua đi những cơn gió đột ngột và lạnh lẽo của vùng đất này.
Sở dĩ tôi bị thu hút bởi những cặp ông bà lớn tuổi có lẽ bởi những câu hỏi ngô nghê tôi thường hỏi bố mẹ khi còn nhỏ. Hồi đó, tôi vẫn hay thắc mắc “sao ông bà là vợ chồng mà không đi chơi cùng nhau ạ?” hay “sao ông bà không thích đi chơi xa ạ?”. Và câu trả lời tôi nhận được từ bố hoặc mẹ tôi là “vì ông bà đã nhiều tuổi rồi con ạ”. Lớn hơn một chút, tôi hiểu rằng có lý do liên quan tới kinh tế và có lý do là do ông bà ngại sức khỏe yếu nên không đi được xa. Ông bà khi về già thường không hay đi cùng nhau là vì các ông bà lớn tuổi ở thôn quê đều làm vậy.
Nhưng qua một năm học tập ở Anh, tôi nhận ra một điều rằng những người già ở đây giành thời gian cho nhau nhiều hơn. Các cặp ông bà bỏ qua sự già yếu và tuổi tác. Họ tranh thủ từng ngày nắng ấm để hít khí trời và ngắm cảnh. Tuổi già sẽ qua đi đầy ý nghĩa và tràn ngập tình yêu thương khi các ông bà luôn chăm sóc và sánh bước bên nhau. Thật sự điều này rất ít khi được thấy ở Việt Nam. Đặc biệt ở vùng quê, Hưng Yên, nơi tôi sinh ra và lớn lên.
Portmeirion, ngày 2/10/2015
Tôi không thể ngưng lại mạch cảm xúc và tìm lý do trốn tránh việc ghi lại những khoảnh khắc đáng yêu mà tôi cảm nhận được mỗi lần xuống phố, đi dạo hay đi du lịch ở Anh được nữa. Chuyến đi của ngày hôm nay đưa tôi đến một ngôi làng nho nhỏ và xinh xinh. Đó là làng Portmeirion, thuộc đảo Anglesey ở phía bắc của xứ Wales. Ngôi làng như một nàng công chúa e ấp được bảo vệ bởi những đỉnh núi hùng vĩ của dãy núi Snowdonia và nằm bên cạnh bờ biển xanh ngắt. Tất cả khung cửa sổ hay ghế ngồi ngắm cảnh của ngôi làng đều được sơn màu xanh. Có lẽ đây là một điểm nhấn khá thu hút của ngôi làng.
Cảnh đẹp là vậy nhưng đôi mắt của tôi không ngừng dõi theo bước chân của một cặp ông lão, bà lão. Ông bà chắc cũng tầm 80 tuổi. Tôi ngại ngùng nhìn theo từng cử chỉ, hành động của ông bà. Nó đáng yêu và dễ thương một cách kỳ lạ. Ông nhẹ nhàng đẩy xe quanh khu vườn để cho bà có thể có cơ hội tự tay mình chụp được những góc hình đẹp nhất của ngôi làng Portmeirion. Mỗi tấm hình chụp được bà đều quay lại đưa cho ông xem như thể khoe rằng “tôi đã chụp được tấm hình rất đẹp đó”. Tôi bẽn lẽn chụp hình ông bà rồi mới lại gần xin phép được giữ tấm hình đó.
Tôi bước tới gần biển. Và một lần nữa chứng kiến một cặp ông bà đang ngồi ngắm cảnh và chia nhau những chiếc bánh quy vào buổi trưa muộn. Không gian như tĩnh lại, thế giới như ngừng chuyển động và chỉ có ông bà vẫn đang chậm rãi nhìn về phía trước chiêm ngưỡng cảnh đẹp ở nơi đây. Hình ảnh ông bà trong mắt tôi đẹp đến nỗi tôi chỉ biết chụp hình từ xa và lẳng lặng bước đi. Nắng thật đẹp và xen cùng với đó là cái se se lạnh của gió biển vào những ngày đầu đông.
London, ngày 19/9/2015
London hiện đại mà cũng đầy cổ kính. Sông Thames, cầu tháp London, mắt London, tháp đồng hồ Big Ben và rất nhiều điểm nổi tiếng khác đã làm nên một London đầy hấp dẫn đối với mỗi hành khách du lịch; hay với chính những con người đang sống và làm việc ở nơi đây.
May mắn của tôi khi ngồi nghỉ ở bãi cỏ đối điện với tháp đồng hồ Big Ben là được chiêm ngưỡng những khoảnh khắc tuyệt vời. Trong khi mọi người đang hò hét, vỗ tay và chúc mừng cho một cặp đôi trẻ vừa mới hoàn thành màn cầu hôn, ánh mắt tôi lại dừng mắt tại một điểm khác. Đôi tai tôi vẫn nghe theo tiếng hò reo ầm ĩ, nhưng đôi mắt tôi đang hướng về một cặp ông bà đang tự chụp hình cho nhau. Tôi vui lắm. Vui như nhìn thấy hình ảnh ông bà nội và ông bà ngoại mình vậy. Mặc đù cả ông ngoại và ông nội tôi đều đã mất.
Snowdonia, ngày 29/10/2014
Ông không leo núi được nữa vì đôi chân của ông cần sự trợ giúp của đôi lạng. Nhưng ông và bà là một cặp đôi không thể thiếu trong chuyến hành trình ngắm những ngọn núi của dãy núi Snowdonia, dãy núi cao nhất xứ Wales. Tôi có lại gần và trò chuyện thì được biết rằng ông bà đang hồi tưởng lại ký ức hồi còn trẻ khi họ cùng nhau vượt qua khó khăn và cùng chinh phục đỉnh núi này.
Bangor, ngày 3/10/2015
Nếu có cố viết hết đêm, tôi cũng không thể nêu hết được những cặp ông bà mà tôi từng có cơ hội chứng kiến. Các ông bà sánh bước cùng nhau là điều rất phổ biến ở nơi đây, nhưng lại hấp dẫn tôi hơn bất kỳ điều gì khác. Đôi mắt tôi như cái máy ảnh chuyên nghiệp đã chụp lại được những khoảng khắc đầy yêu thương, trìu mến. Đôi tai tôi dù vô tình hay chủ ý cũng đã thu lại được những câu chuyện của một số ông bà. Mũi tôi đã ngửi thấy mùi của biển, của nắng hay của không khí trong lành nơi mà các ông bà thường hay sánh bước. Miệng tôi có thể cảm nhận được vị ngọt ngào không phải từ viên kẹo chocolate tôi vẫn thường cầm theo khi đi du lịch mà từ cử chỉ, hành động của tình yêu thương và trách nhiệm của các ông bà.
Trái đất vẫn quay. Mặt trời vẫn mọc rồi lại lặn. Và tôi vẫn giữ thói quen dõi theo các cặp ông bà bất cứ khi nào ánh mắt tôi vô tình nhìn thấy. Hình ảnh sánh vai của các cặp ông lão, bà lão ở xứ sở sương mù này ghi lại dấu ấn mạnh mẽ trong tâm trí tôi. Dấu ấn đó như một tia nắng hiếm hoi trong những ngày mùa đông giá rét bất chợt đến mở cửa trái tim của một cô gái ở cái độ tuổi 26. Hơn bao giờ hết, vào chính lúc này (3h 42 phút, ngày 3/10/2015), cô gái đó muốn hét lên tiếng “ Em/ mình đồng ý”, cái mà đã bị cô bỏ lỡ không ít lần.
Tam Le