Chủ nhật, 15/12/2024
Thứ năm, 11/6/2020, 14:24 (GMT+7)

Những nữ VĐV ở xứ chè Thái Nguyên

Bất chấp cái nóng oi nồng và cơ sở vật chất xuống cấp, các nữ VĐV ở Trung tâm Thể dục thể thao Thái Nguyên vẫn miệt mài tập luyện mỗi ngày.

5h sáng, đội vật nữ cùng các đội môn thể thao khác tại Trung tâm Thể dục thể thao Thái Nguyên bắt đầu buổi tập trong ngày. Vào mùa hè, các đội luyện tập hai buổi mỗi ngày, buổi sáng từ 5h đến 6h và buổi chiều từ 15h đến 19h.

Ông Đoàn Văn Công, Giám đốc Trung tâm cho biết tại đây đang đào tạo 132 nữ VĐV trong tổng số 180 VĐV của 15 bộ môn thể thao khác nhau. "Những năm gần đây, các bộ môn như đua thuyền, vật nữ, kickboxing, và muay Thái đã có sự phát triển, mang lại nhiều thành tích tại các giải thể thao trong nước, khu vực và thế giới nên được đầu tư phát triển hơn trước”, ông Công nói.  

Trước đây, do không có địa điểm cố định tại Trung tâm, đội vật phải đi tập nhờ hoặc thuê địa điểm bên ngoài. Dù vậy, nhờ cố gắng không ngừng, đội Vật nữ đã giành được HC vàng tại các giải đấu trong nước và khu vực nhiều năm liên tiếp. 

“Có thời điểm, đội thuê phòng tập trên tầng 4 của chợ, cách Trung tâm khoảng một km. Vào mùa hè, nắng đổ xuống mái tôn càng khiến phòng oi bức hơn, chạm vào thảm tập như bỏng chân. Năm 2018 có phòng tập này, các con cũng đỡ vất vả hơn”, HLV Nguyễn Thị Hằng, gắn bó 14 năm tại Trung tâm chia sẻ.

Lý Thị Mùa, 14 tuổi, quê Lào Cai đến với bộ môn vật gần hai năm. Sau một năm luyện tập tại quê nhà, Mùa được chuyển đến Thái Nguyên để tập huấn. “Có những lúc tập cường độ cao, cùng với thời tiết nóng nực nên em nhanh bị mệt. Nhưng nghĩ đến giải đấu lứa tuổi diễn ra vào tháng 7 sắp tới, em không cho phép mình ngừng cố gắng. Đây cũng sẽ là giải đấu đầu tiên của em”, Mùa nói.

Xuất thân từ gia đình thuần nông tại vùng núi giáp biên giới phía Bắc, các chị đều bỏ dở việc học và lập gia đình khi con trẻ, Mùa đã tự chọn cho mình con đường riêng là thể thao và ước mơ vào Đại học. 

15h chiều, bắt đầu buổi luyện tập thứ hai trong ngày, đội nữ Wushu chuyển ra ngoài tập tại các bóng râm cho thoáng mát.

Kế bên phòng của đội Vật là phòng tập của đội Cử tạ đã tồn tại được hơn 20 năm. Phòng chỉ đủ cho bốn người nhưng hiện có 20 người nên các thành viên phải chia nhau để tập luyện.

Trước khi vào tập, VĐV xoa tay vào bột trắng trong một chiếc chậu. “Bột trắng này làm tăng lực ma sát giữa tay và thanh tạ, đồng thời làm giảm mồ hôi tay. Ngoài ra, em phải quấn khăn ở cổ tay và đeo đai lưng để tránh trẹo cổ tay và đau lưng khi tập tạ có số cân lớn”, VĐV cử tạ Lý Hà Vy nói.

Năm 2019, Nguyễn Thị Hồng Thi giành HC đồng hạng 87kg cho Đoàn thể thao Thái Nguyên. Hiện, Thi là VĐV đạt thành tích tốt thứ hai của đội.   Đội cử tạ nữ gồm tám thành viên, độ tuổi 13 - 25 tuổi. Trước khi được vào đội, mỗi thành viên phải trải qua từ ba đến bốn năm luyện tập tại Trường năng khiếu Thể dục thể thao.

Cứ đến giờ nghỉ trưa, các thành viên đội Vật nữ nộp điện thoại vào một chiếc hộp. "Quy định này nhằm giúp các thành viên đảm bảo giấc ngủ trưa không bị gián đoạn. Nếu không ngủ trưa, thể trạng sẽ nhanh mệt và khó tập trung cho buổi tập chiều", Phùng Thị Huệ, Trưởng đội Vật nữ cho biết.

Trở về phòng sau buổi tập, các thành viên luân phiên nhau tắm rửa, chuẩn bị đi ăn tối tại phòng ở Ký túc xá.

Bữa tối diễn ra từ 18h đến 19h30, tùy theo thời gian tập của mỗi đội. Các suất ăn được chia khẩu phần sẵn, các VĐV tự phục vụ thêm cơm và gia vị.

“Khẩu phần ăn của vận động viên đã được điều chỉnh 120.000 đồng một người một ngày để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và lượng calo cần thiết. Phải luôn nắm rõ số lượng người ăn để tránh lãng phí vì có người ở ngoại trú, đi tập huấn hoặc đi thi đấu”, bà Nguyễn Thị Mai, đầu bếp 13 năm cho các vận động viên cho biết.

Tham gia thể thao, không chỉ xa nhà sống tự lập từ khi còn bé, các VĐV phải đảm bảo việc học văn hóa trên trường lớp không bị gián đoạn. Họ thường tận dụng nguồn sáng trong phòng để học tập.

VĐV Vật nữ Phùng Thị Huệ (27 tuổi, ngoài cùng bên phải) chia sẻ: “Tiền lương của luyện tập thể thao không nhiều nhưng đủ giúp mình có thể tự trang trải học phí từ những năm cấp 3, đỡ được gánh nặng kinh tế cho gia đình. Ban đầu có giấy gọi tham gia đội thể thao của tỉnh, mẹ cũng phản đối lắm vì lo con gái xa nhà vất vả. Với đam mê và cố gắng bền bỉ suốt 11 năm qua, mình đã làm mẹ có thể tự hào bằng việc đạt được hơn 20 huy chương tại các giải”.

Các thành viên đội Vật nữ nghỉ ngơi sau khi kết thúc một ngày luyện tập.   Hiện khu ký túc xá dành cho các VĐV được bố trí ở tầng 2, tầng 3 và một phần tầng 4 của Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh.

Thanh Huế