Trên hành trình trở thành một trong số ít nữ tài xế tuktuk ở Campuchia, Roeung Sorphy, 37 tuổi, không chỉ phải né tránh ôtô, xe máy, mà còn phải vượt qua những lời chế giễu, miệt thị và định kiến.
Campuchia đã đưa ra nhiều chính sách và điều luật thúc đẩy bình đẳng giới, nhưng nhiều người vẫn giữ quan điểm bảo thủ, gia trưởng, cho rằng phụ nữ chỉ nên ở nhà chăm sóc gia đình, dọn dẹp nhà cửa, thay vì đi làm kiếm sống.
Thời gian đầu lái xe trên đường với Sorphy cực kỳ khó khăn. "Ban đầu, các tài xế nam coi thường tôi. Họ nói phụ nữ nên ở nhà rửa bát", cô kể, cho hay từng bị quấy rối và sỉ nhục khi chở khách.
"Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì", cô nói sau khi dọn dẹp xong chiếc tuktuk và trang trí nó bằng hoa sen trắng đang nở.
Sorphy bắt đầu công việc sau khi vay 3.000 USD mua tuktuk, loại phương tiện hai bánh được kéo bằng xe máy. Cô đã lái xe qua những con đường rợp bóng cây ở Công viên Angkor hơn ba năm.
"Chúng tôi không thể chỉ dựa dẫm vào chồng", người phụ nữ có chồng làm lái xe tuktuk kêu gọi phụ nữ tham gia công việc này. "Chúng tôi có thể mạnh mẽ như đàn ông".
Cô thu 15 USD với mỗi khách ngồi xe tham quan khu phức hợp đền Angkor Wat, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Sau nhiều năm, các đồng nghiệp nam cuối cùng đã chấp nhận cô.
"Chúng tôi đã chiếm được cảm tình của họ. Họ không còn phân biệt đối xử với chúng tôi nữa", cô nói. "Tôi rất yêu công việc này. Tôi nghĩ phụ nữ nào cũng làm được".
Báo cáo của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ năm 2020 cho thấy phụ nữ đang đối mặt rào cản mức lương thấp, điều kiện làm việc nghèo nàn, thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em và hạn chế khả năng tiếp cận tài chính, đào tạo.
Để giúp đỡ phụ nữ Campuchia trong lĩnh vực có đa phần lao động là nam giới, tài xế nổi tiếng Kim Sokleang, hay còn gọi là Quý cô Tuktuk, đã thành lập Hiệp hội Tài xế Xe kéo Siem Reap. Nhóm gồm 20 nữ tài xế và 6 người trong số này là mẹ đơn thân giống như Kim.
"Tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ Campuchia vẫn tồn tại", Kim nói trong khi chờ khách ở đền Bayon.
Sau khi ly hôn năm 2013, cô bắt đầu lái xe lam ở thủ đô Phnom Penh để nuôi hai con trai. "Ngày đầu tiên không có khách nào", Kim nói, nhớ lại một phụ nữ đã từ chối lên xe cô.
Nhận thấy nghề này khó tìm khách ở Phnom Penh, người phụ nữ 39 tuổi chuyển đến Siem Reap năm 2015 để chở khách du lịch. Ban đầu rất vất vả, có lúc cô từng khóc nức nở trên xe tuktuk vì không kiếm được cuốc khách nào.
"Họ cho rằng phụ nữ sức yếu, không thể cầm lái và không có sức làm việc như đàn ông", Kim nói.
Bây giờ lòng kiên trì của Kim đã được đền đáp. Quý cô TukTuk được khách hàng trong và ngoài nước khen ngợi mỗi khi tới tham quan điểm du lịch hàng đầu ở Campuchia.
Stine Solheim, du khách người Na Uy và bạn, cho hay cảm thấy "an toàn" khi Kim lái xe và rất ấn tượng với nỗ lực đấu tranh vì phụ nữ của cô.
"Họ thực sự đam mê công việc, thích thú và tự hào", Solheim nói.
Tuktuk là một trong những loại hình giao thông phổ biến nhất Campuchia. Hiệp hội Dân chủ Độc lập, một tổ chức phi chính phủ, ước tính có hàng nghìn tài xế tuktuk khắp Campuchia.
"Là phụ nữ, ban đầu rất khó chấp nhận bản thân là lái xe tuktuk. Tôi chưa từng nghĩ mình làm được", Sieng Meng, 36 tuổi, nói.
Kim cho rằng nếu được chính quyền hỗ trợ, công việc sẽ trôi chảy hơn. "Nếu các quan chức tới và ngồi tuktuk do phụ nữ điều khiển, họ sẽ giúp chúng tôi chống lại định kiến", cô cho hay.
Kim muốn ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào nghề này. Cô dự định mở một nhà hàng tuktuk khi thành viên trong nhóm nghỉ hưu.
"Tôi đã thực sự thành công khi là một tài xế tuktuk", cô nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)