Nữ lao công 29 tuổi vừa thở vừa lục lại trí nhớ xem hôm đó có gom rác ở số nhà 125 hay không. Rồi chị nắn túi quần tìm điện thoại, báo cáo tình hình với tổ trưởng, tổ phó. Tám năm làm nghề, liên tục luân chuyển giữa hai phường Trúc Bạch và Nguyễn Trung Trực, chưa bao giờ Huệ thấy "đen" như lần này.
"Chị ơi, dịch về Trúc Bạch rồi", Huệ nói nhanh. Đầu dây bên này, tổ phó tổ 1, công ty Môi trường Đô thị Hà Nội Phạm Thị Xim, 37 tuổi, đang chuẩn bị ngủ để đi làm ca sáng lúc 4h, cũng giật mình.
Cả đêm hôm đó chị Xim không ngủ. Hơn 15 năm làm công nhân môi trường cũng là ngần ấy năm chị làm việc ở phường Trúc Bạch. Ngày ngày tiếp xúc với bà con, gia đình nào có trẻ sơ sinh hay người giúp việc mới, chị đều biết. Có điều chị không biết mình đã từng tiếp xúc với "bệnh nhân 17" hay chưa và cũng không biết giờ này mình có mang nCoV trong người hay không. Mường tượng ra sự hoang mang của đồng nghiệp, nghĩ đến hai đứa con học lớp 7 và 5, cùng người chồng làm chở hàng ở chợ Đồng Xuân mà chị không khỏi "ruột nóng như lửa đốt".
4h sáng, ngôi nhà nhỏ ở Yên Viên, cách Trúc Bạch 11 km vẫn sáng đèn. Xim xuống giường như một thói quen, dắt xe ra khỏi nhà. "Lòng không muốn đi nhưng chân lại bước", chị kể.
Mất 25 phút chạy xe, chị tới được chỗ làm. "Mệt mỏi và chán" nhưng tay chị vẫn đeo găng, khẩu trang, mặc đồng phục - tất cả nhiều hơn một lớp so với ngày thường - rồi đẩy xe đi. Tiếng chổi tre lại cất lên xào xạc trên con đường đang mùa bàng, lộc vừng thay lá.
Chưa bao giờ chị thấy con phố này hối hả như sáng hôm đó. Dân sợ dịch, đổ xô đến chợ Châu Long, cách Trúc Bạch chừng 100 mét, tay xách nách mang còn hơn cả ngày 29 Tết. Ở Cửa Bắc, cách Trúc Bạch hơn 100 mét, mấy hàng phở đã ninh xương chuẩn bị cho ngày bán hàng mới nhưng lại đổ đi rồi đóng cửa.
Lo mình về muộn hết đồ ăn, chị gọi về bảo chồng mua hai thùng mỳ tôm tích trữ. Anh trai chị ở Thái Bình thuê ngay một chiếc xe chạy lên đưa hai cháu về và tiếp tế cho em gái 5 con gà, 3 kg thịt lợn, mấy bao tải rau và 20 kg gạo.
Chừng 9h sáng, Xim nhận điện thoại từ cấp trên gọi xuống động viên và cử chị dẫn đội xử lý rác thải y tế vào trong khu vực cách ly. "Chân tôi chùn lại", chị nói.
Khi bước vào bên trong hàng rào ngăn nơi đầu phố, Xim nhìn thấy những nhân viên y tế chỉ đeo một lớp khẩu trang đang đo thân nhiệt cho người dân. Chị nhận ra những gương mặt quen thuộc và rất nhiều nhu yếu phẩm được chính quyền Hà Nội chuẩn bị cho họ trong những ngày cách ly sắp tới. Ai nấy đều nghiêm túc chứ không hối hả như bên ngoài. Người nữ lao công lập tức tham gia vào đội đưa túi đựng rác, bột khử trùng và bình xịt, hướng dẫn bà con quy trình xử lý rác thải phòng dịch.
Trước lúc ra khỏi khu cách ly, một cán bộ phường gọi chị Xim đưa cho chai nước diệt khuẩn và đồ ăn với lời nhắn "cho em chai nước này để an toàn hơn khi làm việc". "Chính câu ấy khiến lòng tôi đang loạn được dịu lại", nữ lao công bộc bạch.
Tổ vệ sinh môi trường số 1 phụ trách địa bàn hai phường Trúc Bạch và Nguyễn Trung Trực kéo dài từ đường Thanh Niên tới bốt Hàng Đậu, có tổng cộng 17 công nhân vệ sinh, chia thành ba ca làm việc trong ngày. Đặc thù công việc luôn phải đối mặt với nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm.
Trước đây, nỗi sợ lớn nhất của Xim, Huệ là những lần thu gom kim tiêm ở vườn hoa và điểm trung chuyển xe buýt. Nhưng trận dịch này khiến tất cả họ suy sụp. Dịch bệnh quá mới, thời gian ủ bệnh, lây lan lúc nào không ai biết. "Ca đêm có 12 người nhưng hôm 7/3 có 5 người xin nghỉ vì sợ", chị Xim cho hay.
Một ngày sau, lãnh đạo công ty và nhân viên y tế quận đã đến hướng dẫn toàn tổ về cơ chế lây lan, cách phòng dịch và từ đó hàng ngày đo thân nhiệt hai lần vào đầu và cuối ca. Mỗi người được trang bị thêm đồ bảo hộ, dung dịch sát khuẩn, nước nhỏ mắt, súc miệng...
Tổ trưởng Lê Minh Thịnh cho biết: "Tất cả chị em trong tổ đều chưa từng tiếp xúc với bệnh nhân số 17. Qua giải thích cặn kẽ của nhân viên y tế, chúng tôi hiểu được cơ chế truyền bệnh, đến khi qua được chúng tôi thì đã xác suất chỉ còn rất nhỏ". Chị Thịnh cũng kiến nghị cho toàn tổ được test Covid-19 để mọi người yên tâm.
Vài hôm nay, đội công nhân môi trường số Một, Ba Đình còn được UBND phường Trúc Bạch tặng suất cơm và đồ bảo hộ mỗi ngày. Những quan tâm kịp thời giúp 17 công nhân cảm nhận "đằng sau có người tiếp sức", yên tâm làm việc. Nữ công nhân Lê Thị Huệ sau vài ngày nghỉ ngơi ổn định tâm lý, đã bắt đầu đi làm lại.
Về phần mình, chị Xim tự nhủ "hết lo nhưng không được lơ là cảnh giác". Tối 10/3, chị lôi một chiếc khẩu trang mới đeo vào đi ngủ, đồng thời xua chồng sang phòng khác.
Gắng sức đẩy chiếc xe rác cao ngất ra khỏi hầm, cửa vừa đóng, nữ công nhân môi trường Nguyễn Thị Quyên (53 tuổi) mới dám thở hắt.
Qua hai lớp khẩu trang, chị gọi thêm một đồng nghiệp đến trợ giúp. Cả hai hò nhau đẩy xe rác lên con dốc, mồ hôi túa ra ướt đẫm. Giữa trưa tháng 3, trời đã nóng như mùa hè.
Trước Tết chị Quyên chỉ làm vườn ở khu vực ngoại cảnh, nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, 2 trong số 3 công nhân vệ sinh tầng hầm của một khu đô thị tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm nghỉ việc, chị được điều động xuống tăng cường. Ngày đầu làm việc, vừa mở hầm rác, mùi hôi ộc ra khiến đầu óc choáng váng, chị Quyên nôn mật xanh mật vàng.
Hơn 30 năm trồng lúa và chăn nuôi ở quê, chưa khi nào người phụ nữ 53 tuổi nghĩ mình sẽ ra khỏi lũy tre làng. Nhưng dịch tả lợn châu Phi đầu năm 2019 đã cướp hết bao năm công sức của chị. Hàng chục con lợn sề làm giống lăn ra chết, lỗ hơn 100 triệu đồng, trong đó phần nhiều là đi vay. Nghe hàng xóm rủ rê, hàng ngày chị dậy từ 5h sáng, đi xe máy ra tận Xuân Phương làm công nhân vệ sinh.
Tháng 2/2020, khi dịch Covid 19 xuất hiện tại Việt Nam, khu chung cư chỗ chị Quyên làm việc có người Trung Quốc nghi mắc bệnh khiến dân tình xôn xao. Chị em cùng làm lo lắng, có người đánh tiếng xin nghỉ, chị gạt đi: "Cứ vệ sinh cẩn thận, lo gì lây nhiễm", chị trấn an mọi người.
Trước đây mỗi khi làm việc chị Quyên chỉ sử dụng một chiếc khẩu trang, giờ dịch bệnh chị đeo một lúc 2 cái, phía trong là khẩu trang y tế kháng khuẩn, phía ngoài là chiếc mũ khẩu trang che kín khuôn mặt, chừa ra 2 mắt. Chị cũng sắm thêm một chiếc găng tay vải đeo bên trong chiếc găng tay cao su dài tới khuỷu. Quần áo thay ra mỗi khi dọn hầm rác cũng được ngâm bằng xà phòng và nước nóng thật kỹ rồi đem phơi ở chỗ nắng ráo. Trời ẩm chị dùng máy sấy tóc để sấy.
"Chúng tôi được người quản lý dặn dò phải rửa tay thường xuyên, tránh đưa tay lên mặt. Làm gì cũng đeo găng tay và có lọ cồn khô sát khuẩn trong túi nên cứ yên tâm làm việc thôi", chị Quyên nói rồi cho biết: "Chỗ làm của tôi có bà cứ 15 phút lại xịt cồn sát trùng một lần, đi từ nhà ra cổng lấy đồ cũng phải đeo khẩu trang ".
Người mà chị Quyên nhắc tới là chị Hạnh (48 tuổi), quê Phúc Thọ, Hà Nội, làm vệ sinh tại khu chung cư đã được nửa năm. Trước Tết, chị Hạnh làm vệ sinh các tầng sinh hoạt, nhưng sau được điều xuống bổ sung dọn hầm rác do thiếu người.
Những ngày đầu với chị Hạnh cũng như ác mộng. Có khi đang lúi húi dọn, dân trên tầng vứt rác vào hộc, không tránh kịp, nước đen xì bắn lên người tung tóe. Hạnh cho hay ngày nào chị cũng phải vứt đi chiếc áo ngoài vì hôi thối. Trưa ăn cơm, thức ăn vừa đưa lên miệng cũng khiến chị nôn nao.
Gần đây khi Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo vệ sức khỏe, mỗi khi dọn vệ sinh chị Hạnh đeo một lúc 2 khẩu trang, trong y tế, ngoài vải. Trước khi bắt đầu công việc, chị xịt cồn sát khuẩn trực tiếp vào khẩu trang, quần áo, thậm chí lên cả mặt để "diệt hết cái lũ virus".
"Có hôm đi đám cưới tôi đeo khẩu trang đến lúc ăn khiến mọi người ở quê nhìn chằm chằm kiểu như người ngoài hành tinh", chị Hạnh cười nói và cho hay chị không lấy làm xấu hổ vì điều đó.
"Thời buổi dịch bệnh, muốn sống khỏe phải giữ gìn thế. Đâu phải giữ cho mình mình, còn những người xung quanh nữa", chị nói.
Dương Hiền Nga