Sáng sớm hôm nọ lên mạng thấy bài báo về nơi có bán bát phở 750.000 đồng, mình ước ao được phi ngay về Việt Nam cùng ba mẹ đi ăn thử. Lần nào mẹ đi ăn phở cũng cười rất tươi: "Lâu lắm rồi mới ăn phở thế này con nhỉ!". Vậy mà từ khi biết trong phở có đủ thứ chất điều vị, phụ gia độc hại, thịt cũ, phooc-môn... cả nhà tôi chỉ còn quây quần bên mâm cơm nhà. Đến hôm nay biết được nơi bán bát phở thật sự chất lượng và hợp vệ sinh, nhưng chưa kịp xỏ dép vào thì đã bị "tát" ngay vào mặt: "Đồ trọc phú! Tiền đấy để làm từ thiện!"
Để tôi kể thêm cho các bạn về nỗi khổ của tôi, và một ít của ba mẹ tôi:
Nhà tôi thì cũng mới "giàu" vài năm trở lại đây thôi, nhưng trước kia thì cũng thuộc hàng khá giả. Vậy cho nên từ ngày đầu vào cấp 2, tôi đã được "tặng" cho cái biệt danh là "thằng công tử bột". Lý do là vì tôi mặc một cái áo ấm rất đẹp mẹ mua cho từ Pháp. Và tôi bị cô lập.
Mỗi khi bị điểm thấp hơn 8, cô giáo/ thầy giáo hay gọi tôi là "thằng nhà giàu mà vô dụng", "cái thứ này chỉ ăn bám bố mẹ chứ có ra gì", hay "mày tưởng mày có tiền là mày hơn người ta sao?". Và tôi chỉ im lặng, im lặng, và im lặng. Im lặng với hạnh kiểm tốt trong học bạ. Im lặng với bịch khăn giấy, một cách ủy mị. Bạn bè cười khoái trá. Thầy cô hả hê.
Đóng tiền quỹ hàng tháng: tôi chẳng bao giờ khất hẹn. Mặc dù ba mẹ cũng chỉ cho tôi 5 nghìn mỗi ngày đi học thôi, nhưng mỗi khi thu không đủ tiền, tổ trưởng lại la lên "X cho A/B/C mượn tiền đi! Lát phải nộp rồi!". Vẫn chỉ biết im lặng, và sẽ nhận được câu nói: "Giàu mà keo!".
Hè về Việt Nam chơi. Tôi ra chợ mua vài thứ nấu cho ba mẹ một bữa cơm. Cũng chỉ mặc Calvin Klein - rất đơn giản và kín đáo. Nhưng chắc là con trai đi chợ, nên các thứ cũng đội lên theo chiều cao của con trai: chanh 8.000, tỏi 8.000 đồng... Nghĩ bụng bảo thôi kệ, cho họ, chiều muộn mà vẫn phải ngồi bán. Tội nghiệp. Vừa quay đi vài bước thì lại những câu quen thuộc: "Gớm! Giàu lắm á mày!". Giấu mặt ở trên này, tôi nói dối cũng chả làm mặt mũi tôi nở được bông hoa nào...
Tôi đeo một chiếc túi hiệu, đi giày tốt, quần áo đẹp để đi gặp một người bạn. Kế hoạch trục trặc, tôi bèn vẫy một chiếc xe ôm thay vì taxi. "Cho tiết kiệm" - tôi nghĩ. Ông xe ôm nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi từ chân đến đầu mới ra giá: 100 ngàn! Quãng đường từ Maximark Cộng Hòa đến tiệm kem Bud's trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tôi nghĩ chỉ có 25 nghìn là cùng.
.
Ra Huế chơi, tôi thuê xe ôm một buổi trưa (từ 10h sáng - 3h chiều). Tôi nghĩ họ lấy chắc cũng chẳng bao nhiêu nên khi anh xe ôm bảo: "Em đừng lo, mình là người Việt với nhau!", tôi cũng mặc kệ, nghĩ bụng bảo chắc trăm mấy hai trăm. Kết thúc chuyến đi, anh hét "1 triệu", tôi buồn buồn, móc ví ra: "Em trả anh 1 triệu, nhưng em biết em bị chém rồi." Ngẩng mặt lên thì thấy anh xe ôm nhìn chằm chằm vào ví "kìa kìa có 10$ kìa, cho anh tiền xăng!".
Ba mẹ tôi, đi làm quên sống quên chết, về tới nhà là "mẹ mệt quá con ạ" rồi trèo lên giường đi ngủ từ 9h tối. Nhiều hôm 3h sáng tôi dậy thấy mẹ cứ ngồi máy tính gõ lách cách, cà phê một cốc đầy trước mặt. Lúc đó các bạn nghĩ tôi xót mẹ hay xót mấy em lang thang mà mỗi lần tôi vừa ngồi vào bàn ăn vặt với bạn thì quỳ ngay trước mặt, giơ mũ ra, rồi quay sang nói chuyện với nhau? Nếu các bạn không đoán được thì tôi xin nói là tôi xót mẹ. Và! Tôi chỉ muốn mang tiền ba mẹ cho tôi, sáng hôm sau chạy ra Vincom mua một món đồ đắt tiền và gói ghém thật đẹp làm một món quà cho mẹ thôi.
Nhân viên nghỉ việc, chuyện gia đình, à nhưng tăng lương thì sẽ ở lại. Tài xế nghỉ việc, lớn tuổi rồi, 30 rồi, phải tìm công việc khác. Hôm sau vẫn thấy đến. Tăng lương. Nhân viên ăn cắp, giúp việc ăn bớt. Cũng phải cho qua tuốt, có cho thôi việc cũng phải nhẹ nhàng. Con đi học xa nhà mà toàn lo lắng ba mẹ bị bọn ăn trộm ăn cắp... trả thù. Chẳng biết trả thù là chính hay quay lại lấy cớ đòi thêm chút.... tiền.
.
Con đi học thấy bạn kia cũng xinh và hiền, nói chuyện được chưa bao lâu thì nhìn lên facebook lại thấy dòng chữ quen thuộc "nhà thằng này giàu lắm!". Tiền, tiền, tiền. Ai cũng muốn giành một chút tiền. Tiền mặt. Có thì tìm cách lấy ngay. Còn khi không có, sẽ cầm cái túi hàng hiệu lên ngắm nghía rồi móc máy: "Bao nhiêu người KHỔ - ĐẦY RA ĐẤY!".
Họ hàng ở quê lên, thăm hỏi tâm sự chẳng thấy, chỉ thấy nằm ườn trong phòng và khi về là phải có chút tiền "gọi là". Ở quê gởi giấy ra bảo trong họ góp tiền xây này xây nọ, cứ tính theo đầu người mà góp.
Em trai 13 tuổi cũng tính như thế. Đi taxi chẳng bao giờ có tiền thối. Ăn hàng cũng nhận được câu: "không có tiền lẻ!".
Vậy mà bà và mẹ vẫn cứ tìm tổ chức này tổ chức nọ để quyên góp. Quần áo cũ, sách vở, giấy tập và tất nhiên cả... tiền bạc nữa, đều được cho đi với một nụ cười.
Trước mặt chúng tôi luôn cư xử hòa nhã với mọi người, lịch thiệp và có chút gì gọi là hào phóng. Nhưng sau lưng chúng tôi thì bị in đầy những lời lẽ cay độc, tục tĩu, cay nghiệt: hết "trọc phú" rồi lại "quý tộc đời đầu". Chúng tôi phải làm sao nhỉ, cho hết tiền của mình cho các bác xe ôm này, các em bé ăn xin này, họ hàng nghèo này và tất cả mọi người chúng tôi có thể cho. Cho bằng hết! Tôi sẽ tặng mẹ cái giỏ mua ngoài chợ Phạm Văn Hai và thỉnh thoảng đưa mẹ đi ăn bát phở phụ gia cho tiết kiệm này. Mua cho ba một quả, à, cả rổ táo nhuộm chất bảo quản.
- "Đấy! Phải như thế chứ! Người ta giàu mà nhân ái như thế! Có yêu, có thương không cơ chứ!"
- " Uh thương thì thương nhanh nhanh lên rồi tìm đứa nào giàu hơn mà nói chuyện chứ chúng nó có gì để mà cho đâu!".
Ba mẹ tôi chắc chẳng bao giờ viết ra những lời như thế.
Còn tôi, tôi thì chưa từng được một người bạn nào mời tôi một bữa sáng giản dị, như ổ bánh mì 5.000 đồng chẳng hạn, chưa từng có bạn nào tặng tôi một đôi dép đi biển bằng cao su. Năm lớp 9 tôi đi sinh nhật một người bạn với cái đĩa CD 35.000 đồng trong tay, khi ấy là số tiền khá lớn đối với tôi, vì ba mẹ phát tiền theo ngày tới khi tôi học cấp 3. Mặt mày hớn hở trao quà cho bạn, tôi nhận được một câu tôi không bao giờ quên: "Chài ai chàiiii! Tưởng giàu lắm! Biết vậy khỏi mời".
Có thể tôi sẽ quấn lá nho đi học đại học để tiền mua quần làm từ thiện để đức cho con. Có thể thằng bé sẽ không phải chịu khổ như tôi.
Ánh Dương