Vừa có thể ngắm cảnh biển, tham gia các môn thể thao như bơi, lặn, lướt sóng... du khách vừa được tự tay viết bưu thiếp đặc biệt để bỏ vào các thùng thư đặt sâu tới hàng chục m dưới nước.
Pulau Layang-Layang, Malaysia
Cục bưu chính Malaysia phá vỡ kỷ lục về những thùng thư dưới biển vào năm 2015 khi cho ra mắt một thùng thư đặt tại độ sâu 40 m. Những tấm bưu thiếp gửi từ đây đều được đóng dấu bưu điện chống nước và dán tem có logo của dự án Malaysia Book of Records (dự án lưu lại những kỷ lục do người Malaysia lập).
Đảo Hideaway, Vanuatu
Bưu điện dưới nước nằm ngoài khơi đảo Hideaway thuộc Vanuatu là một trong những hộp thư nổi tiếng nhất thế giới. Nó được dựng vào năm 2003 và nằm dưới mặt nước 3 m. Tại đây bạn có thể tìm thấy những chiếc bưu thiếp chống nước để tự tay viết và bỏ vào thùng thư.
Vào thời điểm cố định, một nhân viên bưu điện sẽ lặn xuống và lấy các tấm bưu thiếp để đóng dấu ngay dưới nước trước khi đem đi gửi. Các tấm bưu thiếp chống nước này được đóng dấu nổi để tránh tình trạng nhòe, ướt.
Vịnh Susami, Nhật Bản
Trước khi có hộp thư cùng loại ở Malaysia thì thùng thư ở Susami có vị trí sâu nhất thế giới, cách mặt biển 10 m.
Thùng thư tại Susami được xây năm 1999, để tăng cường hút khách tới con đường hành hương Kumano Kodo và các khu vực xung quanh phía nam Wakayama bán đảo Kii. Toshikiko Matsumoto, giám đốc bưu điện thị trấn, cũng là người đưa ra ý tưởng làm thùng thư đặt dưới biển.
Du khách có thể mua các tấm bưu thiếp chống nước từ một cửa hàng địa phương, viết lời nhắn bằng bút marker và lặn xuống biển để tự tay thả vào thùng thư đỏ. Vài ngày một lần, nhân viên sẽ tới để thu hết các bưu thiếp trong thùng và đem về bưu điện địa phương.
Thùng thư ở Susami nhận được 1.000 - 1.500 thư và bưu thiếp mỗi năm. Đến nay nơi đây đã nhận được 32.000 bưu thiếp
Bahamas
"Sea Floor" tại Bahamas không còn nhưng đây là thùng thư dưới nước đầu tiên trên thế giới vì được làm từ năm 1939.
Nhiếp ảnh gia Mỹ, John Ernest Williamson là người tiên phòng trong phong cách chụp hình dưới nước, cũng là người nghĩ ra ý tưởng lập hộp thư ở Bahamas. Năm 1912, Williamson thiết kế một buồng với cửa sổ kính dày có thể thả xuống đáy biển. Bên trong căn buồng đặc biệt này, ông gọi tên là "Williamson Photosphere", nơi nhiếp ảnh gia có thể quan sát các sinh vật dưới biển và chụp hình.
Năm 1939, bộ phim về hành trình khám phá biển Bahamas Williamson bắt đầu được ghi hình. Để tạo thêm sự chú ý của công chúng về bộ phim, thùng thư "Sea Floor" được lập nên và chỉ duy trì tới năm 1941. Năm 1965, Cục bưu chính Bahamas đã in một bộ sưu tập tem để kỷ niệm về thùng thư đặc biệt này.
Risor, Na Uy
Một hộp thư dưới nước đặt tại thị trấn Risor, bờ biển phía nam Na Uy, được làm từ một chiếc chuông cung cấp dưỡng khí cho người lặn, và là hộp thư dưới nước khô ráo duy nhất trên thế giới. Nó được đặt ở độ sâu 4 m gần một bến tàu. Du khách tới bến tàu, bỏ thư hoặc bưu thiếp của mình vào túi chống nước sau đó thả xuống. Bên trong hộp thư là môi trường khô ráo, thư và bưu thiệp được đóng dấu và gửi đi như bình thường.