Từ năm 2001, nhiếp ảnh gia người Hàn Quốc Ahn Sehong, 42 tuổi, bắt đầu chuyến thăm đến những ngôi làng hẻo lánh ở Trung Quốc để tìm hiểu về cuộc đời của những người phụ nữ bất hạnh trên. Họ là những người đã bị ép phục vụ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản trong Thế chiến II và bị kẹt lại Trung Quốc sau chiến tranh. Trong hình là bà Kim Sun-ok, sinh năm 1922, bị bắt đi quân dịch năm 1942, tại Shimenzi, Trung Quốc. Bà đã nỗ lực bằng nhiều cách để cội nguồn trong mình không bị phai mờ. Bà mặc hanbok, nói tiếng Hàn Quốc và hát Arirang, một loại dân ca truyền thống của nước này. |
Ông Ahn đã theo chân 13 trong số những phụ nữ trên. Họ hiện đều ở trong độ tuổi 80, 90, đã rời xa quê hương quá lâu và một số người không còn nói được tiếng Hàn Quốc nữa. Trong hình là bà Lee Su-dan, cũng sinh năm 1922 và bị bắt đi quân dịch ở Shimenzi năm 1940. |
Năm 1970, tức 30 năm sau khi rời khỏi quê hương, bà Lee nhận được một bức ảnh của gia đình gửi từ Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Bà đã mất liên lạc với gia đình từ lâu. Những người phụ nữ như bà Lee đều bị dụ dỗ sang Trung Quốc bằng những lời mời làm việc bình thường hoặc bị quân đội Nhật Bản ép phục vụ "tình nguyện". Họ kể lại việc bị cưỡng hiếp thậm chí trước khi đặt chân đến Trung Quốc, nơi họ phải quan hệ tình dục với 10 đàn ông một ngày. |
Bà Park Dae-im, sinh năm 1912, bị bắt đi quân dịch năm 1934, và đưa đến một nhà chứa ở Mukden, nay là thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc. Bà đã được cấp giấy phép cư trú dành cho người nước ngoài. Đây là giấy chứng nhận duy nhất của bà Park nên bà cất giữ nó rất cẩn thận. |
Khi bị đưa sang Trung Quốc, bà đã có một con trai 8 tháng tuổi. Bà đưa cậu bé đi cùng trong suốt thời gian làm nô lệ tình dục. |
Bà Park có một ước nguyện nhưng không thành hiện thực, đó là khi qua đời sẽ được chôn cất ở quê nhà. Bà đã nằm lại trên đất Trung Quốc, ở tuổi 101. |
Bà Bae Sam-yeop sinh năm 1925 và bị bắt đi quân dịch năm 1937, tại Bao Đầu, Nội Mông, Trung Quốc. Bà bị cướp mất trinh tiết từ năm mới 13 tuổi bởi một sĩ quan cấp cao Nhật Bản. |
Nô lệ tình dục là một trong những vấn đề nhạy cảm giữa người Triều Tiên/Hàn Quốc và Nhật Bản. Sự phẫn nộ quanh số phận của những người này bùng lên mới đây khi một chính trị gia của Nhật phát biểu rằng việc có những nhà chứa cho quân đội phát xít Nhật khi đó là "cần thiết". Tuy nhiên hôm qua ông ta đã rút lại lời, nói rằng ý của ông đã bị hiểu sai đi. Trong ảnh, bà Park Seo-un sinh năm 1915 và bị bắt đi năm 1934. |
Hiện bà vẫn còn sống nhưng do các di chứng lịch sử, bà không thể có con. "Không có gia đình hay ai hỗ trợ họ", nhiếp ảnh gia Ahn nói. "Vì họ từng là nô lệ tình dục nên rất khó để kiếm được một tấm chồng tử tế. Một số người bị cưỡng hiếp và đánh đập khi cưới. Hầu hết họ không có con, sống lay lắt với sự giúp đỡ ít ỏi từ những người hàng xóm". |
Bị bỏ rơi ở những vùng nông thôn khi Thế chiến II kết thúc, những nô lệ tình dục ngày nào càng bị cô lập hơn sau chiến tranh Triều Tiên, khi Trung Quốc không có quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc. Chính phủ Triều Tiên có đưa ra một số hỗ trợ và quyền công dân cho họ những hoạt động này đã chấm dứt vào những năm 1980. Rất ít người trong số họ muốn sang Triều Tiên vì điều kiện sống ở đó còn khó khăn hơn. |
Bà Lee và bà Kim nắm tay nhau đi trên mảnh đất nơi từng là nhà chứa ở Shimenzi, chôn vùi tuổi thanh xuân của hai người. Tháng 3 vừa qua, Ahn Sehong đã tổ chức một buổi triển lãm các bức ảnh trắng đen trên tại New Jersey, Mỹ. Triển lãm thu hút rất đông khán giả, phần lớn là người Hàn Quốc, đến xem và khám phá một phần lịch sử của dân tộc. Ahn cho hay trong số 9 phụ nữ có mặt trên những bức ảnh tại triển lãm, chỉ có 3 người còn sống. Ông hy vọng dự án của mình sẽ giúp nâng cao nhận thức và giúp đỡ cho những phụ nữ bị bỏ quên. "Chúng ta đã không thể quan tâm đến họ sau chiến tranh. Nhưng bây giờ chúng ta có tiền bạc và sức mạnh để giúp đỡ họ", ông nói. "Hàn Quốc phát triển quá nhanh nhưng vì thế mà mọi người cũng quên đi những ký ức chiến tranh quá dễ dàng". |
Anh Ngọc (Ảnh: NY Times)