Nếu thành tích của bạn tốt, sếp không nên chỉ bạn cách làm
Cho dù làm tốt công việc của đến đâu, mọi người đều cần được hướng dẫn, định hướng và hỗ trợ để thành công. Tất cả nhân viên cần đảm bảo công việc của họ hỗ trợ sứ mệnh chung của công ty. Các nhóm cần có mục tiêu và được đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể để đáp ứng các mục tiêu đó.
Các cá nhân cần được đưa ra thời hạn cụ thể, thời hạn rõ ràng và tiêu chuẩn hiệu suất hợp lý. Sếp là người cần truyền đạt những yêu cầu này tới các cấp dưới trực tiếp và đảm bảo rằng họ luôn đi đúng hướng.
Hãy nghĩ về các vận động viên chuyên nghiệp: Họ có bao giờ ngừng tập luyện hoặc làm việc với huấn luyện viên không? Cách duy nhất để trở thành một người có thành tích cao và duy trì hiệu suất cao là tìm kiếm sự hướng dẫn của một đồng nghiệp có kinh nghiệm hơn, thường người đó là sếp.
Để sáng tạo trong công việc, bạn cần được ở một mình để làm mọi thứ theo cách riêng của mình.
Nếu thực sự muốn sáng tạo trong công việc, điều đầu tiên bạn cần biết chính xác điều gì được và điều gì không phụ thuộc vào mình.
Biết các yêu cầu của mọi nhiệm vụ, trách nhiệm hoặc dự án giúp bạn hiểu rõ lựa chọn nào là của mình và lựa chọn nào nằm ngoài tầm kiểm soát. Khi bối cảnh có quyền kiểm soát trở nên rõ ràng, bạn có thể tự do thực hiện và sở hữu sự sáng tạo.
Nếu ai đó đang được đối xử đặc biệt, bạn cũng nên được như vậy.
Đối xử với mọi người như nhau, bất kể thành tích của họ như thế nào là hoàn toàn không công bằng. Nếu ai đó đang được đối xử đặc biệt mà bạn mong muốn hoặc cảm thấy mình xứng đáng, hãy tìm hiểu chính xác người đó đã làm gì để được đối xử đặc biệt đó. Chính xác là bạn cần làm gì để nhận được sự đối xử đặc biệt theo cách bạn muốn.
Nếu đồng nghiệp đang nhận được phần thưởng mà bạn không nhận được, hãy coi đó như một cuộc kiểm tra thực tế lớn. Điều bạn cần là đánh giá công bằng và chính xác về hiệu suất của mình để có thể liên tục cải thiện, kiếm được nhiều phần thưởng hơn.
Con đường dẫn đến thành công là phục vụ cho phong cách và sở thích của sếp.
Đúng là bạn cần sắp xếp bản thân sao cho phù hợp nhất có thể với những gì phù hợp với từng ông chủ. Một số sếp thích trình bày văn bản, những người khác thích báo cáo miệng.
Nhưng bạn không thể thỏa hiệp với những yếu tố cơ bản mà bạn cần để thành công: kỳ vọng rõ ràng và thực tế trong từng bước, nguồn lực cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ, phản hồi công bằng, chính xác và trung thực, sự công nhận và phần thưởng phù hợp.
Kết bạn với sếp của bạn là chiến lược thông minh.
Chính trị tại nơi làm việc thông minh nhất là giữ cho các mối quan hệ công việc của bạn tập trung vào công việc. Tình bạn giả dối là một sự lãng phí thời gian và tình bạn thực sự mang lại điều tuyệt vời cho cuộc sống cá nhân, nhưng có thể làm phức tạp thêm tình hình tại nơi làm việc.
Điều đó không có nghĩa không hoặc không nên xảy ra tình bạn thực sự ở nơi làm việc. Tình bạn thực sự phát triển theo thời gian, gồm cả tình bạn với những người là sếp. Chiến lược tốt nhất tại nơi làm việc là xây dựng các mối quan hệ đích thực bằng cách phát triển mối quan hệ chân chính về công việc.
Tránh sai lầm là cách tốt nhất để đạt năng suất.
Khi những sai lầm và rắc rối xảy ra, bạn có nhiều khả năng giải quyết khi chúng vẫn còn nhỏ và có thể kiểm soát được.
Những lỗi nhỏ bị bỏ qua và không giải quyết, đôi khi sẽ trôi đi nhưng vẫn có khả năng tái diễn. Những vấn đề nhỏ lặp đi lặp lại không ngừng gây ra những cuộc đối đầu khó khăn khi đồng nghiệp hoặc sếp bùng nổ trong thất vọng.
Đôi khi những sai lầm và rắc rối nhỏ cứ âm ỉ và lớn dần, theo thời gian, trở thành rắc rối lớn. Giải quyết một vấn đề lớn khó khăn hơn nhiều so với việc ngăn chặn vấn đề đó ngay từ đầu hoặc giải quyết khi nó còn nhỏ. Thêm vào đó, giữa một rắc rối, cả bạn và sếp không ở trạng thái tốt nhất.
Nếu bạn đưa việc giải quyết rắc rối thường xuyên vào cuộc đối thoại trực tiếp đang diễn ra với từng sếp, thì 9 trong số 10 rắc rối về hiệu suất sẽ được giải quyết nhanh chóng và dễ dàng hoặc sẽ tránh được hoàn toàn.
Sếp hay dạy dỗ, đào tạo là không nên.
Được chỉ dạy là cơ hội để cải thiện. Hãy thể hiện cho sếp biết bạn rất hoan nghênh những phản hồi thẳng thắn một cách chi tiết, cả tích cực và không tích cực. Cố gắng biến mọi cuộc trò chuyện trực tiếp với sếp thành một buổi huấn luyện.
Nếu bạn không phải là người quảng giao, khó thăng tiến ở nơi làm việc.
Dù có phải là người được tất cả mọi người ở công ty biết đến hay không, hãy học và thực hành tư duy phục vụ rồi bạn sẽ trở thành người được mọi người tin tưởng.
Một số người có sức thu hút khác thường, tinh ý, dễ tiếp thu, nhanh trí, ăn nói lưu loát, hấp dẫn, tràn đầy năng lượng và dễ mến. Nhưng điều đó không giúp họ thăng tiến nếu không tập trung vào những gì đang làm.
Một số sếp quá bận để gặp nhân viên.
Dù bận đến đâu, không có chuyện sếp quá bận để gặp bạn. Khi bạn không trao đổi trực tiếp với ông chủ, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ, đôi khi rất sai lầm. Bởi vì kỳ vọng thường không rõ ràng, hiểu lầm xảy ra, bạn không nhận được kiến thức bạn cần, không nhận được phản hồi thường xuyên. Ngay cả khi thành công bất chấp mọi khó khăn, bạn có thể sẽ không nhận được sự tín nhiệm xứng đáng.
Nếu đảm bảo rằng thời gian sếp dành cho bạn là hiệu quả và được đền đáp bằng năng suất, bạn sẽ nổi tiếng là người tận dụng tốt thời gian của cấp quản lý.
Nhật Minh (Theo Psychology Today)