Chiều 28/3, TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) xét xử Phan Thế Thượng (63 tuổi) cùng Trần Văn Giang (36 tuổi) ra xét xử về hành vi Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn và Vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường thủy.
Đây là lần thứ 3 vụ án cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai bị sà lan đâm sập được đưa ra xét xử, sau nhiều lần trả hồ sơ để làm rõ trị giá tài sản thiệt hại.
Theo cáo trạng, Thượng giao cho Giang lái tàu kéo sà lan chở cát từ Trà Vinh lên Đồng Nai. Trưa 20/3/2016, tàu đi trên sông Đồng Nai thì bị tắt máy, sà lan trôi tự do sau đó đâm sập mố cầu Ghềnh khiến hai nhịp cầu sập xuống sông. Vụ tai nạn khiến đường sắt Bắc - Nam tê liệt hơn 3 tháng, thiệt hại về kinh tế được đánh giá rất nghiêm trọng.
Khác với những phiên tòa trước, hội đồng định giá tài sản thiệt hại trong tố tụng hình sự và điều tra viên của vụ án được mời đến đối chất. Họ cho biết, qua nghiên cứu hồ sơ từ Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn, xác định giá trị thiệt hại trong vụ án chừng 21 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Hải Đức (bào chữa cho các bị cáo), việc thẩm định giá như vậy là sai quy định. "Họ định giá thiệt hại mà dựa theo hồ sơ của đơn vị bị hại chứ không ra thực địa hiện trường, làm sao biết vật thể hư hỏng có giá thị trường thế nào? Kết luận này đã được Cục quản lý giá khẳng định không đúng", luật sư Đức nói.
Tại tòa, nhiều câu hỏi của chủ tọa cũng như luật sư liên quan quy trình và kết luận định giá thiệt hại trong vụ án không được các thành viên trả lời rõ ràng. Mấu chốt vấn đề còn nhiều mâu thuẫn.
Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng cần có thời gian để xem xét yếu tố định giá tài sản thiệt hại và việc thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với 2 bị cáo nên ngày mai phiên tòa tiếp tục.
Trong phiên xử đầu tiên hồi cuối năm ngoái, VKSND TP Biên Hòa nhận định, Thượng biết rõ tàu kéo không đảm bảo an toàn kỹ thuật; biết Giang không có bằng thuyền trưởng nhưng vẫn giao điều khiển tàu kéo.
Hai bị cáo cũng thừa nhận hành vi sai phạm, song cho rằng lỗi một phần do nhà quản lý vì không có thanh chắn chống va đập bảo vệ mố cầu.
Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn phủ nhận có thanh chắn bảo vệ, yêu cầu chủ phương tiện tàu kéo đền bù 23 tỷ đồng thiệt hại hư hỏng cầu Ghềnh và trễ giờ chạy tàu.
Cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai, được Pháp thiết kế và xây dựng năm 1901, hoàn thành sau 4 năm. Cầu có tuyến đường sắt này không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, mà từ lâu đã trở thành biểu tượng của TP Biên Hòa. Ba tháng sau khi cầu bị sà lan đâm sập, cầu mới 300 tỷ đồng được xây trên vị trí cũ với 3 nhịp, cùng một phần đường cho xe máy và người đi bộ. |
Phước Tuấn