Hai năm vừa qua, người sử dụng lao động toàn cầu đã quen với khái niệm "nghỉ việc trong im lặng" (quiet quitting) hay hiện tượng từ chối văn hóa làm việc kiệt sức và ưu tiên cân bằng cuộc sống.
Tuy nhiên, ngược lại với nhóm người này là "nhân viên làm màu" (loud laborers) - tên gọi do André Spicer, giáo sư hành vi tổ chức của Trường Kinh doanh Bayes (Đại học London) đặt ra.
Theo Nicole Price, một chuyên gia về văn phòng và đào tạo lãnh đạo, "nhân viên làm màu" thường dùng nhiều phương thức khác nhau để tự nâng mình lên, nói nhiều về những gì họ đang hoặc dự định làm hơn là bắt tay vào công việc.
Có hai cách để biết được ai là "nhân viên làm màu". Đầu tiên, bạn không thấy họ hoàn thành xong nhiều việc và luôn nói quá nhiều về việc đang làm. Thứ hai, họ tỏ ra rất sành sỏi về chính trị và hoạt động tích cực trên mạng xã hội để khoe thành tích của mình.
Vicki Salemi, chuyên gia sự nghiệp tại cổng việc làm Monster.com, nêu cách phân biệt giữa một người tự tin khẳng định mình trong công việc và một "nhân viên làm màu". Người có năng lực thực sự và tự tin sẽ chọn thời điểm để lên tiếng, nêu bật công việc của họ. Người ồn ào thể hiện sự khao khát được chú ý và khoa trương mọi lúc mọi nơi dù việc đó không có gì đặc biệt, chỉ là nhiệm vụ thông thường.
Price giải thích, một số người nói quá nhiều về mình vì họ thiếu tự tin hay cảm thấy bất an. Ngoài ra, vài người cảm thấy có động lực nếu được công nhận và phần thưởng bên ngoài hơn là cảm thấy thỏa mãn với bản thân công việc. Điều này dẫn đến việc họ tập trung vào đánh bóng bản thân.
Salemi chỉ ra những "nhân viên làm màu" có thể cảm thấy phải tự khen mình liên tục vì không nhận được công nhận từ đồng nghiệp hay sếp. Hoặc cũng có khả năng họ quá tự tin về mình và khoe khoang về nó nhưng đây hoàn toàn không phải hành vi nên làm.
Hành vi của "nhân viên làm màu" sẽ tác động tiêu cực đến nhóm và thậm chí sự nghiệp của họ, theo các chuyên gia. Hơn nữa, một nghiên cứu năm 2021 cho thấy những người này làm mất kết nối trong nhóm. Họ tạo ra môi trường đánh giá sự có mặt và tự đánh bóng bản thân cao hơn kết quả thực tế, làm giảm động lực của những nhân viên vốn đã yên lặng, không thích thể hiện. Dần dần, nó dẫn đến bầu không khí cạnh tranh hơn là hợp tác.
"Nhân viên làm màu" gây khó chịu nên quan trọng là phải biết đặt ra ranh giới. Nếu là trưởng nhóm, bạn có thể "phanh" họ lại trong cuộc họp bằng cách thông báo thời gian có giới hạn và cần đi trực tiếp vào vấn đề. Còn theo Price, để giải quyết tận gốc vấn đề, người lãnh đạo nên đảm bảo mọi thành viên trong nhóm được đánh giá dựa trên chất lượng công việc. Nó sẽ khuyến khích tất cả tập trung làm việc và giúp ghi nhận công sức của những nhân viên thầm lặng.
Chuyên gia gợi ý lãnh đạo những phương pháp xử lý "nhân viên làm màu" trong văn phòng.
Ghi nhận nỗ lực
Thông thường, những công việc thầm lặng, không phô trương mới giữ cho doanh nghiệp hoạt động. Người lãnh đạo nên "lọc nhiễu" và nhận ra sự cống hiến của những người thầm lặng. Điều đó sẽ tạo ra văn hóa xem trọng năng suất lao động và kết quả thực tế, không phải sự phô trương.
Thấu hiểu các phong cách làm việc khác nhau
Một số người có xu hướng khoa trương hơn với công việc của mình, trong khi số khác lại yên lặng, chỉ tập trung vào nhiệm vụ. Một lãnh đạo tốt nên xem trọng và thừa nhận cả hai cách tiếp cận vì chúng góp phần hình thành một nhóm đa dạng và hiệu quả.
Giao tiếp và phản hồi
Nếu nhận thấy một thành viên liên tục khoa trương, hãy trao đổi với họ. Đưa ra phản hồi mang tính xây dựng sẽ giúp họ cân bằng giữa "đánh bóng" bản thân và làm việc hiệu quả. Nó không chỉ có lợi cho cá nhân mà còn cho cả nhóm.
Huy Phương (Theo CNBC)