Động vật ngủ theo nhiều cách khác nhau. Ngủ là trạng thái bị động của động vật khi chúng không di chuyển nhiều và các cơ thư giãn. Tuy nhiên, một số loài chim vẫn bay khi ngủ vì chỉ một nửa bộ não của chúng tham gia vào hoạt động này.
"Ngủ giúp cho động vật hoạt động hiệu quả hơn", Tiến sĩ Jerome Siegel, giám đốc Trung tâm nghiên cứu giấc ngủ ở Đại học California, Los Angeles, Mỹ cho biết. Vài loài động vật ngủ nhiều hơn những loài khác và theo Siegel, điều này phụ thuộc vào thời gian chúng dành ra để ăn.
Nhìn chung, động vật ăn cỏ ngủ ít hơn động vật ăn thịt vì chúng cần nhiều thời gian để nhai thức ăn hơn nhằm có đủ năng lượng. Điều này đặc biệt đúng với những loài ăn cỏ cỡ lớn như hươu cao cổ. Trong những năm 1970, các nhà khoa học quan sát thấy những con hươu cao cổ trong môi trường tự nhiên chỉ ngủ sâu tối đa 30 phút mỗi ngày.
Ngủ cũng là một cơ chế tự vệ. "Những động vật dễ bị tấn công có thời gian ngủ ít để tập trung phòng vệ trước kẻ thù", tiến sĩ John Lesku ở trường Đại học La Trobe, Melbourne, Úc, cho biết. Ngược lại, các loài săn mồi dùng ít thời gian để tự vệ hơn, đặc biệt khi chúng sống theo bầy. Sư tử là loài nổi tiếng với thói quen nằm dài cả ngày. Chúng thường ngủ 10 - 15 tiếng một ngày trong môi trường nuôi nhốt.
Loài tê tê khổng lồ (Priodontes maximus) lọt danh sách những động vật ngủ nhiều do chúng thường ngủ trung bình 18 tiếng một ngày trong những hố đất.
Theo một nghiên cứu về hoạt động của gấu koala ở Victoria, Australia, chúng ngủ khoảng 14,5 tiếng một ngày và dùng thêm gần 5 tiếng nữa để nghỉ ngơi do lá khuynh diệp, thức ăn của chúng, cung cấp ít năng lượng và cần thời gian để tiêu hóa.
Theo Lesku, hai loài nắm giữ kỷ lục hiện tại về thời gian ngủ là tê tê to nhiều lông (Chaeophractus villosus) với 20,4 tiếng một ngày và chuột bao nhỏ ngủ 20,1 tiếng một ngày.
"Một vài loài động vật được đưa vào môi trường thí nghiệm và nghiên cứu trong môi trường mới với thức ăn có sẵn", Lesku cho biết. Năm 1969, một con dơi nâu nhỏ (Myotis lucifugus) được nghiên cứu theo cách này và trở thành loài ngủ lâu nhất. Nó đã nhắm mắt trong suốt 19,9 trên tổng thời gian 24 giờ. Tuy nhiên, con dơi bám vào một cái máy tính thay vì trần hang động và nhiệt độ phòng cũng được điều chỉnh. Có thể nó không thực sự ngủ mà rơi vào trạng thái đặc biệt hơn gọi là ngủ lịm.
Nhiều loài động vật có thể ngủ lịm để tiết kiệm năng lượng. Khi nhiệt độ xuống thấp, những động vật như loài dơi rơi vào trạng thái ngủ lịm gọi là ngủ đông và khi nhiệt độ cao, trạng thái ngủ này gọi là ngủ hè.
Một số động vật ngủ lịm mỗi ngày. Theo một nghiên cứu vào năm 2014, loài chồn châu Mỹ và chuột Opossum ngủ lịm trung bình 14 tiếng một ngày.
Ngủ lịm khác với ngủ. Nó giống như trạng thái ngưng hoạt động của cơ thể: tỷ lệ trao đổi chất và nhiệt độ cơ thể xuống thấp, đồng thời hoạt động não giảm đáng kể để tiết kiệm năng lượng.
Để kiểm tra hoạt động ngủ thật sự của não động vật hoang dã, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu trên con lười, loài ngủ ngày nổi tiếng nhất. Chúng ngủ hơn 15 tiếng một ngày nhưng nghiên cứu ở Panama năm 2008 chỉ ra chúng ngủ ít hơn 10 tiếng một ngày. Tuy nhiên, dùng 40% thời gian một ngày để nghỉ ngơi là con số tương đối lớn, đặc biệt là đối với loài chỉ ăn lá, trái cây, và dễ trở thành mồi săn của các loài báo hay đại bàng.
Trúc Bùi