Từ Bệnh viện Đà Nẵng đi về hướng tây bắc 10 km là đến Khu công nghiệp Hoà Khánh - nơi thu hút nhiều dự án nhất trong sáu khu công nghiệp của Đà Nẵng. Trên 50% dự án FDI đổ về đây, tập trung vào các ngành may mặc, vật liệu xây dựng, đồ điện tử, chế biến nông lâm thuỷ sản. Nhà máy nơi nữ công nhân làm việc là doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản, chuyên sản xuất túi xách, balo máy ảnh.
Mười ngày sau, chị bị sốt, đau họng nhưng vẫn gắng đi làm. Nữ công nhân 39 tuổi trong sáng 29/7 đã trở thành "bệnh nhân 446", theo công bố của Bộ Y tế. Chị là công nhân đầu tiên của Đà Nẵng nhiễm nCoV, sáu ngày sau khi thành phố phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Nhà máy lập tức bị phong toả, 300 công nhân tạm ngừng việc, cách ly theo dõi. Thêm một tuần, năm công nhân tại ba khu công nghiệp khác nhau cũng được xác định nhiễm nCoV.
Một nhà máy có công nhân nhiễm bệnh phải tạm ngừng hoạt động, đặt hàng loạt công ty vào chế độ báo động đỏ trước nguy cơ cách ly, thậm chí là phong toả, ngừng sản xuất. Khi Đà Nẵng trở thành tâm dịch trong làn sóng Covid-19 thứ hai, các doanh nghiệp đứng trước hai bài toán khó: duy trì sản xuất và đảm bảo an toàn cho 77.000 công nhân, chủ yếu là người trên địa bàn và các tỉnh lân cận.
Cách công ty bị phong tỏa hơn 2 km, nhà máy sản xuất giấy nơi anh Thành Luân làm quản lý, hơn 30 nhân công vẫn đang vận hành hai dây chuyền sản xuất. Hai ngày nay, công nhân được ăn thêm một bữa chiều trước khi rời xưởng. Anh Luân dặn họ "tan ca về thẳng phòng trọ nghỉ ngơi, đừng đi lung tung".
Từ chiều 3/8, ban lãnh đạo công ty quyết định nấu ăn ngày hai bữa cơm trưa và chiều cho công nhân, khi hàng quán đã đóng cửa thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố. Ban lãnh đạo tính rằng công nhân ăn uống trong xưởng sẽ không còn phải mua đồ ăn ngoài hàng quán hoặc đi chợ, ít tiếp xúc. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
"Chi phí sẽ tăng lên nhưng công nhân an toàn thì nhà máy an toàn. Chỉ cần một người nhiễm bệnh hoặc là F1, cả xưởng chắc chắn phải cách ly, ngừng hoạt động", Luân nói về nỗi sợ của các nhà máy trong tâm dịch.
3 công nhân trong xưởng đang tạm nghỉ 14 ngày, một người trong khu vực có ca nhiễm được vận động ở nhà cách ly, hai công nhân Quảng Nam về thăm quê bị kẹt lại. Thiếu người, chỉ một máy sản xuất giấy cuộn hoạt động thay vì hai máy cùng chạy như trước đây.
Đà Nẵng cách ly xã hội từ 28/7, công nhân đến xưởng phải kê khai những nơi đã đi trong ngày để nhân sự nắm được. Các quy tắc an toàn liên tục được nâng cấp, song song với quy định bất di từ đầu mùa dịch là "đeo khẩu trang, sát khuẩn, đo thân nhiệt, cách nhau 2 mét".
Lo bảo toàn lực lượng, các nhà máy vẫn phải duy trì sản xuất sau dư âm của làn sóng Covid thứ nhất vào cuối tháng ba. Khi cửa ngõ Đà Nẵng đi các tỉnh đều có chốt kiểm soát, xe vận chuyển giấy cuộn ra Huế, đến Lăng Cô phải dừng lại, bốc dỡ sang một xe trung chuyển khác rồi quay đầu về.
Anh Luân nhẩm tính, mỗi cuộn giấy nặng một tấn, tiền công mỗi chuyến xe chở mười tấn giấy hết 1,4 triệu đồng ngày, chưa có dịch. Bây giờ mỗi chuyến chở tối đa chỉ được sáu cuộn, đội thêm chi phí xe trung chuyển, công bốc vác. Đối tác ở Huế thiếu hàng, gọi điện liên tục, nhưng công ty chưa dám nhận đơn vì còn phải tính toán lại chi phí vận chuyển.
Nguyên liệu làm giấy, củi đốt lò hơi chỉ mua được trong thành phố, nguồn từ các tỉnh lân cận đều bị cắt. Cửa hàng, quán ăn đóng cửa khiến nguồn giấy phế liệu giảm đi. Trước mỗi ngày công ty thu mua được 10 tấn, giờ sụt xuống chưa đầy ba tấn.
Luân chưa biết những ngày tới sẽ ra sao. "Nếu hết nguyên liệu, có khi phải ngừng chạy máy thật", anh nói. Ba tháng không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, đơn hàng sản xuất đã khôi phục được 90%.
Điều anh kỳ vọng duy nhất bây giờ, là sớm khống chế được dịch, hết cách ly xã hội để phục hồi sản xuất. Nếu không, nhiều công ty có thể bị "đánh sập" sau hai đợt Covid-19. Chưa kể đâu đó trong cộng đồng, có thể vẫn còn ổ dịch chưa được phát hiện. Số phận nhiều doanh nghiệp bây giờ gắn chặt với tốc độ kiểm soát dịch của thành phố.
Ra khỏi cổng Khu công nghiệp Hoà Khánh, đi thẳng đường Âu Cơ thêm hơn 3 km là tới Công ty An Thạnh - doanh nghiệp chuyên cung cấp hơn 6.000 suất ăn mỗi ngày cho công nhân trong khu công nghiệp Hoà Khánh, Hoà Cầm.
Trụ sở chính An Thạnh những ngày này chưa đầy hai chục công nhân sơ chế làm việc. Dịch tái bùng, cũng là lúc công ty "cách ly bộ phận với bộ phận, công nhân phục vụ suất ăn ở công ty nào đến công ty ấy làm việc, hết ca về thẳng nhà". 300 công nhân viên "xé lẻ" khắp nơi, không thấy mặt nhau suốt mười ngày. Mỗi điểm có một quản đốc quán xuyến công việc. Địa điểm nhận nguyên liệu chế biến thức ăn cũng được chuyển ra ngoài cổng công ty, nhân viên vận chuyển vào trong sơ chế.
14 năm hoạt động, lần đầu tiên công ty có thêm đơn hàng đặc biệt, thay thế cho lượng suất ăn giảm sút khi dịch quay trở lại. Đó là cung cấp suất ăn phục vụ các trung tâm cách ly F1 theo yêu cầu của thành phố. Tài xế giao cơm vòng ngoài, người của trung tâm cách ly vận chuyển vào trong. Bộ phận phục vụ tuyến đầu ở luôn trong khu cách ly, không về nhà, công ty hỗ trợ thêm 20% phụ cấp.
Bà Cao Thị Hoài Thu, Trưởng phòng Quản lý chất lượng cho biết, công ty cố gắng giữ việc cho người lao động. Dịch ập đến nhưng vẫn phải làm việc, không thì "không trụ vững, người lao động còn khó khăn hơn".
Hoàng Phương