Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, cụm từ cá chết hàng loạt được dùng để chỉ hiện tượng một quần thể cá chết bất thường trong điều kiện tự nhiên hoặc nuôi nhốt, với tỷ lệ tử vong tổng quát lớn hơn mức thông thường trong đời sống thủy sinh.
Nghiên cứu vào năm 2005 của Đại học Florida, Mỹ, chỉ ra nguyên nhân phổ biến nhất gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt là lượng oxy trong nước giảm mạnh do những yếu tố như hạn hán, sự bùng nổ tảo độc, số lượng cá đông quá mức hay nhiệt độ nước liên tục tăng cao.
Các nguyên nhân khác bao gồm bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng, nước thải nông nghiệp và cống rãnh, tràn dầu hoặc chất thải độc hại, động đất dưới đáy biển, đánh bắt cá bằng thuốc độc, vụ nổ dưới nước và sự kiện thảm họa làm đảo lộn đời sống ổn định của quần thể dưới nước.
Thiếu oxy
Nhiệt độ ấm hơn thúc đẩy quá trình phát triển các đám tảo dưới nước với tốc độ nhanh hơn, khiến chúng hấp thụ oxy nhiều hơn. Thời tiết nóng cũng kéo theo lượng oxy trong nước hạ thấp hơn so với điều kiện bình thường, khiến cá bị thiếu oxy và chết.
Áp suất lớn
Vụ nổ dưới nước cũng có thể dẫn đến chết cá, đặc biệt trong trường hợp đánh cá bằng chất nổ. Tuy nhiên, những vụ nổ như vậy sẽ không gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở những khu vực quá lớn.
Hạn hán
Hạn hán xảy ra kéo theo nhiệt độ cao, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của nước. Thời tiết nắng nóng kéo dài với những ngày nhiệt độ lên đến 40 độ C ngoài không khí và 36-38 độ C ở mặt nước ao hồ hoặc sông ngòi, vượt ngoài ngưỡng chịu đựng của các loài cá nuôi truyền thống (22-28 độ C). Do đó, cá sẽ yếu dần, ăn kém và nguy cơ mắc bệnh cao. Thiếu oxy còn khiến quá trình phân hủy xác chết tạo thành những khí độc như NH3, H2S, CH4, dẫn tới tình trạng cá bị sốc, ngộ độc, giảm sức đề kháng và bệnh truyền nhiễm dễ phát triển.
Ô nhiễm
Nước thải công nghiệp, nước đổ từ cống rãnh, sự cố tràn dầu hoặc chất thải nguy hại đều có thể dẫn đến tình trạng nước nhiễm độc và giết chết cá. Năm 1997, một nhà máy sản xuất phosphate ở Mulberry, Florida, Mỹ, đổ gần 230 triệu lít nước chứa axit xuống con lạch Sapling Creek dài 58 km, khiến độ pH giảm từ 8 đến dưới 4, dẫn đến cái chết của 1,3 triệu con cá.
Đầu tháng 4, người dân sinh sống ở dải bờ biển chạy qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế ghi nhận nhiều vụ cá biển chết hàng loạt, trong đó có nhiều loài sống xa bờ ở tầng nước sâu có trọng lượng từ 35 đến 50 kg. Theo Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, nguyên nhân trực tiếp nhiều khả năng là các yếu tố gây độc trong nước, có thể từ nguồn nước thải chưa qua xử lý đổ ra sông, biển.
Tương tự, vào cuối tháng 3, biển cá chết làm tắc những đường dẫn nước trên phạm vi hàng chục km ở Florida, Mỹ. Theo International Business Times, hàng trăm nghìn con cá chết hàng loạt xếp kín bãi biển, phủ khắp các phụ lưu và cửa sông thuộc hệ sinh thái Phá sông Ấn của bang. Các chuyên gia cho rằng vụ việc do một số nhân tố gây ra. Những cơn mưa nặng hạt thường xuyên trút xuống khu vực do hiện tượng El Nino cuốn trôi phân bón và chất gây ô nhiễm xuống nước khiến cá chết. Ngoài ra, nhiệt độ mùa đông ấm hơn bình thường góp phần thúc đẩy quá trình tảo độc phát triển, dẫn đến hiện tượng thủy triều nâu làm giảm lượng oxy trong nước.
Cá chết hàng loạt thường là dấu hiệu dễ thấy đầu tiên của căng thẳng môi trường, là vấn đề khẩn cấp đòi hỏi điều tra từ các cơ quan bảo vệ môi trường nhằm xác định nguyên nhân. Nhiều loài cá có sức chịu đựng kém trước những biến động trong môi trường sống và cái chết của chúng thường là dấu hiệu cho thấy vấn đề tiềm ẩn trong môi trường, có thể tác động đến các loài động thực vật khác.
Phương Hoa