Chì
Một trong những nguyên liệu phổ biến nhất trong mỹ phẩm cổ đại là chì. Chì có mặt trong nhiều sản phẩm khác nhau, bao gồm kem dưỡng da, kem nền, phấn má và kẻ mắt. Kem trắng da nằm trong số các sản phẩm phổ biến nhất chứa chì. Vào thời La Mã cổ đại, phụ nữ với làn da trắng nhợt có địa vị cao hơn. Đó là dấu hiệu cho thấy người đó đủ giàu có để ở trong nhà cả ngày, trong khi người hầu của họ phải ra ngoài lao động. Kem trắng da chủ yếu được làm từ chì trắng, giúp người dùng có làn da trắng sáng.
Người Ai Cập thường dùng chì để tạo ra kohl, hợp chất dùng để kẻ mắt. Kohl chứa hỗn hợp chì sulfide, tro, và bồ hóng. Sử dụng kohl thường xuyên để kẻ mắt sẽ dẫn tới nhiều vấn đề nghiêm trọng ở mắt.
Chu sa
Nhiều người La Mã cổ đại sử dụng phấn má hồng để khiến má trông hồng hào, khỏe mạnh hơn. Trong khi nhiều loại phấn má được sản xuất từ nguyên liệu tương đối an toàn như cánh hoa và phấn đỏ, một số loại có nguồn gốc từ chu sa, dạng màu đỏ tươi của thủy ngân. Vài loại phấn tự chế thậm chí sử dụng chu sa và chì đỏ để tạo ra màu phấn đậm hơn.
Rệp son
Rệp son là loại rệp màu đỏ tươi bản xứ ở Trung Mỹ và Nam Mỹ. Vào thời cổ đại, người Aztec thường giết, phơi khô và nghiền loại bọ này với nhiều loại phấn khác để tạo ra thuốc nhuộm màu đỏ thẫm. Về sau, họ sử dụng hỗn hợp trong cả thuốc vẽ và sản phẩm làm đẹp. Bột từ rệp son thường được dùng trong phấn má và màu môi do màu tươi.
Lông bò
Trước khi có chì kẻ lông mày, người xưa sử dụng lông bò để làm đẹp. Vào khoảng năm 3.000 trước Công nguyên, phụ nữ Hy Lạp cạo lông bò và dùng để làm lông mày giả. Họ sẽ sử dụng keo dính tự nhiên như nhựa cây hoặc mật ong để dính lông mày lên mặt.
Thạch tín
Tương tự chì trắng, thạch tín được dùng trong kem bôi mặt thời Victoria (năm 1837 - 1901) để phụ nữ có lớp da trắng bóc. Ngoài ra, thạch tín còn được sử dụng để trị mụn và làm sạch da. Những người sử dụng quá nhiều thạch tín sẽ bị nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, thậm chí tử vong.
An Khang (Theo Ancient Origins)