Một ngày trước, chàng trai 27 tuổi ở quận Cầu Giấy thấy nhiều người chia sẻ hình ảnh sân vận động ngập rác thải nhựa, túi nilon và áo mưa. Công nhân môi trường cho biết lượng rác thu gom trong đêm diễn đầu tiên lên đến 20 tấn và phải làm liên tục đến quá nửa đêm.
"Tôi cũng muốn góp sức nhưng lúc biết tin đã quá muộn, đành hẹn hôm sau ra sớm bởi show diễn tổ chức trong hai đêm", Hưng kể.
21h30 ngày 30/7, Hưng cùng 200 tình nguyện viên tập trung trước cổng sân vận động Mỹ Đình và bắt đầu nhặt rác. Nhặt xong khuôn viên bên ngoài, cả nhóm di chuyển vào khán đài để thu gom chai nhựa, ly nước, áo mưa, túi nilon cùng các công nhân môi trường.
Sau gần ba tiếng, các tình nguyện viên mang hơn chục túi rác thải đến chỗ tập kết và chờ công ty môi trường đưa đi. Hình ảnh nhóm hỗ trợ thu gom rác được chia sẻ trên mạng xã hội nhận hàng nghìn lượt yêu thích và bình luận khen ngợi "hành động đẹp, ý nghĩa lớn và đáng trân trọng".
Kim Hưng và những người tham gia thu gom rác tại sân vân vận động Mỹ Đình tối 30/7 đều là thành viên của Hội Yêu Rác, thành lập năm 2017 bởi Thượng tọa Thích Chân Quang, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dương Hồng Ngọc, hội phó Hội Yêu Rác, cho biết nhặt rác là hoạt động chính. Hàng tuần, hàng tháng nhóm đều tổ chức các hoạt động đi nhặt rác dọc các tuyến phố, bờ hồ, công viên, khu dân cư đông dân tại Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh thành khác. Trung bình mỗi lần có 30-40 thành viên tham gia. Riêng các sự kiện lớn như lễ hội âm nhạc, hội chợ có thể lên đến vài trăm người.
Thời gian đầu triển khai, Hồng Ngọc cùng các tình nguyện viên thường bắt gặp ánh mắt hiếu kỳ, bị nói làm việc bao đồng bởi "nay dọn mai lại đầy" và quan trọng là không được trả công. "Nhưng nếu không dọn thì rác thải chỉ nhiều hơn nên chúng tôi cứ đúng niềm tin mà làm. Chỉ mong mọi người dần biết giữ gìn cảnh quan nơi mình sinh sống, học cách yêu rác, biết phân loại và tái chế", Hồng Ngọc kể.
Nhưng cũng có người từng chứng kiến hoặc biết các hoạt động tình nguyện qua mạng xã hội chủ động xin gia nhập. Kim Hưng là một trường hợp.
Năm năm trước, Hưng đang là hướng dẫn viên du lịch tự do, thấy một nhóm các bạn trẻ đi thu gom rác trên phố cổ Hà Nội nên lân la hỏi chuyện. Vài tuần sau, cậu trở thành một trong những thành viên hoạt động tích cực nhất trong hội bởi thấy công việc ý nghĩa.
Ngoài lịch tổng vệ sinh chung, Hưng thường xuyên rủ bạn bè đi thu gom, dọn rác quanh khu vực sinh sống. "Tôi muốn thực hiện trước, mọi người thấy hay ắt học theo. Và thực tế chứng minh, từ tâm lý thờ ơ, né tránh do sợ bẩn, nhiều người ở nơi tôi sống dần có ý thức trong việc không xả rác bừa bãi", anh nói.
Còn với thành viên Phạm Hằng, từ một người sợ rác bởi cho rằng đồ bỏ đi đều bẩn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, cô dần hiểu được ý nghĩa của việc nhặt rác không chỉ làm sạch môi trường mà còn bảo vệ sức khỏe của chính mình, khi tham gia Hội năm 2019. Ngoài dọn rác tại Hà Nội, cô gái trẻ cũng tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường mỗi lần về quê ở Ninh Bình.
Khác các hội nhóm chủ yếu dọn sạch rác tại ao hồ, kênh rạch hoặc bãi tập kết rác lớn, Hội Yêu Rác thường dọn dẹp ở khu dân cư, địa điểm công cộng. Giải thích về điều này, phó hội trưởng cho biết đây là nơi tập trung đông người dễ dàng tiếp cận và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường tới nhiều cá nhân. Bên cạnh đó, hoạt động nhặt rác ẩn nhiều nguy hiểm bởi dễ lẫn mảnh sành, kim tiêm, cùng nhiều đồ vật sắc nhọn, trong khi thành viên của Hội Yêu Rác có nhiều người cao tuổi hoặc trẻ em từ 5-6 tuổi theo bố mẹ tham gia. Những khu vực tiềm ẩn nguy hiểm sẽ do thành viên trẻ, thể lực tốt đảm nhận.
Hy vọng được tác động đến nhiều người, trước mỗi hoạt động dọn rác sắp triển khai, Hội thường liên hệ xin phép và phối hợp với các đoàn thanh niên ở các xã, phường cùng thực hiện.
Ông Nguyễn Xuân Kiên, trưởng Ban chỉ huy quân sự phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết đơn vị đã phối hợp triển khai các hoạt động cùng Hội Yêu Rác trong nhiều năm.
"Không chỉ dọn dẹp làm sạch cảnh quan, Hội Yêu Rác còn tuyên truyền thông điệp tích cực về bảo vệ môi trường đến người dân. Thực tế đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực", ông Kiên nói.
Sau 6 năm hoạt động, Hội Yêu Rác có khoảng 2.000 thành viên ở hầu hết các tỉnh, thành và cả cộng đồng người Việt ở Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan. Ngoài thu gom rác thải, nhóm cũng triển khai các hội thảo về bảo vệ môi trường tại trường học, lớp đạo đức cho thiếu nhi; áp dụng mô hình thùng rác phân loại 6 ngăn hay kết hợp với các đơn vị thu gom vỏ hộp sữa tại nhiều tỉnh, thành; hay dự án trồng cây xanh.
"Không quan trọng mọi người ở đâu hay làm công việc gì, bởi khi đã xác định sẽ yêu rác và biết bảo vệ môi trường thì ở đâu cũng có thể hành động vì một xã hội tốt đẹp hơn", Hồng Ngọc nhấn mạnh.
Với Kim Hưng và Phạm Hằng, sau hơn 5 năm gắn bó, hai bạn trẻ cùng nhiều thành viên trong Hội khẳng định sẽ kiên trì theo đuổi, dù công việc bận rộn.
"Ở đâu có rác, ở đó có các thành viên của Hội Yêu Rác. Chúng tôi không sợ khó, sợ khổ, chỉ mong nỗ lực của bản thân sẽ góp phần thay đổi từ nhận thức đến hành động của mỗi cá nhân", Kim Hưng nói.
Quỳnh Nguyễn