"Lúc yêu nhau, thấy anh ấy luôn quan tâm, gần gũi mẹ và chị gái, mình mừng vì nghĩ hẳn anh sẽ là người chồng tâm lý và trách nhiệm. Thực tế không thế", Tâm, 28 tuổi, giáo viên một trường cấp 3 ở Thanh Xuân, Hà Nội, kể.
Ở chung sau cưới, chồng Tâm luôn nhắc vợ phải dậy sớm dọn dẹp, chuẩn bị bữa sáng cho bố mẹ dù mệt hay vội đi dạy. Khi chị gái lục đục với chồng, anh liền qua đón luôn ba mẹ con chị về ở cùng rồi phân công cho vợ chăm và kèm các cháu học để chị đỡ vất vả.
Dù không thoải mái lắm nhưng Tâm cũng cố gắng làm theo ý chồng. Thế nhưng, cả gia đình anh vẫn tỏ ra không hài lòng về nàng dâu. Mọi việc trở nên rối hơn từ lúc Tâm sinh con. Mẹ chồng chê cô vụng, không biết chăm con. Nhiều đêm, bà xộc thẳng vào phòng ngủ "để kiểm tra xem cháu thế nào vì mẹ nó đoảng lắm". Thấy bất tiện, Tâm định chốt cửa trước khi ngủ nhưng chồng không đồng ý vì sợ mẹ buồn.
Vừa đi dạy, chăm con, làm việc nhà, trong khi vẫn bị chị chồng và mẹ chồng trách lười, vụng, nhiều khi ấm ức và kiệt sức, Tâm thổ lộ với chồng thì anh thường gạt đi.
Thấy cuộc sống chung quá ngột ngạt, Tâm muốn ra ở riêng nhưng chồng phản đối. "Mình không thể chịu đựng cuộc sống như thế này nữa", Tâm giải thích về lý do vừa đưa đơn ly hôn.
Cũng chỉ vì chồng quá chăm lo cho bố mẹ và các em mình mà cuộc hôn nhân của chị Luyến (Long Biên, Hà Nội) đã vài lần đứng trên bờ vực.
Chị Luyến cho biết, chồng chị là anh cả trong gia đình có 4 anh em. Theo định hướng của bố mẹ, anh và người em trai mở chung công ty. Khi chị Luyến về làm dâu được hơn một năm thì công ty gia đình này phá sản, mọi khoản nợ chồng chị gánh hết. Đã thế, nhà chồng còn cho là do chị tuổi Hợi, xung với chồng tuổi Tỵ nên mang cái xui xẻo tới.
"Anh ấy luôn bảo mình phải nhịn để gia đình được êm ấm. Anh chấp nhận đi làm xa, làm đêm, cả tháng mới về 1-2 lần, được bao nhiêu tiền đưa hết cho bố mẹ trả nợ, thi thoảng còn cho cô em gái đang học đại học. Vợ con không hưởng một xu. Cảnh ấy diễn ra suốt 6 năm rồi", chị Luyến kể.
Chồng chị cũng không đồng ý để vợ đưa con ra thuê trọ ở gần chỗ làm, trong khi cơ quan cách nhà gần 30 km. "Em chịu khó đi về, để con ở nhà cho ông bà vui", anh giải thích.
"Mình thực sự cảm thấy chỉ như một người ở, người đẻ thuê trong gia đình anh ấy. Muốn kết thúc nhưng thương hai đứa con còn nhỏ", chị Luyến bày tỏ.
Bà Vũ Ánh Tuyết, Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm, Hà Nội cho rằng, thực chất, việc người đàn ông hiếu thảo với bố mẹ hay chăm lo cho bên nội sẽ không gây bất hòa với vợ nếu họ đã làm tròn trách nhiệm làm chồng, làm cha. Vấn đề là, không ít nam giới nghĩ rằng cưới vợ là lấy người về làm dâu cho nhà mình chứ không phải lập gia đình riêng để bắt đầu cuộc sống mới. Khi đó, người vợ cảm thấy bị bỏ mặc, không được tôn trọng, có người quyết định ly hôn hoặc tự tổ chức cuộc sống riêng, lập quỹ đen vì nghĩ sẽ chẳng thể trông chờ gì vào chồng.
"Đừng vội nghĩ rằng một người đàn ông luôn chăm lo cho bố mẹ, anh chị em mình thì sẽ làm chồng, làm cha tốt. Hãy xem anh ấy đã thực sự trưởng thành, là một người độc lập, có chính kiến, có muốn cùng bạn xây đắp một tổ ấm riêng thực sự không", nhà tâm lý nhắn nhủ với các cô gái trẻ sắp kết hôn.
Theo tiến sĩ xã hội học, đồng thời là thạc sĩ trị liệu tâm lý Phạm Thị Thúy, TP HCM, Việt Nam có truyền thống coi trọng gia đình gốc nên nhiều người vẫn coi trọng đại gia đình gồm bố mẹ, anh chị em mình hơn tổ ấm riêng với vợ và con. Truyền thống này có yếu tố tốt, là sự đoàn kết, hỗ trợ nhau giữa các thế hệ nhưng cũng có yếu tố tiêu cực khi can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của vợ chồng trẻ.
"Lâu nay, nhiều người thường hiểu sai về chữ hiếu khi cho rằng có hiếu nghĩa là phải luôn làm theo ý bố mẹ. Có người sống chung với bố mẹ mà luôn bị đè nén, thậm chí có nguy cơ tan vỡ gia đình riêng vì sự can thiệp thô bạo nhưng vẫn cam chịu vì sợ ra riêng sẽ mang tiếng bất hiếu", nhà tâm lý nói.
Bà cho biết, khi người chồng thiếu chính kiến, luôn áp đặt vợ phải nghe theo ý kiến từ gia đình mình, người phụ nữ sẽ cảm thấy bị coi thường, tổn thương.
Tuy nhiên, dù tức tối và tự ái thế nào, chị em cũng nên cố gắng kìm nén để tìm cơ hội nói với chồng sao cho anh ấy thấy hợp tình, hợp lý. Bạn có thể tâm sự rằng: "Em biết anh rất tin tưởng mẹ và chị. Mọi người tư vấn là có ý tốt, muốn giúp chúng mình. Em không phản đối gì hết. Nhưng đây là chuyện gia đình mình. Em muốn có gì hai vợ chồng mình bàn bạc với nhau, tham khảo ý kiến của mọi người rồi cùng đưa ra quyết định".
Thông thường, người đàn ông thiếu tự tin, khi nghe nhiều lời tác động từ những người ruột thịt, lại thấy vợ luôn càu nhàu, than phiền về gia đình chồng thì càng cảm thấy không tin vợ và dễ nghe lời người nhà mình hơn. Ngược lại, khi vợ bình tĩnh, nói với chồng có lý có tình, cho chồng cảm giác tự tin, có vai trò quan trọng thì họ dễ nghe theo và có trách nhiệm hơn với vợ, con.
Vương Linh