"Trong đầu lúc đó chỉ có suy nghĩ phải xử người chồng bội bạc và nhân tình cho hả giận", chị Trang, 43 tuổi, ở Khánh Hòa nhớ lại thời điểm 6 năm trước.
Nhưng trong khoảnh khắc ngắm con gái lớn đang ngủ say và cảm nhận thai nhi cựa quậy trong bụng, bản năng làm mẹ đã níu chị lại.
Thực ra đây không phải lần đầu chồng chị có bồ. "Nếu đánh ghen, mình sẽ phải đánh bao nhiêu người nữa đây?'', chị tự hỏi.
Tuy nhiên để tiêu hóa cảm xúc này không dễ. Chị đã phải lên chùa để bình tâm trở lại đồng thời tìm đến hai chuyên gia tâm lý. "Họ như chiếc phao cứu sinh, giúp tôi giữ vững lý trí trong những cảm xúc xấu chiếm giữ", chị Trang nói.
Hai năm trước, Ngọc Hà, 33 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội phát hiện chồng phản bội. Anh còn lập tài khoản mạng xã hội chung với nhân tình để đăng ảnh tình tứ và trao nhau lời yêu đương. "Tôi giận dữ, căm hận, muốn trừng trị cô ta", chị kể.
Giữa lúc đó, một người bạn cung cấp cho chị thông tin về đời sống tình cảm phức tạp của người phụ nữ này. Hà phát hiện cô nhân tình không chỉ qua lại với chồng chị mà còn với nhiều đàn ông khác.
Suy nghĩ "đánh ghen khiến mình bẩn tay", Hà quyết định để thời gian phơi bày sự thật. "Chồng tôi nói cô ta là tình yêu đích thực. Vậy thì tôi muốn anh tận mắt chứng kiến cái tình yêu sét đánh ấy thế nào", Hà nói.
Cả chị Trang và Hà từng có ý định đánh ghen nhưng rồi không làm. Hiện tại, họ nói cảm thấy tự hào vì đã chiến thắng được chính mình để không làm điều dại dột.
Tuy nhiên, không phải ai rơi vào hoàn cảnh bạn đời ngoại tình cũng giữ được tỉnh táo. Trong khảo sát "Bạn có đánh ghen khi phát hiện bạn đời ngoại tình?" của VnExpress với gần 2.000 độc giả, chỉ 50% không đánh ghen, 46% cho biết sẽ tìm hiểu kỹ trước khi quyết định và 4% sẽ đánh ghen.
"Dù trong trường hợp nào, đánh ghen không bao giờ là lựa chọn đúng", luật sư Lê Hồng Hiển, Đoàn luật sư Hà Nội khẳng định.
Ông chỉ ra đánh ghen thường bao gồm các hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của người khác. Từ đó dễ dẫn đến tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng hoặc làm nhục, phá hoại tài sản của người khác - những tội danh bị xử lý hình sự.
Điển hình như vụ việc đánh ghen ở Cần Thơ hôm 1/1, người phụ nữ tên Tuyền đã bị khởi tố vụ án và khởi tố bị can về các tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng và làm nhục người khác. Những người tham gia trực tiếp vào việc gây thương tích cho người phụ nữ kia hay đứng bên ngoài cổ vũ hành vi đánh người sẽ có dấu hiệu đồng phạm về tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 134 và Điều 318 Bộ luật hình sự.
Ngày 9/1 tới đây, luật sư Hiển cũng tham gia phiên tòa xét xử vụ án xuất phát từ đánh ghen ở Lai Châu, xảy ra tháng 3/2024. Từ vấn đề của một gia đình đã dẫn đến cả một nhóm hơn chục người dùng hung khí rượt đuổi nhau trên phố. Hậu quả khiến nhiều người tham gia bị thương tích và hư hỏng tài sản. Các bị can bị truy tố về các tội "Cố ý gây thương tích" và "Gây rối trật tự công cộng".
Theo chuyên gia tư vấn tình cảm Lê Anh, phụ nữ khi phát hiện bị phản bội thường hành động bộc phát, mất kiểm soát. Đánh ghen có thể mang lại cảm giác hả hê tạm thời, nhưng sau đó là sự trống rỗng và hối tiếc. Ngoài ra, việc đánh ghen còn gây tổn thương tâm lý cho con cái, khiến chúng cảm thấy bất an và xấu hổ. "Đánh ghen không khác gì một vết nhơ trên hành trình trưởng thành của con", bà Lê Anh nhấn mạnh.
Nhìn từ góc độ khác, tiến sĩ văn hóa, nhà biên kịch Đặng Thiếu Ngân cho biết điều khiến chị suy nghĩ sau một số vụ đánh ghen ầm ĩ gần đây là sự suy thoái đạo đức của đám đông. Ai cũng xúi người vợ "đánh đi, lột đồ đi" và hỉ hả khi thấy người phụ nữ khác bị lăng nhục.
"Nó man rợ không khác gì tội ác gọt tóc bôi vôi, thả bè trôi sông thời xưa", bà Ngân nói.
Chuyên gia khuyên trong trường hợp chồng ngoại tình, người vợ nên phân tích để tìm ra chuyện ngoài luồng có nguyên nhân từ đâu. Có phải anh ta thiếu thốn tình cảm, cần sự lãng mạn, cần sự sẻ chia, đồng cảm hay đơn giản êm ả lâu nên muốn "đổi gió". Khi bình tĩnh phân tích ưu, nhược điểm cuộc hôn nhân và tự đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân trong sự lựa chọn của chồng, chắc chắn phụ nữ sẽ không bị "máu dồn lên não", để hành động bất cẩn, gây thiệt hại cho mình và gia đình.
"Đừng nghĩ ngoại tình là lỗi của riêng người chồng, người vợ hay người thứ ba. Có ngoại tình, tức là tổ ấm của chúng ta nhiều khi đã là tổ kiến lửa, hoặc tổ băng lạnh buốt rồi", tiến sĩ văn hóa nói.
Không thể không nhắc một nguyên nhân khiến phụ nữ đi đánh ghen là thiếu hiểu biết pháp luật. Luật sư Lê Hồng Hiển một lần nữa khuyên không nên đánh ghen. Trong trường hợp chồng ngoại tình, phụ nữ sẽ có lợi thế giành quyền nuôi con và phân chia tài sản chung nếu ly hôn. Làm chuyện dại dột, đồng nghĩa đẩy mình vào cảnh yếu thế.
"Hành xử đúng mực trong những tình huống khó khăn sẽ giúp bạn bảo vệ danh dự, an toàn pháp lý cho bản thân và tương lai của chính mình và con", luật sư khuyên.
Không để chị Ngọc Hà phải chờ đợi lâu, chỉ hai tháng sau chồng chị nhận ra bị nhân tình cho "mọc sừng". "Cảm giác thấy anh ta cay cú vì bị bồ cắm sừng còn thú vị hơn cả việc tự tay đánh ghen", chị chia sẻ.
Sau này chồng chị từng quỳ xuống hối lỗi và cầu xin vợ tha thứ. Nhưng Ngọc Hà đã không còn cảm xúc yêu thương gì nữa. Chị chưa ly hôn, nhưng đã buộc được chồng chuyển giao ngôi nhà chung hoàn toàn sang tên mình, sống tự tại cùng con trai 10 tuổi. "Tôi thấy câu nói 'phụ nữ chỉ đánh son, không đánh ghen' thật sáng suốt", chị nói thêm.
Nhờ không đánh ghen, chị Khánh Trang cho biết không đánh mất hòa khí với chồng, khiến các con vẫn giữ được sự tôn trọng dành cho bố, mẹ và có tâm lý trưởng thành ổn định. Quan trọng nhất, chị giữ được sự bình thản trong lòng để chuẩn bị cho cuộc ly hôn.
Hiện tại chị làm chủ một doanh nghiệp, tự do tài chính và cả tâm hồn. Ba mẹ con chị sống đầy đủ và vui vẻ. "Tôi vẫn tin vào tình yêu. Hy vọng tương lai sẽ có người đàn ông yêu tôi và coi các con tôi như con anh", người phụ nữ 43 tuổi nói.
Phạm Nga - Phan Dương