Nếu có dịp viếng thăm phòng trưng bày thành tựu chinh phục không gian của NASA ở Trung tâm điều khiển bay (Flight Control Center) của NASA ở Houston, bang Texas, bạn sẽ thấy tên của một người Việt được trang trọng tôn vinh: Giáo sư - tiến sĩ toán học Nguyễn Xuân Vinh. Thời mà đại đa số dân Việt còn đi xe đạp thì những nghiên cứu của Nguyễn Xuân Vinh bằng các lý thuyết toán học đã vạch đường bay cho phi thuyền lên mặt trăng.
Chính NASA đã bảo trợ cho Nguyễn Xuân Vinh nghiên cứu thành công việc tính toán quỹ đạo tối ưu cho phi thuyền để làm luận án tiến sĩ. Ông là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người đầu tiên ở Đại học Colorado được cấp bằng tiến sĩ khoa học không gian vào năm 1962 với công trình này. Những lý thuyết của Nguyễn Xuân Vinh đã góp phần quan trọng đưa các phi thuyền Apollo lên được mặt trăng thành công và sau này được ứng dụng vào việc thu hồi các phi thuyền con thoi trở về trái đất.
Hiện chưa thống kê được tổng số người Việt làm ở các cơ quan NASA là bao nhiêu, nhưng chỉ riêng cơ quan Ames Research Center của NASA ở Moffett Field, bang California đã có hơn 100 chuyên gia Việt. Tiến sĩ vật lý thiên văn Eugene H. Trinh (Trịnh Hữu Châu) làm việc ở NASA-JPL. Cùng làm việc ở NASA-JPL, tiến sĩ Nguyễn Thành Tiến đã được NASA trao huy chương ngoại hạng vì những đóng góp quan trọng trong chương trình Galileo đưa phi thuyền thám hiểm sao Mộc.
Trong hội đồng tư vấn quốc tế về hệ thống dữ liệu không gian của NASA-JPL có tên tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến. Jonathan Lee (Điền Lê) ở Marshall Space Flight Center, bang Alabama. Đó chỉ là vài dấu ấn Việt ở NASA của thế hệ người Việt sinh ra trong thập niên 1950 - thế hệ thứ hai sau thế hệ Nguyễn Xuân Vinh.
Eugene H. Trịnh (Trịnh Hữu Châu), sinh 1950 tại Sài Gòn, Tiến sĩ vật lý ứng dụng Đại học Yale 1977, phi hành gia trên chuyến tàu con thoi Columbia 12 số hiệu STS-50 năm 1992, bay lên trạm không gian Skylab trong chuyến bay dài 13 ngày - dài nhất trong toàn bộ chương trình tàu con thoi.
Jonathan Lee (Điền Lê), sinh năm 1959, nhà vật lý bán dẫn và kỹ sư vật liệu kết cấu. Làm việc cho NASA từ 1989, là người phát minh ra hợp kim nhôm - silion cho NASA, là vật liệu có độ chịu lực cao nhưng lại rất nhẹ và giá thành thấp.
Diệp và Hữu Trịnh, hai vợ chồng cùng quê Bạc Liêu. Diệp sinh 1963, hiện là kỹ sư chất liệu kết cấu còn Hữu là kỹ sư hàng không cùng làm việc tại NASA Marshall Space Flight Center. Diệp tham gia nhiều dự án, trong đó có cả dự án phân tích hóa học và bề mặt của gương kính viễn vọng dùng tia X. Còn Hữu chuyên về công nghệ an toàn cho phi thuyền.
Bruce Vu (Thanh Vũ), tiến sĩ ngành kỹ sư hàng không Đại học Mississippi. Chính thức làm việc cho NASA Marshall Center từ 1988, anh chuyên chế tạo các hệ thống giả lập trên máy tính để nghiên cứu động học chất lỏng - những chuyển động của khí và chất lỏng có thể tác động đến các phương tiện lưu giữ, lắp ráp và phóng phi thuyền con thoi. Hiện đang làm việc ở NASA Kennedy Space Center ở Florida nghiên cứu cách ứng dụng công nghệ nano để chế tạo những máy tính có kích thước nhỏ như tế bào.
Thế hệ sinh trong thập niên 1960 trở về sau chiếm đa số trong cộng đồng chuyên gia Việt ở NASA. Tiến sĩ Bùi Trí Trọng hiện đang làm việc ở trung tâm nghiên cứu Dryden Flight Research Center ở Edwards, bang California, chuyên nghiên cứu và thử nghiệm các loại tên lửa.
Bùi Trí Trọng, sinh 1965 tại Sài Gòn. Tiến sĩ hàng không và không gian Đại học Stanford, làm việc cho Glenn Research Center của NASA từ 1997 với công việc khởi đầu là kỹ sư hàng không, hiện đang làm việc ở Dryden Flight Research Center, chuyên nghiên cứu và thử nghiệm các loại tên lửa.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Việt làm việc cho Glenn Research Center ở Cleveland, bang Ohio thiết kế và kiểm tra các thiết bị chẩn đoán cho các buồng đốt hydrô cao áp của động cơ tên lửa. Tiến sĩ Peter Ve Tran (Trần Vệ) hiện là giám đốc chương trình áp suất phi thuyền (Pressure Vessel Program) của Stennis Space Center ở Bay St. Louis, bang Missouri...
Năm 2004, Đinh Bá Tiến lúc đó chỉ mới 25 tuổi đang theo chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ về tin học tại Đại học Huddersfield ở Anh, đã chiến thắng hàng trăm ứng viên khác trên toàn cầu và được tuyển dụng vào chương trình nghiên cứu trí thông minh nhân tạo của NASA để chế tạo các phần mềm điều khiển robot, phi thuyền tự hành.
Trước khi sang Anh, Đinh Bá Tiến là giảng viên của Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM. Dấu ấn Việt ở NASA từ nay bắt đầu có nguồn chất xám Việt được đào tạo ngay trên nước Việt.
(Đại Đoàn Kết)