Ngày 16/3, Mai, nhân viên một công ty logistics tại Brumath, thuộc vùng Grand Est, bị ho và sốt nhẹ. Cô được bác sĩ hướng dẫn nghỉ làm, tự cách ly ở nhà. Đó cũng là lúc Mai tạm dừng tranh luận với các đồng nghiệp người Pháp về mức độ nguy hiểm của Covid-19.
Tại Brumath, cách Paris khoảng hai tiếng đi tàu điện ngầm, những người cùng làm với Mai cho rằng cô lo lắng thái quá về nCoV. Một số người nói họ "sẽ không bao giờ bị nhiễm bệnh". Khi đó, các ca nhiễm Covid-19 ở Pháp tăng nhanh, lên đến 5.400 và hơn 120 người chết.
"Ngày nào tôi cũng xem tin tức, trông ngóng chính phủ Pháp có biện pháp mạnh để chặn dịch. Đến lúc có lệnh phong toả, tôi thấy khá trễ so với tình hình", Mai nói.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 16/3 thông báo đóng cửa biên giới từ 17/3 để kiểm soát nCoV. Ông cũng ra lệnh cấm tập trung đông người trên toàn lãnh thổ Pháp, đề nghị người dân hạn chế nghiêm ngặt việc di chuyển trong ít nhất 15 ngày tới. Khoảng 100.000 nhân viên thực thi pháp luật thực hiện giám sát người dân. Những người vi phạm có thể bị phạt tới 150 USD.
Khi Nguyễn Chi, đang sống tại Paris, chia sẻ thông tin về diễn biến của Covid-19 với chồng, là người Pháp, anh lý giải người dân thờ ơ vì họ coi Covid-19 như cúm mùa. Cúm sẽ qua đi khi trời nắng ấm. Người Pháp tin chính quyền có thể kiểm soát được tình hình vì nước này có hạ tầng y tế và chế độ phúc lợi tốt. Về phía chính phủ, Pháp dường như cố trì hoãn các biện pháp chặn Covid-19 để cứu nền kinh tế. Khi dịch bệnh ở Italy diễn biến nhanh và ngày càng xấu đi, Pháp mới bắt tay hành động.
Lường trước được lệnh phong toả, Chi và chồng lên các phương án đưa hai con nhỏ rời khỏi Paris. Một là về nhà ông bà nội ở ngoại ô, cách thủ đô khoảng 50 km, hai là đến nhà bạn ở vùng xa, cách đến 400 km. Sau đó, vợ chồng cô loại phương án một, vì bố mẹ chồng đã cao tuổi, trong khi gia đình cô có thể mang mầm bệnh mà không biết. Trong lúc chờ bạn báo tin về phương án hai, Chi nghe tin Pháp cấm người dân di chuyển và chấp nhận "sống chung với lũ".
Chạy kịp về nhà riêng ở Créteil, ngoại ô Paris, Huỳnh Dung, không ngờ mình phải đối diện với những trải nghiệm chưa từng có trong 14 năm sống ở Pháp.
"Tôi đi siêu thị để mua gạo, nhưng không thể mua nổi một kg vì người châu Á ở khu này đã mua hết. Họ lo sợ dịch bệnh nên tích trữ nhiều", Dung nói.
Là người làm dịch vụ thuê nhà, Dung nhận thấy dịch bệnh do nCoV diễn biến xấu nên đã huỷ phòng từ đầu tháng ba, chấp nhận bị công ty phạt tiền. Cô cũng bán nhà hàng riêng của mình từ cuối tháng hai. Dung muốn tránh nguy cơ nhiễm Covid-19 cho bản thân và mọi người xung quanh, chấp nhận bị bạn trêu là "nhát gan".
Từ khi có lệnh phong toả, Duyên, nhân viên của hãng chuyên sản xuất dụng cụ cho nghiên cứu khoa học, làm việc tại nhà. Cô chưa rõ khi nào mình sẽ vào danh sách tạm nghỉ do Covid-19. Quán bar của chồng cô đã đóng cửa.
Giữa lúc "cơn bão Covid-19" quét qua, mỗi người Việt ở Pháp tìm thấy niềm an ủi riêng cho mình. Vợ chồng Nguyễn Chi có nhiều thời gian chơi với con hơn, dù phải "đau đầu" nghĩ ra nhiều trò giải trí cho bọn trẻ. Cô cũng đồng tình với ông xã rằng mọi người có cơ hội "sống chậm lại", xem điều gì thực sự cần thiết cho bản thân, trong vòng quay của cuộc sống hiện đại. Ngoài phố, người dân Pháp đã thận trọng hơn khi mang khẩu trang, giữ khoảng cách, tuân thủ quy định của chính phủ để chặn dịch bệnh. Tại các siêu thị, lượng cung hàng hoá trở lại bình thường sau khi hết hàng trong ngày đầu có lệnh phong toả.
Duyên ở Lyon cũng tận hưởng cảm giác quây quần của gia đình. Cậu con trai 9 tuổi, ngoài giờ học online, rất háo hức học làm vườn cùng bố.
Mai ở Brumath vui vì chồng là người Pháp "nhưng không hề thờ ơ với dịch bệnh". Anh ủng hộ sự thận trọng của cô, cho rằng mang khẩu trang là góp phần bảo vệ người khác. Anh cũng chăm sóc vợ chu đáo khi cô nghỉ ốm ở nhà.
Với Dung, cô tránh được cảm giác "ngột ngạt" ở Paris, vì khuôn viên ở ngoại ô rộng rãi và có vườn hoa. Mấy ngày trước, bạn bè Dung ở thủ đô phải mất nhiều thời gian để xếp hàng tại các siêu thị, do mỗi gian hàng chỉ cho một người vào. Ở Créteil, hàng xóm của Dung rủ nhau học theo người Tây Ban Nha, mở cửa sổ vào buổi tối, vỗ tay để cổ vũ tinh thần các bác sĩ và y tá đang làm việc cật lực chống Covid-19.
Eric Nguyễn, đầu bếp của một nhà hàng Pháp tại Paris, cho biết trước mắt anh không phải lo về thu nhập vì chính phủ có trợ cấp cho người lao động, trả hơn 80% lương khi các doanh nghiệp đóng cửa. Chính sách này nhằm hạn chế người dân ra đường đi làm, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.
Tổng thống Pháp Macron ngày 16/3 công bố gói hỗ trợ 300 tỷ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp, cam kết "không bỏ rơi công ty có nguy cơ phá sản". Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire sau đó tuyên bố sẽ huy động thêm 45 tỷ euro cho gói cứu trợ này.
Tuy nhiên, tính đến tương lai gần, nhiều người vẫn rất lo lắng. Eric Nguyễn cho rằng các doanh nghiệp của Pháp sẽ bị ảnh hưởng lớn, nếu dịch bệnh kéo dài. Theo Nguyễn Chi, với biện pháp tài chính mạnh tay, chính phủ Pháp sẽ chịu gánh nặng lớn về ngân sách để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp.
Huỳnh Dung dự đoán nhiều người bị thất thoát tài sản do Covid-19, nhiều nơi rơi vào cảnh hỗn loạn. Cô dự định sẽ chuyển đổi nghề để thích ứng với sự thay đổi của tình hình.
Với Duyên, cô trông đợi chính phủ ra quy định cụ thể hơn để hỗ trợ các chủ nhà hàng, quán bar và các ngành liên quan.
"Nhiều người đang lo không biết tình trạng kinh tế của mình sẽ ra sao", Duyên nói.
Dù bị sốt nhẹ, Mai muốn được xét nghiệm nCoV để biết tình trạng của mình. Tuy nhiên chính quyền chưa thực hiện đại trà, chỉ áp dụng với người có vấn đề về hô hấp. Mai hạn chế ra đường và hẹn khám với bác sĩ qua ứng dụng có video.
Do công việc liên quan đến vận chuyển thực phẩm, Mai không thể làm việc tại nhà, cô sẽ phải đi làm lại khi hết ốm. Tại Brumath, nhiều người không tuân thủ lệnh hạn chế đi lại của chính phủ.
"Tôi mong chính quyền có biện pháp cứng rắn hơn để đảm bảo an toàn cho những người bắt buộc phải đi làm. Nếu không họ sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh", Mai nói.