Thủ đô Bắc Kinh hiện là vùng dịch nghiêm trọng nhất Trung Quốc kể từ đầu tháng 2, với hơn 200 ca nhiễm mới, đều liên quan tới chợ đầu mối nông sản Tân Phát Địa ở tây nam thành phố. Bắc Kinh ngay lập tức nâng cảnh báo lên mức hai, trong thang cảnh báo 4 cấp về phòng chống dịch, đóng cửa một số khu chợ, tất cả các trường học và huỷ hàng nghìn chuyến bay, khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển ra khỏi thành phố.
Đoàn Thị Quỳnh, 34 tuổi, định cư tại Bắc Kinh gần 8 năm, cho biết khu nhà cô ở không bị phong tỏa, nhưng cấm người ngoài vào. Người bên trong phải trình mã chứng nhận sức khỏe và kiểm tra thân nhiệt mỗi khi ra vào.
"Từ khi Bắc Kinh tái bùng dịch, đường sá khu nhà tôi không một bóng người. Mọi khi trẻ con hay được cho ra ngoài chơi, nhưng giờ ai cũng sợ, không dám ra đường", Quỳnh nói.
Siêu thị gần nhà chị vẫn mở cửa, đầy đủ hàng hóa, dù lượng ít hơn bình thường. Quỳnh ở nhà với con từ tháng 2, khi dịch mới bùng phát, tới nay. Mẹ chị cũng kẹt lại Bắc Kinh từ Tết. Là đại diện một công ty du lịch, Quỳnh cho biết cả ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Những ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng, cắt giảm nhân sự như công ty xây dựng của chồng chị.
"Từ tháng 2 tới nay tôi thất nghiệp, ở nhà trông con, chồng nuôi", chị nói. "Tuy bị cắt nửa lương nhưng may mà chồng tôi không nằm trong số nhân sự cắt giảm, không thì cả nhà gay go".
Có khoảng 30 phụ nữ Việt lấy chồng và định cư tại Bắc Kinh. Nguyễn Thị Thu Hà, 35 tuổi, học tập và sinh sống ở Bắc Kinh từ năm 2012. Lập gia đình và có một con gái 3 tuổi, Hà cho biết từ Tết hội "cô dâu Việt" không tụ tập vì dịch.
"Một số người về Việt Nam từ Tết, mắc kẹt trong nước do đóng đường bay. Một số ở lại nhưng vì dịch nên không đi đâu, chỉ ở nhà", Hà nói.
Tốt nghiệp tiến sỹ đại học Thanh Hoa và đang làm dự án hậu tiến sỹ về tài chính kinh tế ở Viện nghiên cứu kinh tế Bắc Kinh nhưng từ Tết Hà phải học và làm việc qua mạng. Gia đình Hà sống gần đại học Thanh Hoa, quận Hải Điến, phía nam thành phố và là vành đai các trường đại học. Các trường ở Bắc Kinh đều đóng cửa, mọi hoạt động giảng dạy và học tập đều tiến hành qua mạng. Đa số lưu học sinh cũng đã về nước.
Theo Hà, khi Bắc Kinh đóng cửa chợ Tân Phát Địa tuần trước, nhiều người ban đầu hoang mang, đổ xô mua đồ tích trữ. Tuy nhiên, qua vài ngày, tâm lý mọi người đã ổn định, lượng hàng hóa từ tỉnh ngoài liên tục cung ứng cho thủ đô trong đêm.
"Khu nhà tôi không bị cách ly, vẫn tự do ra đường, chỉ cần trình giấy chứng nhận sức khỏe và kiểm tra thân nhiệt", Hà cho biết. "Tuy nhiên, hôm nay vừa phát hiện một ca nhiễm mới, là y tá bệnh viện quốc tế Bắc Kinh. Có lẽ ngày mai khu nhà tôi không còn được tự do ra vào nữa".
Vũ Thu Hiên, đang học tiến sỹ năm ba tại Đại học Nhân dân, là người Việt duy nhất còn ở lại ký túc xá trong trường từ Tết. Hiên chưa ra ngoài trường kể từ tháng hai, dành phần lớn thời gian làm luận án.
"Tôi tự nấu ăn. Trong trường có cửa hàng bán hoa quả, rau củ, thịt cá. Thỉnh thoảng tôi đặt mua đồ trên mạng", Hiên cho biết. "Tôi hay đi dạo xung quanh trường, vẫn còn một số lưu học sinh nước khác ở lại nhưng chúng tôi hạn chế giao lưu để phòng trách dịch".
Hồng Hạnh