Trong một studio yên tĩnh ở Bắc Kinh vào giờ nghỉ trưa, Xuan Yi cuối cùng cũng đạt được mong muốn sau nhiều tháng, đó là một giấc ngủ ngon. Một báo cáo của Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc chỉ ra rằng khoảng 300 triệu người nước này bị mất ngủ, hậu quả của nền văn hóa làm việc căng thẳng và áp lực. Xuan đã thử nhiều biện pháp, từ tư vấn tâm lý đến sử dụng tinh dầu nhưng vẫn mất ngủ triền miên.
"Công việc của tôi rất áp lực. Tôi không thể đi ngủ trước 2-3h sáng và 7h đã phải dậy đi làm", Xuan nói. "Cuối tuần tôi cũng phải tăng ca. Tôi đã không ngủ ngon trong thời gian dài".
Khi rèm cửa kéo lại, tiếng chuông bát vang lên trong studio của nhà trị liệu giấc ngủ bằng âm thanh Li Yan, cuối cùng Xuan cũng chìm vào giấc ngủ. Cô và những người cùng thế hệ thiên niên kỷ đã lắng nghe những âm thanh như tiếng cồng, tiếng trống nước, ống tạo tiếng mưa và trống hang.
50 phút sau, họ thức dậy, cảm nhận được giấc ngủ ngon nhất trong nhiều năm với chi phí 180 tệ (25 USD).
"Hơn chục người tâm trí đang căng thẳng nằm xuống cùng nhau, muốn cho não được nghỉ ngơi trong phút chốc", Li nói. "Giống như điện thoại đang từ 3% pin sạc đầy 100%".
Li cho hay "áp lực", "lo lắng", "mất ngủ", là những từ khách hàng hay nói nhất. Cô thường xuyên nhận cuộc gọi từ khách hàng đang mong muốn nghỉ ngơi. "Tôi cần liệu pháp này ngay lập tức, trong nửa tiếng, tôi mệt quá", Li nhắc đến những gì họ nói với cô.
Nhiều khách hàng làm việc trong ngành công nghệ thông tin đầy cạnh tranh của Trung Quốc, ngành có tỷ lệ trầm cảm và căng thẳng cao nhất, theo Sách trắng quốc gia về y tế.
Những công ty lớn như Alibaba, nơi yêu cầu nhân viên làm việc nhiều giờ, còn sử dụng các buổi trị liệu của Li làm hoạt động team-building.
Những nhạc cụ Li sử dụng gắn liền với xu hướng đang nổi lên là "những phút giải thoát ngắn ngủi", trong đó giới trẻ chọn cách thoát khỏi cuộc sống bận rộn hàng ngày bằng ít phút hoàn toàn thư giãn.
Vây quanh studio của Li là những tòa cao ốc văn phòng ở trung tâm Bắc Kinh. Studio cung cấp khoảng thời gian nghỉ ngơi phù hợp với thói quen bận rộn của người lao động trẻ. Cô nhận thấy nhu cầu về "nền kinh tế giấc ngủ" đang tăng lên từ thời Covid-19, đại dịch khiến số ca trầm cảm và lo lắng trên thế giới tăng 25% trong năm đầu tiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
"Nhiều cảm xúc và vấn đề nổi lên, người ta phải học cách đối mặt với nội tâm", Li nói. "Nhiều người đang tích cực tìm kiếm giải pháp từ sau đại dịch".
Tại một đất nước mà nhiều người tìm đến trò chơi điện tử và mua sắm để thư giãn, "thả lỏng, thư giãn và cảm nhận niềm vui dường như là xa xỉ phẩm", Li nói.
Với Xuan, cô rất vui khi được ngủ ngon bởi "nếu không chi tiền cho những buổi trị liệu thế này, có lẽ đến bệnh viện còn mất nhiều tiền hơn".
Hồng Hạnh (Theo AFP)