![]() |
Kim Chi, Hồng Vân và Bằng Kiều tập diễn. |
Tác giả kịch bản Lê Chí Trung:
- Tại sao anh đặt tên kịch là "Giải oan Thị Mầu", có phải đây là chủ đề chính của vở?
- Tôi cùng với ê-kíp thực hiện thử đưa ra một cách nhìn mới về Thị Mầu. Bởi vì, trong lịch sử của nghệ thuật sân khấu, Thị Mầu không đại diện cho tính cách của người phụ nữ dưới thời phong kiến. Thí dụ, cô ta có lẳng lơ đến mấy cũng không dễ dàng bỏ rơi đứa con, quay lưng lại với tất cả những gì mình đã từng gắn bó. Chúng tôi muốn đưa ra một Thị Mầu khao khát tình yêu chính đáng, khao khát sự vùng dậy để đạp đổ những lệ làng, những thói đạo đức giả, những quan niệm cổ hủ... từng chà đạp lên thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến.
Đạo diễn Hồng Vân:
- Chị có suy nghĩ thế nào khi nhận làm đạo diễn vở này cùng Đức Hải?
- Tôi và Đức Hải rất thích cách đặt vấn đề của vở. Chúng tôi muốn đặt tình người trong nhân vật Thị Mầu ngay từ tên gọi kịch bản "Giải oan Thị Mầu". Nhận thức và đánh giá về một con người cũng cần xem xét trong từng hoàn cảnh. Không nên coi họ hoàn toàn xấu, bởi vì mỗi người đều có một bi kịch riêng.
- Xin chị cho biết về phong cách dàn dựng vở kịch?
- Vẫn giữ sự dí dỏm của phong cách biểu diễn trên sân khấu cổ truyền như sân khấu chèo, kể cả trang phục lẫn âm nhạc.
Đạo diễn Đức Hải - vai Nô:
- Cảm nghĩ của anh khi thể hiện vai diễn này?
- Tôi muốn xây dựng nhân vật anh Nô thật dung dị, chân chất, tưởng ngố mà không phải ngố. Đó là một người lao động có sức vóc, luôn khát khao, khi bị chèn ép quá đã phản ứng để đòi lại sự công bằng trong cuộc sống. Số phận của con người là khác nhau nhưng đôi khi mơ ước của họ chỉ bình dị, đơn giản như khát vọng được làm chồng, làm bố của anh Nô.
Ca sĩ Bằng Kiều - vai lý trưởng:
- Tại sao anh lại đến với sân khấu kịch?
- Từ nhỏ, tôi thích sân khấu kịch, thích nghiên cứu, khám phá sân khấu. Nhân vật lý trưởng có rất nhiều trạng thái tâm lý tình cảm, nên tôi đã nhận vai này.
- Anh có gặp trở ngại nào không?
- Tôi tin rằng mình sẽ hoàn thành tốt vai diễn và không trông mong vào sự thông cảm của khán giả. Tôi muốn họ nhìn mình như một diễn viên kịch chuyên nghiệp, bởi tôi là "con nhà nòi" mà.
- Khi diễn chung với các nghệ sĩ có tên tuổi, anh có lo lắng không?
- Tôi rất vui và tự hào khi được tham gia với các nghệ sĩ kịch nói rất giỏi nghề như Hồng Vân, Văn Thành, Đức Hải... Đó là một sự may mắn.
- Cát-xê trong các show hát hàng đêm của anh cao hơn nhiều so với thù lao cho diễn viên kịch. Anh nghĩ sao về điều này?
- Đối với tôi, điều đó không quan trọng, nếu quan tâm đến chuyện cát-xê tôi đã không nhận vai.
- Nếu thành công với kịch nói thì nghiệp ca hát của anh sẽ bị gián đoạn?
- Lần này, nếu thành công, tôi nghĩ rằng ca nhạc và kịch nói sẽ hỗ trợ và bổ sung cho nhau và như thế tôi là người hạnh phúc.
Trịnh Kim Chi - vai Thị Kính:
- Bạn có gặp khó khăn gì trong vai diễn này không?
- Lần đầu tiên được nói tiếng Bắc, tôi rất thích thú. Vai Thị Kính đẹp từ tâm hồn đến vẻ ngoài. Tôi muốn thể nghiệm sự sáng tạo trong cảnh Thị Kính nhận nuôi con của Thị Mầu.
Cát Phượng - vai Thị Mầu:
- Trong vở diễn này, Thị Mầu sẽ có một diện mạo khác. Vậy bạn sẽ thể hiện thế nào?
- Lâu nay, khán giả thường nghĩ Thị Mầu là một cô gái lẳng lơ nhưng trong kịch bản, khán giả sẽ được chứng kiến một cô Mầu rất cuồng nhiệt, khao khát được sống và được yêu. Đó là tính cách lẳng lơ đáng yêu.
- Lớp diễn nào Cát Phượng có nhiều cảm xúc nhất?
- Đó là lớp Thị Mầu chạy đến cửa Phật tìm Thị Kính xin lại con, bất chấp cả lệ làng. Cô đã có những suy nghĩ mạnh mẽ, vượt qua sự hà khắc của luật lệ phong kiến.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)