"Tôi không tin vào tai mình vì bố mẹ vốn là người rất truyền thống. Mẹ còn làm ở trường học'', cô kể. Hồi đó, Thảo đã có một danh sách những hình muốn xăm, nhưng sợ ba mẹ phản đối nên chỉ để đó, đợi khi nào có công việc ổn định mới xin phép.
Một lần hai mẹ con đi khai báo y tế, được tặng một dán nhãn hình mặt cười, chị Thu Hương, 44 tuổi, thấy ngộ nghĩnh nên rủ con ''xăm hình này để có gì nhìn cho vui''.
Sau khi hai mẹ con đi xăm về, bố Thảo chỉ hỏi có đau không và nói "miễn sao hai mẹ con thấy vui là được".
Sau lần được bố mẹ "bật đèn xanh" đó, cô gái bắt đầu xăm hình theo sở thích. Sau bốn năm, cô có 5 hình xăm trên tay, cái nào cũng lớn bằng bàn tay.
Cuối tháng 12, một cậu bé 13 tuổi gõ cửa tiệm xăm của anh Lê Dương Thanh, 30 tuổi, một trong những tiệm lớn nhất miền Tây. Chủ tiệm từ chối vì chỉ xăm cho người đủ 18 tuổi trở lên hoặc có bố mẹ dẫn đến. Ngày hôm sau, cậu bé đi cùng người đàn ông, xưng là bố. ''Dù sao xăm cũng là một nghệ thuật. Cháu nó rất mê, nhờ em xăm giúp'', người đàn ông nói.
Sợ cậu bé thuê người đóng giả bố, anh Thanh gọi điện cho mẹ cậu, hỏi thêm một số nơi xác minh. ''Em không xăm thì anh chị cũng phải đưa cháu đến tiệm khác, vì đã hứa với con rồi'', người mẹ nói.
Khi chắc chắn đúng là bố mẹ cậu bé ủng hộ, Thanh xăm hình con rồng kín bàn chân như nguyện vọng của khách.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương (Hội bảo vệ quyền lợi trẻ em) cho biết ngày này cha mẹ ủng hộ con xăm hình không hiếm. Thậm chí, có những người giống mẹ Thu Thảo, đi xăm cùng con.
Nhà tâm lý cho rằng vẻ bề ngoài chỉ nói lên cá tính, phong cách, đôi khi là biểu đồ cảm xúc của một người chứ không thể đánh giá nhân cách của người đó. Một số phụ huynh hiểu được điều đó nên không còn kỳ thị xăm hình và cấm đoán con.
"Quy chuẩn xã hội thay đổi theo thời gian, các trào lưu như một dòng nước. Những người bố mẹ đó không lấy quy chuẩn của thế hệ này áp đặt lên thế hệ khác", bà nói.
Hơn 10 năm làm nghề xăm hình, anh Lê Dương Thanh cho biết quan niệm về hình xăm của người Việt thay đổi đáng kể từ khoảng năm 2017-2018 trở lại đây. Nhiều người tự tin và thoải mái chia sẻ hình xăm của mình lên mạng xã hội trong khi những người khác có cái nhìn bớt khắt khe hơn.
''Thời của tôi, chỉ xăm hình ngôi sao nhỏ xíu là mẹ đánh đòn. Giờ không chỉ đưa con đi xăm, nhiều bố mẹ, thậm chí ông bà còn mang con đến học làm thợ xăm'', anh Thanh nói.
Báo cáo nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam 2020 của Hội đồng Anh cho thấy, 75% người trẻ cảm thấy được cha mẹ tạo điều kiện để tự đặt ra nguyên tắc sống cho đời mình, thể hiện ý thức độc lập và tự chủ. "Người trẻ tham gia khảo sát cảm nhận cha mẹ không can thiệp nhiều như trước. Họ cho con nhiều quyền tự quyết hơn", báo cáo viết.
Bà Hồng Hương cho rằng ủng hộ con xăm hình không chỉ giúp cha mẹ và con kết nối mà còn giúp phụ huynh có thể định hướng con nên xăm hình thế nào, chọn loại mực nào an toàn hay cân nhắc xăm có ảnh hưởng đến tương lai con mình hay không.
Tiến sĩ Cherry Vũ, tác giả sách "Con mình chẳng lẽ lại "vứt"?" và "Thế bây giờ mẹ muốn cái giề?" ở New Zealand cho biết, con trai đầu của chị xăm lúc 18 tuổi, con trai thứ hai xăm lúc 16 tuổi.
Cậu lớn mê nhạc rock nên tự xăm kín cánh tay và xăm lên đầu những hình theo phong cách đó. Còn cậu thứ hai được mẹ đưa đi khi chưa đủ tuổi. Hình xăm đầu tiên của cậu là Tom và Jerry, nhân vật hoạt hình yêu thích hồi bé. Lớn hơn, cậu xăm hoa anh đào (là tên mẹ) và Shaun the sheep - cũng là một nhân vật hoạt hình yêu thích.
"Tôi hỏi và dặn nên nghĩ thật kỹ trước khi chọn hình xăm cho khỏi hối tiếc sau này", chị nói.
Đến giờ, hai con chị chưa bao giờ hối tiếc về những hình xăm chúng chọn.
Chị Cherry Vũ cho biết, ở New Zealand, mọi người đều tự do thể hiện bản thân nên xã hội không đánh giá xăm trổ là tốt hay xấu. Con trai lớn của chị là cố vấn cao cấp của một cơ quan chính phủ dù trên người khá nhiều hình xăm dị. Mỗi khi nhìn thấy những hình xăm, mọi người thường hỏi về ý nghĩa của chúng và lý do cậu chọn hình đó.
Ở Việt Nam, nhiều người chưa thực sự cởi mở như vậy. "Tôi nghĩ có phụ huynh cấm con xăm, đôi khi không phải vì không ủng hộ và vì sợ con bị xã hội phán xét, ảnh hưởng đến tương lai', chị nói.
Một khảo sát của VnExpress với gần 2.000 độc giả cho kết quả gần 50% nói không muốn làm việc chung với người có hình xăm trên cơ thể. Nhiều người đã phải đi xóa hình xăm vì ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 cho biết trong năm 2024 trung bình mỗi tháng tiếp nhận khoảng 130-150 lượt xóa xăm, tăng khoảng 30% so với năm trước. Người đi xóa xăm hầu hết ở tuổi 15-35, phần lớn là nam.
"Họ hối hận, lo lắng khi hình xăm ảnh hưởng tới công việc, học tập, các mối quan hệ hoặc không còn phù hợp với hiện tại", BS.CKI Quách Thị Bích Vân, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải thích.
Tuy vậy, tiến sĩ Cherry Vũ khuyên cha mẹ đừng coi xăm hình là vấn đề đạo đức và tôn trọng quan điểm cá nhân của con, khi chúng đủ trưởng thành. Quan niệm về thẩm mỹ đang dần thay đổi. Xăm hình cũng là một nghệ thuật. "Cấm quá con không vui, mình không vui, lại mất kết nối. Suy cho cùng, cơ thể con là của con mà", chị nói.
Chuyên gia Hồng Hương khuyên người trẻ thể hiện cá tính là tốt, nhưng cần cân nhắc về hình xăm để thích nghi với từng môi trường, phù hợp với hoàn cảnh, đặc thù công việc, nhằm phát triển bản thân và góp phần vào tiến bộ xã hội.
Với phụ huynh, nên gợi ý cho con lập kế hoạch tầm nhìn ở tuổi 35 trong 6 lĩnh vực, gồm những câu hỏi: Bạn bè và mối quan hệ của tôi sẽ như thế nào? Sức khỏe của tôi thế nào? Tài sản thế nào? Những nơi mình muốn đến? Phẩm chất mình muốn có Gia đình tôi muốn xây dựng (có chồng/vợ/con, giữ vai trò gì trong gia đình).
Khi đã định hình được mình ở tuổi 35, người trẻ sẽ tự biết mình có nên xăm hình hay không.
Phạm Nga