"Tôi phải làm đủ việc, từ nhân viên pha chế, thợ ảnh, xe ôm, trung bình 13 tiếng mỗi ngày nhưng vẫn thấy thích vì đầu óc được thảnh thơi", Đạt, 26 tuổi, cử nhân ngành Luật, nói.
Chàng trai quê Bắc Giang cho biết từng trải qua nhiều công việc văn phòng khác nhau ở thủ đô nhưng "thấy không được làm chủ cuộc sống", thường xuyên phải chạy deadline, bị sếp dọa đuổi việc nên quyết định "lên núi chữa lành".
Làm việc ở Tà Xùa, Đạt thừa nhận thu nhập rất không ổn định, có tháng được 30 triệu nhưng cũng có khi chỉ được 5 triệu. "Nhưng thích nhất là mỗi khi thấy cần được nghỉ ngơi tôi có thể tự sắp xếp công việc, làm ít lại", anh nói.
Mỗi ngày, anh thức dậy lúc 5h giữa khung cảnh được bao bọc bởi mây trời. Dù lương thấp, Đạt vẫn thấy hạnh phúc, yêu đời, được trò chuyện với du khách từ khắp nơi.

Hữu Đạt ở Tà Xùa, Sơn La, tháng 12/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đạt là một trong số nhiều người trẻ tham gia vào xu hướng bỏ việc văn phòng, đi làm nghề tay chân để "tìm lại bình yên trong tâm hồn".
"Xu hướng này xuất hiện từ cách đây chừng hai, ba năm nhưng rộ nhất từ năm 2024. Nhiều bạn trẻ có kinh nghiệm, học vấn cao nhưng tự nộp đơn vào làm nhân viên tạp vụ ở các homestay, khách sạn", quản trị viên của nhóm Tuyển dụng việc làm Hà Nội với hơn 200.000 thành viên nói. Trung bình mỗi tháng nhóm nhận được khoảng 1.000 hồ sơ xin việc nhưng đa số nhắm đến các công việc part-time.
Bà Thái An, chủ một chuỗi homestay ở Đà Lạt, nói từ năm ngoái đến nay đã nhận hàng trăm hồ sơ của những người trong độ tuổi 20-27 xin làm nhân viên phục vụ. "Ban đầu tôi khá ngạc nhiên vì thấy họ có học vấn khá cao, trình độ ngoại ngữ tốt, có nhiều tài lẻ như chụp ảnh, thiết kế, sáng tạo nội dung nhưng chỉ xin làm việc tay chân với lý do 'đỡ áp lực'", bà An nói.
Một số người tiết lộ, điểm hấp dẫn của vị trí nhân viên phục vụ là được tự do làm việc khác khi không có khách, không ràng buộc KPI.
Quản trị viên nhóm "Tình nguyện viên nông nghiệp xanh" với hơn 80.000 thành viên cũng ghi nhận xu hướng này. Từ giữa năm ngoái, lượng người trẻ quan tâm tới công việc trong trang trại ở các tỉnh như Hà Nội, Hòa Bình, Đăk Nông, Đăk Lăk và Lâm Đồng, tăng mạnh.
Người trẻ Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Mỹ cũng đang cuốn theo xu hướng này. Thống kê hồi cuối năm 2024 ở Trung Quốc cho thấy 24% lao động có trình độ vượt quá yêu cầu vị trí hiện tại của họ trong khi 34% làm việc không liên quan đến lĩnh vực được đào tạo. Ở Mỹ, số sinh viên đăng ký vào các trường cao đẳng cộng đồng tập trung vào dạy nghề đã tăng 16% vào năm ngoái.
Chuyên gia nhân sự Bùi Đoàn Chung, người sáng lập cộng đồng Nghề nhân sự Việt Nam, nói hiện tượng trên có nhiều lý do. Đầu tiên, Gen Z ưu tiên cân bằng công việc và cuộc sống hơn hẳn các thế hệ trước. Trong nhiều giai đoạn, họ chỉ thu nhập đủ trang trải ở mức tối thiểu. Trong khi đó, các công việc tay chân dễ làm, lại tự do, thoải mái, không bị gò bó về thời gian hay quản lý rất hợp với nhu cầu của người trẻ.
Một số người còn khẳng định, dù là việc tay chân nhưng nếu chăm chỉ có thu nhập cao hơn nhân viên văn phòng trong khi áp lực tinh thần ít hơn.
Hiện tượng "chuộng việc tay chân" khiến thị trường tuyển dụng ngày càng khó khăn, đặc biệt với các công việc cần người trẻ có trình độ. Điều này làm thay đổi cơ cấu thị trường lao động, khi một lượng lớn nhân lực có trình độ không còn tham gia vào các ngành nghề phù hợp với chuyên môn của họ.
Ở phía ngược lại, người trẻ có trình độ cũng phải cạnh tranh với lao động lớn tuổi hoặc chưa qua đào tạo để làm những công việc không đòi hỏi nhiều kỹ năng.

Triệu Xuân Ninh, 23 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, tháng 1/2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Xuân Ninh, 23 tuổi, chán nản với môi trường công sở nên quyết định chạy xe ôm công nghệ và làm nhiếp ảnh part-time tại một studio ở Hà Nội.
Từ bỏ công việc lương ổn định, anh đối mặt nhiều khó khăn vì thu nhập chạy xe phụ thuộc vào số cuốc và thời tiết, còn chụp ảnh thời vụ dựa vào lượng khách. Sau gần một năm làm tự do, chàng trai 23 tuổi nhận ra công việc tay chân cũng có những áp lực riêng.
"Nghề nào cũng cần chăm chỉ, kiên nhẫn và tự đặt mục tiêu nếu không sẽ chìm trong những căng thẳng kiểu khác", Ninh nói.
Chuyên gia nhân sự Bùi Đoàn Chung cho rằng, để cân bằng giữa tự do trong công việc và tài chính, người lao động cần cân nhắc kỹ lưỡng và ưu tiên theo từng thời điểm. Chỉ khi đủ năng lực và kinh nghiệm, họ mới có thể chọn việc vừa đảm bảo thu nhập vừa linh hoạt.
Ông nhấn mạnh rằng "tự do" trong công việc không có nghĩa là tùy hứng mà đòi hỏi tự chủ, trách nhiệm và kỷ luật. Người lao động cần hoàn thành công việc đúng hạn, đảm bảo chất lượng.
Đồng thời, chuyên gia cũng cảnh báo việc chạy theo xu hướng mà không chuẩn bị dễ dẫn đến thất bại. Họ cần chủ động học hỏi, đánh giá năng lực để chọn công việc phù hợp, tránh sa đà vào công việc ngắn hạn, kém giá trị lâu dài.
Mai Anh, người từng làm quản lý truyền thông cho một công ty giáo dục ở TP HCM nay là nhân viên phục vụ của một homestay ở Đà Lạt, hiểu được tình thế của mình. Cô vận dụng kinh nghiệm truyền thông nhiều năm của mình để tăng thu nhập như làm part time trực tuyến cho các tổ chức giáo dục, sự kiện, làm nội dung quảng cáo cho các thương hiệu cà phê, thời trang.
Để duy trì thu nhập ổn định ngay cả mùa du lịch thấp điểm, Hữu Đạt trở thành người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Các video quay cảnh chạy xe ôm, bán cà phê, chụp ảnh nơi núi rừng thu hút triệu lượt xem giúp anh có thêm khách đặt dịch vụ.
"Kiếm tiền từ lao động tay chân cũng cần tri thức, sáng tạo và không ngừng học hỏi," Đạt chia sẻ.
Nga Thanh - Ngọc Ngân