![]() |
NSƯT Thanh Nga. |
Khi ông Lân chở Thanh Nga và con trai vượt lên khỏi chiếc xe khoảng 20m để quẹo về nhà mình ở đường Ngô Tùng Châu (nay là đường Lê Thị Riêng, quận 1) rồi nhìn lại, vẫn thấy chiếc Volkswagen nọ bám sau đuôi. Những tình tiết đáng ngờ như thế đã khiến lực lượng điều tra ráo riết tiến hành soát xét hàng nghìn chiếc Volkswagen đang lưu hành trên địa bàn TP HCM lúc bấy giờ. Nhưng rốt cuộc, chiếc Volkswagen trên là xe của Đài Tiếng nói Việt Nam II chở phát thanh viên đi công tác về.
Ban chuyên án cũng phải sàng lọc hơn 3.000 người lai Tây có mặt ở thành phố chỉ vì một trong người nghi giết Thanh Nga là lai Pháp. Giai đoạn đầu của cuộc điều tra đã thu thập các chi tiết về đời sống tình cảm của Thanh Nga và không loại trừ khả năng cô bị bắn chết do ghen tuông, mâu thuẫn trong tình yêu, nên ban chuyên án đã hướng sự chú ý đặc biệt tới những người chồng và những người tình cũ của Thanh Nga.
Thanh Nga là vợ của nghệ sĩ Thành Được (ở Đoàn Cải lương Sài Gòn I) trước khi lấy ông Phạm Duy Lân. Theo tài liệu của Tổng cục Cảnh sát nhân dân, Thành Được có một thời yêu say đắm Thanh Nga nhưng không được yêu lại. Ông vẫn đeo đuổi và dùng cả thế lực ngoài đời để lôi kéo người đẹp trên sân khấu về với mình, cho đến lúc Thanh Nga ưng chịu. Dẫu đã nên vợ nên chồng nhưng cá tính hai người vẫn xung khắc nặng nề và cuối cùng chia tay. Khi đã ly thân, Thành Được vẫn mời Thanh Nga đi biểu diễn nhưng bị từ chối. Mặc dù gặp phải thái độ lạnh nhạt của cô song Thành Được cũng khó mà nung nấu ghen tức năm này qua năm khác đến nỗi nhúng tay vào cái chết của người mình từng yêu được. Sau này, nghệ sĩ Thanh Kim Huệ trong một chuyến du lịch sang Mỹ gặp Thành Được bên đó mới hỏi ông rằng: "Nay đã qua ngưỡng thất thập cổ lai hy rồi, ngẫm lại trên đường tình anh thấy thương ai nhất?". Thành Được đáp: "Đến bây giờ, tôi thương Thanh Nga nhất, cô ấy là một nghệ sĩ có tâm tính hiền lành, trong sáng". Tên ông được loại ra khỏi các đối tượng bị nghi ngờ và ban chuyên án hướng "ống kính nghiệp vụ" đến một gương mặt khác từng là sĩ quan cấp tá chế độ cũ, ông Nguyễn Minh Mẫn, cũng là chồng cũ Thanh Nga.
Ông Mẫn thương Thanh Nga lúc bà đã sáng chói trên sân khấu cải lương. Ngoài đời, Thanh Nga duyên dáng và có sức thu hút. Tuy ông Mẫn không phải là nghệ sĩ, nhưng ông có tâm hồn tài tử. Theo hồ sơ vụ án, do vung tiền tiêu pha tới mức thâm lạm công quỹ nên phải ngồi tù. Cưới Thanh Nga rồi tan vỡ. Thanh Nga đi lấy chồng khác, ông không tránh khỏi buồn rầu, ghen tức và trả thù? Khi được xét hỏi, ông khai báo khớp thời gian và nơi ở của mình trong đêm xảy ra cái chết của Thanh Nga, xác minh không phải là thủ phạm, ông bảo: "Đã lâu không còn lui tới và cũng chẳng tức tối, để tâm oán ghét gì Thanh Nga nữa".
Và những người khác như thợ chụp ảnh Trần Triệu Bình (có mặt trong lễ khâm liệm và lễ tang vợ chồng Thanh Nga), Chánh Hồng Phước (tức Phước Tây lai - nhân viên hậu trường của Đoàn Cải lương Thanh Minh bị đuổi việc), Trần Phương Quốc (là người lai Pháp sống tại một ngôi chùa ở đường Nơ Trang Long, Bình Thạnh) và một nghệ sĩ nổi tiếng khác cũng thành đối tượng nghi vấn. Nhưng trước sau tất cả 7 người trong danh sách tình nghi đã giết Thanh Nga bị loại bỏ hết.
Thanh Nga tên thật là Nguyễn Thị Nga, theo đạo Phật, pháp danh Diệu Minh, sinh ngày 31/7/1942 tại Tây Ninh. Chồng bà, ông Phạm Duy Lân, tức Hà Duy, sinh năm 1923. Theo lời một nữ nghệ sĩ thân thiết với bà, Thanh Nga là người tin số mệnh và đa cảm. Bà và ông Lân không sinh cùng ngày, nhưng chết cùng giờ, thậm chí cách nhau chỉ vài phút, cùng một chỗ, một tình cảnh và một hung thủ lạ mặt, cứ y như ứng với câu thơ tiền định: Anh và em sống giữa cõi mây này. Chẳng có lúc nào chẳng nhớ nhau. Như mây bay mãi, bay bay mãi. Sinh chẳng cùng năm - nguyện chết cùng ngày...
(Theo Thanh Niên)