Thứ hai, 27/1/2025
Chủ nhật, 17/7/2016, 01:00 (GMT+7)

Những người thừa kế giàu nhất Ấn Độ

Họ đều được thừa hưởng khối tài sản hàng tỷ USD sau khi tiếp quản công ty gia đình.

1. Benu Gopal Bangur

Mugneeram Bangur - ông của Benu Gopal Bangur có một nhà máy xi măng rất lớn với tên Digvijay Cement. Việc kinh doanh sau đó được chia đều cho các người con của Mugneeram. Narain Dass Bangur - một trong những người con trai đã lấy đây làm nền tảng để mở rộng sang cả bất động sản, cổ phiếu, sợi đay, giấy và năng lượng.

Đến năm 1995, đế chế đa ngành này lại được chia cho 5 người thừa kế, trong đó có Benu Gopal Bangur (84 tuổi). Cùng với người anh Purushottam Das, ông kiểm soát một số mảng kinh doanh, trong đó có Shree Cement. Sau đó, Benu dần tiếp quản hoàn toàn Shree Cement và leo lên ghế chủ tịch. Ông hiện có 3,1 tỷ USD cổ phần trong này, chiếm phần lớn trong tổng tài sản 3,4 tỷ USD.

2. Indu Jain

Ramakrishna Dalmia mua hãng truyền thông Bennett, Coleman & Company Limited (BCCL) năm 1946. Hai năm sau, con rể ông - Sahu Shanti Prasad Jain tiếp quản công ty và trở thành chủ tịch. Sau đó, con trai ông này - Ashok Jain tiếp nhận chức vụ từ cha, cho đến khi qua đời năm 1999.

Hiện vợ Ashok Jain - bà Indu Jain (79 tuổi) làm chủ tịch công ty. Cổ phần của bà trong BCCL trị giá 2,1 tỷ USD. Tổng cộng, bà có khối tài sản 3,5 tỷ USD.

3. Srichand Parmanand Hinduja và Prakashchand Parmanand Hinduja

Hinduja Group thành lập năm 1914, gồm nhiều mảng kinh doanh, từ ôtô, IT, truyền thông, giải trí, ngân hàng, xây dựng,… Khi nhà sáng lập - Parmanand Deepchand Hinduja qua đời năm 1971, các con trai của ông - Srichand, Gopichand, Prakashchand và Ashok chia nhau tiếp quản đế chế này.

Cổ phần của Srichand và Prakashchand trong Hinduja Group trị giá 4,4 tỷ USD mỗi người. Tổng tài sản của họ đều là 5,3 tỷ USD. Srichand (trái) năm nay 80 tuổi, hiện sống ở London. Trong khi đó, Prakashchand (phải) năm nay 70 tuổi, sống tại Thụy Sĩ.

4. Gopichand Parmanand Hinduja

Gopichand hiện sống tại London, cũng có 4,4 tỷ USD cổ phần trong Hinduja Group. Ông năm nay 76 tuổi và có tổng tài sản 5,3 tỷ USD.

5. Ashok Parmanand Hinduja

Ashok năm nay 66 tuổi, có 4,4 tỷ USD cổ phần trong công ty và tổng tài sản là 5,5 tỷ USD.

6. Kumar Mangalam Birla

Birla Group bắt đầu buôn bán sợi đay và bông năm 1870. Kumar Mangalam Birla gia nhập công ty gia đình khi mới 15 tuổi. 7 năm sau, ông lấy bằng thạc sĩ tại Trường Kinh doanh London. Đến năm 28 tuổi, Kumar tiếp quản công ty.

Năm 1995, sau khi người cha - Aditya Vikram Birla qua đời, ông đổi tên công ty thành Aditya Birla Group. Năm nay Kumar 49 tuổi và có 8,8 tỷ USD tài sản.

7. Pallonji Shapoorji Mistry            

Cha của Pallonji Shapoorji Mistry - Shapoorji Pallonji đồng sáng lập công ty Littlewood Pallonji and Company năm 1865. Ông cũng xây dựng nhà máy cho Tata Steel và Tata Motors để đổi lấy cổ phần tại đây.

Mistry năm nay 87 tuổi, gia nhập công ty năm 18 tuổi. Công ty này hiện có tên Shapoorji Pallonji Group, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Mumbai. Cổ phần của Mistry trong này trị giá 1,9 tỷ USD. Trong khi cổ phần tại Tata của ông là hơn 9 tỷ USD.

8. Azim Hasham Premji

Azim Hasham Premji năm nay 70 tuổi và là ông trùm IT của Ấn Độ. Ông có tài sản 16,2 tỷ USD, thừa kế Western India Vegetable Products từ người cha - Mohamed H. Hasham Premji.

Khi cha mình qua đời năm 1966, Premji mới 21 tuổi. Ông đã bỏ Đại học Stanford để về công ty gia đình. Năm 1968, ông đã là Chủ tịch kiêm CEO. Sau đó, Premji đổi tên công ty thành Wipro - hiện là hãng cung cấp dịch vụ outsource (thuê ngoài) lớn thứ 3 Ấn Độ. Cổ phần của ông trong này trị giá 9,5 tỷ USD.

9. Mukesh Ambani

Ambani năm nay 59 tuổi, có 23,3 tỷ USD tài sản. Ông thừa kế đế chế đa ngành - Reliance Group từ cha mình - Dhirajlal Hirachand Ambani.

Năm 2002, ông và người em Anil cùng tiếp quản công ty sau khi cha mình qua đời. Tuy nhiên, đế chế này đã bị chia đôi năm 2005 do hai người bất đồng ý kiến.

Ambani nhận mảng hóa dầu, dầu khí, dệt may, bán lẻ và viễn thông, đặt lại tên công ty là Reliance Industries. Ông hiện là Chủ tịch công ty.

Hà Thu (theo CNBC)