Thứ sáu, 3/1/2025
Thứ ba, 7/7/2020, 15:46 (GMT+7)

Những người thợ tạc tượng Phật từ đá núi

Làng Sagyin có nghĩa là "cẩm thạch" trong tiếng Myanmar, bởi đây là nơi chế tác những bức tượng Phật cẩm thạch xuất khẩu.

Một người dân đang xẻ đá khắc tượng trong xưởng ở làng Sagyin, phía bắc Myanmar.

"Chúng tôi được ban phước nghề chạm khắc tượng Phật", nghệ nhân Chin Win nói khi đang làm việc trong xưởng đá ở Sagyin, ngôi làng nằm giữa 7 ngọn đồi màu trắng.

Lớp bụi đá màu trắng phủ kín gương mặt của một công nhân khắc tượng.

Nhiều thế hệ trong làng là nghệ nhân điêu khắc tượng Phật, kiếm sống nhờ bán các bức tượng khổng lồ sang thành phố Mandalay lân cận hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc Thái Lan.

Một mỏ khai thác đá cẩm thạch phục vụ nghề chế tác tượng Phật ở Sagyin.

Đá cẩm thạch Myanmar có nhiều màu sắc, từ trắng tinh khiết đến xanh xám, được đánh giá cao về độ cứng và kết cấu. Một phiến đá 45 tấn có thể bán với giá 40.000 USD. Ở Sagyin, bụi đá được sử dụng cho mọi thứ, từ đánh răng tới giặt quần áo.

Một tượng Phật đã hoàn thiện để ở gần sông Irawaddy chờ vận chuyển bằng thuyền tới người mua.

Trẻ em chơi với các mẩu đá trong một xưởng chế tác.

"Chúng tôi lớn lên trong bầu không khí bụi bặm này", Chin Win, 35 tuổi, làm nghề tạc tượng từ năm 11 tuổi, nói. "Chúng tôi dùng bột đá làm kem đánh răng, xà phòng, son môi".

Hai phụ nữ đi qua một tượng Phật đang được chế tác.

Trước đây, người ta phải đục đá bằng tay, nhưng công việc này hiện đã được thay thế bằng máy móc.

"Tôi sinh ra trong làng và nhiều thế hệ đã làm công việc này. Đàn ông tạc tượng, đàn bà làm việc trong mỏ đá hoặc đánh bóng tượng", cô Mya Lay, 25 tuổi, nói khi đang ngồi trong một ngôi nhà dựng bằng tre, sàn nhà là các phiến đá cẩm thạch.

Mya Lay (phải) và một phụ nữ cùng làng tại mỏ khai thác đá.

Nhiều năm qua, cô vẫn đi lên đi xuống các mỏ đá từ sáng sớm tới khi mặt trời lặn, đội trên đầu những khối đá lớn với tiền công 3,5 USD mỗi ngày.

"Nếu được, tôi muốn rời làng tìm công việc tốt hơn trong thành phố", cô nói, cho biết muốn ra đi để con gái có cuộc sống tốt hơn.

Phụ nữ đánh bóng tượng Phật trong một xưởng chế tác ở làng Sagyin.

Nhiều người sợ mắc bệnh vì quanh năm suốt tháng hít bụi đá, thứ có thể gây bệnh phổi nghiêm trọng. Rất ít người đeo khẩu trang hoặc mặc quần áo bảo hộ.

Tượng Phật được trưng bày trong một xưởng ở Sagyin sau khi hoàn thiện.

Kyi Khaing, chủ một xưởng điêu khắc tượng, cho hay phần lớn người dân quá nghèo, không còn tâm trí lo cho sức khỏe bản thân.

"Tôi nghĩ bụi đá cẩm thạch không an toàn, nhưng phần lớn mọi người ở đây chỉ chú tâm kiếm tiền để đủ sống, chứ không có thời gian quan tâm đến sức khỏe", Khaing nói.

Công nhân làm việc cho xưởng của Kyi Khaing.

Đại dịch Covid-19 còn gây tác động lớn hơn. Tuy Myanmar chỉ báo cáo 299 ca nhiễm và 6 ca tử vong, việc làm ăn với Trung Quốc, đối tác mua phần lớn tượng sản xuất ở Sagyin, lại bị ảnh hưởng lớn.

Dân làng đi qua một pho tượng khổng lồ chưa hoàn thiện.

Việc đóng cửa biên giới hai nước đồng nghĩa với việc Kyi Khaing, 49 tuổi, không thể xuất khẩu được tượng Phật. "Sản phẩm đã hoàn thiện vẫn nằm trong kho", ông nói. "Tôi không thể giao chúng đi. Người mua cũng không đến".

Một tượng Phật khổng lồ nằm ven sông Irawaddy chờ vận chuyển bằng thuyền tới người mua.

Tuy nhiên, Kyi Khaing nghĩ rằng nhiều thứ ở Sagyin sẽ bất biến theo thời gian. "Tôi tin rằng tới khi mình chết đi, ở đây vẫn còn đá cẩm thạch", anh nói . "Ở đây đào đâu cũng ra đá cẩm thạch".

Hồng Hạnh (Ảnh: Reuters)