Cô gái cho biết suốt 3 năm bị kìm kẹp vì dịch bệnh khiến bản thân nảy sinh nhiều suy nghĩ tiêu cực. Lo lắng mọi người cũng có thể bị ảnh hưởng nhưng không thể giải quyết, cô chọn cách ôm cây, trò chuyện chân thành và để chúng lắng nghe lòng mình.
Trước đó Qishishiqi cũng được truyền cảm hứng từ bài báo giới thiệu ý tưởng cây cối có thể đem lại nguồn năng lượng phong phú, có lợi cho sức khỏe với con người.
"Cây cối sẽ im lặng lắng nghe mọi tâm sự của bạn và kiên nhẫn hơn bất cứ người nào khác", cô nói.
Trước đó vào một đêm hồi tháng 4, sau khi rời quán nhậu với chồng, Qishishiqi bất chợt ôm một cái cây trên con phố vắng vẻ ở Thượng Hải và chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội. Bài đăng nói về cảm giác thư giãn và thoái mái khi được ôm cây lên mạng xã hội của cô đã nhận hơn 200.000 lượt xem, 5.000 lượt thích.
Cũng từ đây, cô gái trẻ bắt đầu duy trì cách thức này như một phương pháp chữa lành hiệu quả.
Yiziyang, ở Thượng Hải, giải thích hành động ôm cây như để "đáp lại tiếng gọi của thiên nhiên hoang dã". Cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên, giảm căng thẳng đã khiến cô từ bỏ công việc làm nhân viên bất động sản để trở thành một hướng dẫn viên du lịch trải nghiệm toàn thời gian.
Không chỉ bùng nổ ở Trung Quốc, từ năm 2020, cơ quan Quản lý Công viên và Thiên nhiên của Israel đang kêu gọi người dân ôm cây nếu để bày tỏ tình cảm, vượt qua cảm giác tách biệt do dịch bệnh mang lại.
"Trong thời kỳ khó khăn này, chúng tôi khuyên mọi người trên khắp thế giới nên hòa mình vào thiên nhiên, hít một hơi thật sâu, ôm lấy một cái cây và bày tỏ tình yêu của bạn" Orit Steinfeld, giám đốc tiếp thị của chính quyền tại Công viên Quốc gia Apollonia của Israel, nói.
Li Xiaolin, bác sĩ tại Bệnh viện Dongzhimen thuộc Đại học Trung Y Dược Bắc Kinh (Trung Quốc) chia sẻ với tờ Life Times hồi tháng 11/2022 rằng cây cối có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
"Cây xanh tỏa ra sinh khí giúp mọi người điều chỉnh cảm xúc cá nhân", bác sĩ Li nói.
Thực tế, ôm cây đã trở thành hoạt động phổ biến để giảm căng thẳng, lo lắng cho nhiều người trẻ, bên cạnh các hoạt động viếng thăm các ngôi đền và thiện định.
Phần Lan cũng tổ chức giải ôm cây thế giới trong ba năm qua. Cuộc thi kêu gọi mọi người kết nối với thiên nhiên, tìm lại sự bình yên giữa cuộc sống hối hả.
Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra ôm cây cũng được chứng minh làm tăng nồng độ oxytocin - loại hormone giúp gắn kết tình cảm, tăng cảm giác hạnh phúc, bình tĩnh và tin tưởng. Hoạt động này còn giúp con người thư giãn giảm căng thẳng, điều hòa nhịp tim, huyết áp cũng như cải thiện tâm trạng, tránh trầm cảm.
Tiến sĩ Stone Kraushaar, nhà tâm lý học lâm sàn của Mỹ, cũng gợi ý mọi người nên ôm nhau hoặc cây cối trong tối thiểu 21 giây để được hưởng lợi từ việc tăng cường giải phóng oxytocin.
Minh Phương (Theo SCMP, Reuters)