Luo Yufei, 28 tuổi, từng là giám đốc sản phẩm của một công ty công nghệ giáo dục trước khi bị sa thải hồi tháng 7. Anh quyết định không tìm việc mới mà dành cả buổi tối lang thang khắp Bắc Kinh tìm kiếm những món rác có giá trị bị bỏ lại trên vỉa hè. "Đường phố chứa đầy những món hàng còn có thể tái sử dụng nếu bạn biết chỗ và có thời gian để tìm", Luo nói.
Trong các chuyến đi gần đây, chàng trai 28 tuổi đạp xe đến Wudaoying Hutong, một con hẻm đã được cải tạo trở thành điểm mua sắm sành điệu cho giới trẻ, nơi Luo nhặt được một hộp trang sức bằng gỗ sồi có lót nhung kèm gương, một chiếc kệ để đồ màu trắng và một đôi ghế bành cổ. "Chúng còn quá tốt để bị vứt bỏ", Luo nhận xét.
Sau nửa tiếng chờ đợi xem chủ nhân của cặp ghế có xuất hiện không, anh chụp lại đồ vật này và rao bán trên trang cá nhân. Không lâu sau, một trong số những người theo dõi anh trên mạng xã hội đã mua và mang món đồ về nhà.
![Mikiko và một chiếc ghế dài mà cô ấy tìm thấy. Ảnh: Xiaohongshu](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2022/10/10/-2487-1665380929.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kg3Yb3w43ckiS3-ikCGGhA)
Mikiko và một chiếc ghế dài mà cô ấy tìm thấy. Ảnh: Xiaohongshu
Ở Bắc Kinh, Luo là môt trong những người sớm tham gia vào trào lưu "khom lưng bới rác tìm vàng". Mới xuất hiện ở Trung Quốc và được người trẻ đón nhận, nhưng "bới rác tìm vàng" trở thành nét văn hóa ở New York (Mỹ), sau đó lan đến ở Amsterdam (Hà Lan), Toronto (Canada), hàng chục năm nay, nơi mọi người có thể tìm thấy những món đồ bị bỏ lại trên vỉa hè, mang về tái sử dụng.
Luo lần đầu biết đến công việc đi nhặt phế liệu và đồ cũ từ cuối tháng 8, sau khi xem bài đăng của Mikiko ở Thượng Hải, một người cũng "khom lưng tìm rác". "Chúng ngay lập tức thu hút sự quan tâm của tôi", Luo nói và tiết lộ từng nhiều lần đi bới rác, nhặt chai lọ và các vật dụng bỏ đi để kiếm tiền tiêu vặt khi còn là thiếu niên. Anh cũng tự nhận mình là người nhặt rác lành nghề và thích tiết kiệm.
Mong muốn mang văn hóa này đến với đông người, Luo đã lập ra một trang có tên StoopingBeijing, nơi chia sẻ những món đồ được tìm thấy và lập bản đồ các địa điểm có nhiều đồ cũ bị vứt bỏ, dựa trên những đóng góp của cộng đồng. Hiện tài khoản có hơn 12.000 người theo dõi, con số vượt xa sự mong đợi của Luo.
"Tôi từng phải đối mặt với nỗi lo không biết phải làm gì với đồ đạc cũ khi dọn đi. Nhiều món đồ còn mới nhưng bị vứt bỏ thật phí phạm. Tôi muốn những món đồ còn giá trị có thể đến được tay người cần", Luo nói.
Trong ngôi nhà ba tầng của Wu Kaisi ở ngoại ô Quảng Châu, hầu hết đồ đạc gồm nệm, bàn ghế, rèm cửa được xếp la liệt ngoài lối đi. Wu lần đầu chứng kiến thói quen "bới rác tìm vàng" trong một chuyến đi đến Mỹ năm 2015.
Tại Long Beach, bang Californa (Mỹ), anh phát hiện một chiếc tủ lạnh đặt ngoài đường cùng dán nhãn "miễn phí". "Tôi đã sốc. Thật không thể tin có ai đó ở Trung Quốc sẽ để lại món đồ đẹp đẽ này ngoài vỉa hè cho người khác lấy tùy thích. Nếu bắt buộc phải bỏ, họ sẽ bán lại cho những người thu mua đồ cũ để kiếm thêm một khoản tiền nhỏ", Wu nói.
Sau khi trở lại Quảng Châu, anh bắt đầu theo lối sống tối giản, không mua gì mới ngoài đồ lót. Một thời gian sau anh quyết định biến sở thích bới rác thành công việc chính. Hiện Wu sở hữu 2 cửa hàng thu mua phế liệu và bán đồ cũ ở Phật Sơn và Quảng Châu.
![Wu, người chuyển sang công việc săn rác thải ở Trung Quốc. Ảnh: Wu Kaisi](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2022/10/10/-3448-1665380929.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TzwWu9zYBWFU7gKXhlmuVg)
Wu, người chuyển sang công việc săn rác thải ở Trung Quốc. Ảnh: Wu Kaisi
Với những người săn rác kỳ cựu như Luo và Wu, đối thủ lớn nhất trong việc thu thập các loại rác giá trị là đội ngũ công nhân vệ sinh ở thành phố. Để cạnh tranh, Wu phải thực hiện các chuyến săn lùng khắp thành phố từ nửa đêm đến 4 giờ sáng, trước khi các nhân viên vệ sinh công cộng bắt đầu đi làm.
Địa điểm tìm kiếm rác thải ở Quảng Châu bao gồm các khu phố lịch sử như quận Yuexiu, nơi Wu nói "rất dễ phát hiện đồ nội thất cổ bị vứt ra ngoài do có những vết bẩn nhỏ hoặc các vấn đề khác có thể sửa chữa". Một nơi khác là trung tâm thương mại Tianhe, nơi nhân viên văn phòng thường vứt các các món có giá trị vào thùng rác.
Theo Luo, thời điểm thích hợp để tìm những món đồ có giá trị bị vứt bỏ ở Bắc Kinh là cuối ngày, khi anh tan làm và có thời gian tìm kiếm. Vị trí thích hợp để bới rác là các khu mua sắm thời thượng. Riêng các con ngõ hẹp có sân ở trung tâm thành phố, anh phải cẩn thận để tránh nhặt nhầm tài sản của cư dân, dù rất giống đồ bỏ đi.
"Nhiều người già thường để ghế bên ngoài để tiện ngồi và nói chuyện. Khi nhìn thấy 4 chiếc ghế đặt cạnh nhau, tôi biết đó là những món đồ đang dùng. Còn nếu chúng được đặt gần thùng rác, nhà vệ sinh công cộng, bạn có quyền lấy", Luo nói.
Trong năm qua, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng đóng cửa thành phố nhiều lần vì dịch, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ và sự sụt giảm tài sản ngày càng trầm trọng. Điều này khiến tài chính và tinh thần của người tiêu dùng đi xuống, buộc mọi người suy nghĩ lại về chiến lược chi tiêu và tiết kiệm. Nhiều nhân viên văn phòng đã từ bỏ ăn hàng, không dùng sử dụng các dịch vụ làm đẹp bên ngoài, thậm chí là cắt tóc. Những video chia sẻ lối sống giàu có từng thu hút đông người xem, giờ trở nên lạc lõng và được thay thế bằng các mẹo tiết kiệm tiền.
![NHiều món đồ không dùng bị bỏ đi được tìm thấy trong các bãi rác ở Thượng Hải và Bắc Kinh. Ảnh: Xiaohongshu](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2022/10/10/-6123-1665380929.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-MtNnqOmJYGlrQgz787f4w)
NHiều món đồ không dùng bị bỏ đi được tìm thấy trong các bãi rác ở Thượng Hải và Bắc Kinh. Ảnh: Xiaohongshu
Victoria Ma, nhà văn tự do 25 tuổi ở Thượng Hải, đã mua được chiếc ghế sofa từ cửa hàng đồ cũ hồi tháng 8, giúp tiết kiệm hàng trăm tệ. Nữ nhà văn gọi bản thân là người thụ động bởi thay vì lùng sục tìm đồ từ các bãi rác, cô thích lên các diễn đàn do Mikiko, Luo hoặc Wu lập ra để mua lại.
Ngày nay, các hội nhóm sưu tầm, săn lùng đồ từ bãi rác thu hút đông người tham gia. Về lý thuyết, nhóm này được xây dựng để những người tham gia có thể chia sẻ ảnh kèm địa chỉ cho người có nhu cầu săn tìm đồ cũ. Trên thực tế, chúng hoạt động giống như chợ trời trực tuyến, nơi người dùng có thể mua và bán các mặt hàng.
"Đa phần là những người muốn bán những món đồ không cần thiết với giá bằng một phần nhỏ so với ban đầu. Một số khác sẽ hào phóng sẽ tặng đồ miễn phí", Luo nói.
Tuy nhiên, Luo thường xuyên nhận lời phàn nàn từ những người săn rác hoặc chủ sở hữu các món đồ bởi nhiều khách mua hàng đòi hỏi không thực tế. "Họ đăng tin tìm người đi săn rác là máy ảnh, xe máy điện bị bỏ đi, dù biết chắc chúng không hề rẻ và hiếm người vứt", anh nói.
Minh Phương (Theo The China Project)