Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Hưởng, Trường Trung cấp 24 Biên phòng, nhớ chú chó nghiệp vụ đầu tiên được giao trong đời năm 2007. Một con becgie Đức lông xám nặng 30 kg, chuyên ngành chó cứu nạn, tên Antop. Theo thông lệ, mỗi học viên đầu khóa học được nhà trường giao quản lý một chú chó để chăm sóc, huấn luyện và làm nhiệm vụ. Cả hai sẽ đồng hành sau ngày khai giảng đến khi tốt nghiệp, 9 tháng với bậc sơ cấp và 2 năm bậc trung cấp.
Trung sĩ 19 tuổi ngày ấy chưa từng tiếp xúc chó nghiệp vụ, nhớ cảm giác không dễ dàng khi phải tìm cách vượt qua nỗi sợ trước vẻ ngoài con becgie - dòng chó hung hãn nhưng rất trung thành. Mỗi lần bê chậu thức ăn cho chó, Hưởng đều nhẹ giọng gọi để làm thân. Học theo kinh nghiệm dân gian, anh cho nước bọt vào lòng bàn tay để chó quen hơi. Nhưng khi xoa đầu Antop, anh vẫn run "sợ nó đớp thì trở tay không kịp".
Ngoài cho ăn, tắm táp, vệ sinh chuồng nuôi, Hưởng đều rủ Antop đi cùng mỗi khi rảnh rỗi sang phòng hay khoa khác chơi. Mỗi lần nó tìm thấy đồ vật giấu trên bãi tập sẽ được thưởng đồ ăn. Dần dà, thấy Hưởng đi đánh bóng, chơi thể thao, nó cũng chạy theo. Chú chó ngày ấy bước vào cuộc đời chiến sĩ trẻ như lẽ tự nhiên, đến mức sau này anh nhận ra thời gian chăm chó nhiều hơn bên vợ con.
"Tạo dựng một mối quan hệ luôn cần thời gian và sự tin tưởng. Người và chó cũng vậy, muốn huấn luyện được trước tiên phải là bạn của nó", anh nói. Khi trở thành huấn luyện viên Khoa Giám biệt nguồn hơi, Hưởng vẫn mang kinh nghiệm truyền cho lớp đàn em, bởi anh tin chó cũng có linh tính, nhận biết được tình cảm thật của con người chỉ với cái xoa đầu.
Miền Bắc những ngày mưa nồm độ ẩm cao, hay chuyển mùa thu sang đông hanh khô là lúc chó hay ốm. Anh Hưởng nhớ có lần hẹn đưa vợ về thăm nhà ngoại vào cuối tuần. Nhưng sát ngày chủ được về, Antop bỏ ăn, nằm một chỗ, đưa lên thú y kiểm tra bị viêm phổi. Anh đành khất với vợ rồi ở lại trường chăm chó. Antop phải tiêm truyền, điều trị tích cực hơn một tuần mới khỏi. Ngoài thức ăn theo quy định, anh mua thêm sữa, nấu cháo cho chó. Nửa tháng sau anh mới về nhà dù chỉ cách đơn vị chục cây số.
Antop và đồng đội Poma - một chó khác cùng dòng becgie Đức là cặp bài trùng của khoa, trực tiếp tham gia nhiều vụ cứu nạn từ sạt lở ở Đồng Bảng (Mai Châu, Hòa Bình) đến mỏ than Phấn Mễ (Đại Từ, Thái Nguyên).
Đầu năm 2013, gặp cú sốc khi Poma qua đời, Antop bỏ ăn, giảm nhiệt huyết khi làm nhiệm vụ. Cùng lúc, anh Hưởng nhận lệnh tăng cường vào Tây Nguyên. Cho đến bây giờ, anh vẫn nhớ cái ngước mắt của Antop khi cho ăn bữa cuối, dặn nó rằng sắp đi xa. Trong những cuộc điện thoại về trường sau đó, câu đầu tiên với anh em đơn vị luôn là "con tao thế nào, ăn được không, béo hơn không?".
Ba tháng sau ngày anh Hưởng đi, Antop được nhà trường đưa về phòng Chăn nuôi dưỡng già, cho đến khi mất cuối năm 2013. Hoàn thành cuộc đời của những chú chó cứu hộ, Antop và Poma giờ thành tiêu bản, được nhà trường bàn giao Bảo tàng Bộ Tổng tham mưu và Cục Cứu hộ cứu nạn lưu giữ.
Sau 12 năm gắn bó với nghề nuôi dạy chó nghiệp vụ, thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi, đúc kết: "Từ ngày lấy vợ sinh con, chưa chắc con ốm đã chăm được ngày nào, nhưng chó ốm bón từng thìa cháo. Đó là trải nghiệm lẫn hy sinh mà tất cả huấn luyện viên đều phải kinh qua".
Bản chất của huấn luyện chó nghiệp vụ, theo ông không phải dạy mà là chơi, hướng dẫn và thành lập phản xạ để chó làm nhiệm vụ. Muốn thành huấn luyện viên giỏi, chiến sĩ ngoài năng lực chuyên môn phải đáp ứng ba điều kiện là yêu động vật, nhẫn nại và có trách nhiệm.
Quần áo, đầu tóc huấn luyện viên luôn ám mùi hôi của chó khi nuôi dạy chúng. Không yêu động vật, người lính khó gắn bó với chó lẫn nghề. Sự nhẫn nại thể hiện khi chó đau ốm luôn túc trực chăm sóc, kiềm chế, dỗ dành lúc chó không nghe lời và tuyệt đối không được ngược đãi. Nhưng đôi lúc, huấn luyện viên cũng bị chó cắn trong tình huống khó lường. Thượng tá vỗ bắp tay trái, nơi còn dấu nanh chó, nói "chưa lãnh sẹo thì chưa phải làm nghề".
"Yêu chó mới theo được nghề này" là câu đầu tiên ông nói với các thế hệ học viên khóa mới. Ông luôn yêu cầu các chiến sĩ khi nhận chó, trong hai ngày phải làm quen bất kể con dữ hay lành. Sau thời gian trên, phải làm sao để con vật quen mùi hơi, giọng nói, hình dáng, nghe khẩu lệnh đơn giản như đứng, ngồi, theo sát khi chủ di chuyển. Chó quấn chủ rồi, mọi sự sẽ hanh thông.
Dạy học viên, ông thường ví "Tập luyện với chú chó mới như làm quen với bạn gái. Anh phải lấy lòng, gần gũi với chó, đến ngày thứ hai quen được thì phần còn lại rất dễ. Nhưng đến một tuần vẫn chưa quen được thì coi như hỏng".
Gắn bó lâu, hai bên sẽ tạo nên sợi dây kết nối vô hình về cảm xúc, người lính nhận lại tình cảm từ chú chó trung thành. Năm 2011, thượng tá Kiên từng đi học thêm khóa huấn luyện nghiệp vụ, nhờ chiến sĩ chăm sóc nhưng quên dặn chó "có việc phải đi xa".
Buổi đầu tiên, cậu lính than thở chó bỏ ăn, bón tận miệng cũng không chịu. Ngày hôm sau, cậu gọi điện giọng như mếu "Chó của chú đi đâu mất rồi, tìm khắp đơn vị không thấy". Ông nhắc chiến sĩ vào phòng mình tìm dưới gầm giường. Như dự đoán, chú chó nằm cuộn tròn dưới gầm giường cho đỡ nhớ hơi chủ.
Những năm sau này khi có việc phải đi xa, ông đều dắt chó đến trước mặt người chăm hộ rồi trao cương, dặn nó "Ngày mai tao phải đi có việc, cậu này chăm thay, mày nhớ ăn uống đầy đủ rồi vài hôm tao lên". Nghe vậy, chó mới chịu ăn.
Ba năm tăng cường nhiệm vụ, anh Hưởng về lại trường năm 2016, được giao nuôi dưỡng Pocka. Chú chó 2 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành cứu nạn, chỉ chờ huấn luyện chuyên sâu.
Nhìn con becgie lông xám, anh Hưởng trộm so sánh với Antop. Hai con có vài điểm giống nhau, mũi thính, mắt tốt, chạy nhảy suốt ngày. Nhưng Pocka bự hơn, nặng nhất 42 kg còn Antop 33 kg. Có thời điểm Pocka nặng bằng con bê hai tuần tuổi, kết quả của một tuần hai lần anh cho chạy bộ, vượt vật cản để luyện thể lực.
Bảy năm song hành, hai thầy trò trải qua nhiều nhiệm vụ, từ tìm người trong lũ quét Sơn La, đến cứu hộ sạt lở Tiểu khu 67 (Thừa Thiên Huế), sang Thổ Nhĩ Kỳ tìm nạn nhân thảm họa động đất. Nó dẫn đàn, là chú chó đầu tiên phát hiện chính xác vị trí nguồn hơi để bộ đội Việt Nam định vị 31 điểm, 15 vị trí, tìm kiếm được 36 nạn nhân trong đó hai người còn sự sống tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuối tháng 2/2023, Pocka trong số sáu quân khuyển nhận bằng khen của Bộ Quốc phòng, sau 12 ngày đêm làm nhiệm vụ trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng thời điểm, huấn luyện viên Nguyễn Văn Hưởng cũng được thăng hàm trước thời hạn, từ đại úy quân nhân chuyên nghiệp lên thiếu tá.
Anh Hưởng ngày càng ưng học trò, bởi "nó thông minh, học một hiểu gấp ba". Pocka luôn đạt điểm giỏi khi làm bài tập khó, tìm đúng nguồn hơi cần giám biệt dù thầy đem đi giấu từ chiều hôm trước hoặc cách một ngày. Thầy trò chuyển sang thực hành giấu nhiều nguồn hơi ở những vị trí khác nhau, cách vài ngày mới đi tìm. Bài tập mô phỏng tình huống nhiều nạn nhân ở hiện trường rộng lớn, phòng những bất trắc trong tương lai khi thời tiết ngày càng khó lường.
Pocka bước sang tuổi thứ 10, thuộc hàng "lão tướng" của đàn chó nghiệp vụ. Nhưng trong mắt anh Hưởng, nó vẫn như đứa con trai ham chạy nhảy, sẵn sàng lao vào đống đổ nát của động đất truy tìm nguồn hơi cho đến khi đạp vào mảnh kính đứt chân, hay thụt chân trong bãi sình lầy vụ sạt lở đất, phải bắc ván để leo ra. Đôi lúc, anh hoảng sợ, phải liên tục ghìm cương, réo gọi chó trở ra để tránh nguy cơ gặp nạn.
Trên thao trường những ngày cuối tháng 12, Pocka có thêm bạn đồng hành tên Vat, chú chó được anh Hưởng đào tạo kế cận làm nhiệm vụ. "Vat học không nhanh bằng Pocka, nhưng hai đứa luôn giúp đỡ nhau", vị huấn luyện viên nhận xét, tin học trò mình sẽ vượt qua.
Lúc thực hành, Pocka luôn truyền đạt kinh nghiệm cho đàn em. Khi chạy trên cầu, vượt chướng ngại vật, nó thường làm trước rồi ngoái cổ lại nhìn, đợi Vat làm theo. Hai đứa cùng ăn, cùng chơi, cùng học, thấy anh Hưởng huýt sáo đi đâu là hai con cùng chạy theo sau.
Trong các cuộc trò chuyện qua điện thoại của vợ chồng anh Hưởng bây giờ, luôn có sự góp mặt của Pocka. Thi thoảng, chú chó thực hiện động tác đứng, ngồi, bắt tay khiến lũ trẻ nhà anh cười rộ. Anh nói vợ mình giờ yêu quý chó hơn chồng, rằng "có lần được vào đơn vị, cô ấy hỏi thăm chó trước tiên, thích nhìn mặt con Pocka hơn cả mình".
Hoàng Phương - Sơn Hà