Dù trời mưa như trút nước, sáng sớm 18/6, hàng chục người vẫn xếp hàng bên ngoài một phòng khám ở Bedok, khu dân cư phía đông Singapore. Họ chủ yếu là người cao tuổi và công dân quốc tịch Trung Quốc, những người muốn đăng ký tiêm vaccine Covid-19 Sinovac.
Sun Yan Hui, 50 tuổi, quê Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, cũng góp mặt trong hàng người. Bà nghỉ làm một ngày chỉ để xếp hàng tiêm vaccine vì sợ những ngày tới, nhu cầu sẽ tăng cao. "Tôi đến từ Trung Quốc và tôi yêu đất nước mình. Tất nhiên tôi sẽ tiêm vaccine Sinovac", bà nói bằng tiếng Quan thoại.
Một người khác không muốn tiết lộ tên cho hay cô tin tưởng vaccine Trung Quốc hơn bởi nó đã được tiêm cho cả tỷ dân nước này. "Toàn bộ gia đình và mọi người dân trong làng tôi đều tiêm Sinovac và họ không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào", người phụ nữ 32 tuổi đến từ tỉnh Hồ Nam chia sẻ.
Giới chức Singapore hôm 16/4 công bố danh sách 24 cơ sở y tế tư nhân có thể tiêm 200.000 liều vaccine Sinovac mà họ nhận từ Trung Quốc hồi tháng hai.
Dù Sinovac chưa được cấp phép tại Singapore, chính phủ giờ đây vẫn đồng ý để người dân lựa chọn các loại vaccine thay thế cho hai loại đã được phê duyệt là Pfizer-BioNTech và Moderna.
Người dân chọn tiêm vaccine Trung Quốc phải trả một khoản phí quản lý nhỏ, từ 7,5 USD đến 18,6 USD, và sẽ không nằm trong chương trình bồi thường của Singapore nếu họ gặp các phản ứng phụ nghiêm trọng hoặc tử vong.
Dù vậy, Sinovac dường như đã gây tiếng vang lớn ở quốc gia có phần lớn dân số là người gốc Hoa này. Đường dây điện thoại của tất cả các phòng khám tư được cấp phép tiêm vaccine thường xuyên bận.
Leong Hoe Nam, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại phòng khám Rophi, cho biết các cuộc gọi bắt đầu ào ạt đổ tới sau thông báo lúc 22h30 ngày 16/4 của chính phủ. Phòng khám của ông được cấp 200 liều Sinovac, nhưng có đến hơn 1.000 người trong danh sách chờ. "Phản ứng của người dân cực kỳ mạnh mẽ", ông nhận xét.
Khi được hỏi vì sao phòng khám vẫn đăng ký thực hiện tiêm vaccine Sinovac dù lợi nhuận không cao, Leong nói: "Tôi luôn ủng hộ vaccine. Chỉ cần giúp mọi người được tiêm phòng là tôi vui rồi".
Theo ông, vaccine Trung Quốc sẽ phục vụ tốt cho những người không muốn tiêm vaccine mRNA vì lo sợ tính an toàn của công nghệ mới so với các công nghệ truyền thống, như Sinovac, vốn là vaccine bất hoạt, sử dụng virus đã chết hoặc được làm suy yếu để kích thích hệ miễn dịch con người.
Tại Trung tâm Chuyên gia StarMed, hơn 100 người đã tiêm vaccine Sinovac, theo giám đốc điều hành Louis Tan. Phòng khám được cấp 400 liều nhưng có hơn 3.000 lượt đăng ký, kéo dài tới tận tháng 9.
Tan cho biết ban đầu, những người đăng ký chủ yếu là cư dân trên 40 tuổi, nhưng gần đây "một lượng lớn" sinh viên Trung Quốc có visa cư trú dài hạn ở Singapore cũng xếp hàng. Phòng khám có kế hoạch đặt hàng vaccine Trung Quốc thường xuyên.
Tại phòng khám Rophi ở trung tâm thành phố, một trong những người đầu tiên tiêm vaccine Sinovac hôm 18/6 là bác sĩ gia đình Ng Thin Onn, 80 tuổi, công dân Singapore. Ông đã đăng ký ngay sau khi hay tin người dân có thể lựa chọn tiêm Sinovac.
"Tôi thích và tin tưởng hơn vào những vaccine bất hoạt cũ", ông nói. "Công nghệ mRNA còn khá mới. Tôi không bảo rằng nó tệ nhưng tôi nghĩ còn quá nhiều thứ chưa thể đo lường hết được".
Ng thêm rằng ông tin vào "thực tế" hơn là các thử nghiệm hay bình duyệt trên các chuyên san khoa học. Theo kết quả nghiên cứu, Sinovac có tỷ lệ hiệu quả khoảng 51%, trong khi tỷ lệ này ở vaccine Pfizer và Moderna đều trên 90%.
"Hãy nhìn vào Trung Quốc, tôi nghĩ họ đang làm tốt hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, giới chức y tế Singapore tuần trước cho biết họ chưa thể phê duyệt vaccine Trung Quốc do nhà sản xuất vẫn chưa nộp một số dữ liệu cần thiết cho cơ quan quản lý địa phương.
Theo Kenneth Mak, quan chức cấp cao Bộ Y tế, Singapore đang quan sát kinh nghiệm của các nước khác đã tiêm vaccine Sinovac cho người dân, như Indonesia.
"Có rủi ro rất lớn liên quan đến việc vaccine không hiệu quả", ông nói. "Đây không phải vấn đề xảy ra với Pfizer mà là vấn đề của Sinovac. Tại một số nước, họ đang tính đến việc tiêm liều bổ sung cho những người đã tiêm vaccine Trung Quốc".
Mặt khác, theo ông, Singapore vẫn rất tin tưởng vào vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna mà họ đang sử dụng. Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cuối tuần trước thông báo 1/2 dân số Singapore đã tiêm ít nhất một mũi của hai loại vaccine trên và khoảng 36% dân số đã tiêm đủ hai mũi.
Phản ứng nhiệt tình đối với vaccine Sinovac còn được nhen nhóm sau khi đại sứ quán Trung Quốc tại Singapore hôm 12/6 tổ chức họp trực tuyến với các thành viên của Hiệp hội Doanh nhân Chiết Giang. Theo Aaron Yang, phó chủ tịch hiệp hội, hàng trăm người đã tham dự cuộc họp này.
Trong cuộc họp, người Singapore và công dân Trung Quốc ở Singapore đặt câu hỏi liệu họ có được hưởng lợi ích nào nếu tiêm vaccine Sinovac hay không. Đại sứ quán Trung Quốc trả lời rằng hiện "chưa có ưu đãi đặc biệt nào" liên quan tới thời gian cách ly, song thêm rằng việc xin thị thực Trung Quốc đối với những người đã tiêm vaccine Sinovac sẽ "rất thuận tiện".
Ông Yang dẫn chứng việc người Singapore bình thường sẽ phải có thư mời từ chính quyền cấp tỉnh nếu họ muốn xin thị thực kinh doanh tới Trung Quốc, nhưng thủ tục này sẽ được bỏ qua nếu họ đã tiêm các loại vaccine Trung Quốc.
Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhận định động thái này là sự tiếp nối chính sách ngoại giao vaccine của Bắc Kinh và có thể coi là một cách nhằm thu hút nhiều doanh nhân hơn tiêm vaccine Trung Quốc.
"Đây sẽ là một dấu ấn cho họ", ông nói. "Singapore là một nền kinh tế phát triển với hệ thống y tế nghiêm ngặt. Nếu có thêm nhiều người dân ở Singapore tiêm, Trung Quốc sẽ quảng bá được vaccine của họ sang các nước khác".
Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock Đại học Quốc gia Singapore Teo Yik Ying cho rằng nhiều công dân Trung Quốc muốn chọn Sinovac vì nó sẽ giúp việc về nước của họ trở nên thuận lợi hơn khi các biện pháp hạn chế giảm bớt.
Theo ông, việc người dân Singapore đổ xô đi tiêm vaccine Trung Quốc "là một điều tốt". "Dù sao Sinovac cũng là một loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp, đồng nghĩa khả năng bảo vệ mà nó mang lại được cho là có lợi khi triển khai rộng rãi trong thời kỳ khủng hoảng y tế", Teo nói. "Vậy nên khi mọi người tiêm vaccine Sinovac, họ vẫn được bảo vệ trước Covid-19. Tất cả điều đó sẽ góp phần bảo vệ cộng đồng nói chung trước đại dịch".
Vũ Hoàng (Theo SCMP)