"Dù là đàn ông hay phụ nữ, khi chúng ta kết hôn, nào ai nghĩ đến chuyện ly hôn? Nhưng hiện giờ tôi chỉ muốn hạnh phúc, tôi có thể làm gì bây giờ?", Michelle Bulang, nạn nhân bạo lực gia đình ở tỉnh Rizal, ngoại ô Metro Manila, nói. Philippines là nơi duy nhất ngoài Vatican không cho phép ly hôn.
Điều này có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới. Hạ viện Philippines hồi tháng 5 thông qua Dự luật Ly hôn Toàn diện, có thể hợp pháp hóa ly hôn nếu được Thượng viện nước này thông qua.
Nhiều thành viên Thượng viện Philippines bày tỏ ủng hộ dự luật. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr cũng cởi mở với việc hợp pháp hóa ly hôn khi nhậm chức năm 2022. Theo khảo sát hồi tháng 3 của tổ chức nghiên cứu xã hội Philippines Social Weather Stations, 50% người trưởng thành ở quốc đảo ủng hộ, 31% phản đối dự luật.
Quy định cấm ly hôn liên quan sức ảnh hưởng của Công giáo đến xã hội nước này. Trong đó, giáo hội lớn nhất đất nước Iglesia ni Cristo cấm giáo dân ly hôn với lý do vi phạm giáo lý. Philippines có hơn 115 triệu dân, 85% theo Công giáo.
Người Philippines chỉ có thể nộp đơn xin ly thân, cho phép vợ chồng sống riêng với giấy chứng nhận ly thân, nhưng không cho phép ly hôn hoàn toàn, chấm dứt hôn nhân một cách hợp pháp.
Người Hồi giáo chiếm 6,4% dân số Philippines. Họ được phép ly hôn theo luật của đạo Hồi nhưng số lượng vụ ly hôn cũng rất hạn chế.
Michelle Bulang, ở ngoại ô Manila, kết hôn năm 26 tuổi sau tuổi thơ bị cha mẹ ngược đãi, thường xuyên chứng kiến những trận cãi cọ.
"Tôi không được dạy về tình yêu. Hồi nhỏ, tôi nghĩ hôn nhân giống chuyện cổ tích. Mới yêu không lâu tôi đã đồng ý kết hôn, tôi đã nghĩ mình cưới đúng người", Bulang kể.
Sau khi có với nhau 4 người con, chồng Bulang dần sa vào rượu, thường xuyên say và đánh đập vợ mỗi khi cãi vã. Khi nổi giận, anh ta sẽ từ chối đưa tiền mua thực phẩm.
Bulang tìm cách ly thân hợp pháp và phát hiện chồng từng kết hôn với một phụ nữ khác, đồng nghĩa rằng cuộc hôn nhân của cô ngay từ đầu chưa bao giờ hợp pháp.
Nhưng Bulang đang bế tắc, không đủ khả năng tiến hành thủ tục tại tòa án để chứng minh hôn thú vô hiệu. Janine Aranas, luật sư cấp cao ở Quezon, cho biết phí thuê luật sư nộp đơn yêu cầu hủy hôn thú tốn khoảng 4.000 USD, chưa kể phí trả cho luật sư khoảng 100 USD mỗi ngày điều trần.
Tòa Philippines cũng sẽ hủy đơn nếu thiếu bất kỳ tài liệu nào. Họ yêu cầu Bulang phải cung cấp bằng chứng là giấy đăng ký kết hôn trước đó của người chồng. Nhưng cô không còn liên lạc với anh ta. "Gánh nặng chứng minh đè lên vai tôi", Bulang nói.
Khoảng 1,6 triệu người Philippines đang ly thân với bạn đời, theo điều tra dân số năm 2020. Một số người Philippines thậm chí xuất ngoại, nộp đơn ly hôn lên tòa án nước ngoài, rồi hy vọng tòa Philippines công nhận phán quyết đó.
Luật sư Aranas từng có một nữ thân chủ bị chồng cưỡng hiếp, đe dọa bằng dao chặt dừa khi xảy ra cãi vã. Người này cũng không thể chấm dứt hôn nhân, và việc ly thân không bảo vệ cô khỏi chồng mình.
"Hãy tưởng tượng bạn có người mới, nhưng về pháp lý bạn vẫn có chồng", luật sư Aranas mô tả.
Trong khi đó, vẫn có nhiều người phản đối dự luật, cho rằng hôn nhân là điều linh thiêng, chỉ nên xảy ra một lần. Nhiều thượng nghị sẽ đã công khai phản đối dự luật, trong đó có Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Jinggoy Estrada. Hơn 40 nhóm xã hội đã lập liên minh để phản đối quốc hội thông qua luật.
Tim Laws, nhà vận động của Quỹ Gia đình Philippines, lo ngại hàng trăm nghìn người nước này có thể đâm đơn kiện nhau ra tòa để ly hôn nếu luật được thông qua. "Làn sóng ly hôn có thể bùng nổ, làm tan vỡ các gia đình trên quy mô lớn", ông nói.
Trong khi đó, Bulang không biết liệu khi được phép ly hôn chồng, cô có nên tái hôn hay không. "Tôi chỉ muốn cảm nhận tự do. Chúng tôi không phải tội phạm", cô nói.
Đức Trung (Theo Al Jazeera)